Sự kiện Hot: TUYEN SINH 2012DIEM THI DAI HOCTI LE CHOI

Tin liên quan:

 

Học phí trường dân lập tăng cao

>> Thế khó của các trường ĐH Dân lập

>>> Trường ĐH dân lập và sinh viên với nỗi lo học phí

 

Theo một điều tra mới nhất của Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập (NCL), sinh viên nghèo đang học tại các trường tư thục (ngoài công lập) nhiều hơn sinh viên nghèo trường công lập. Điều này có thể hiểu một phần bởi sự thu hút thí sinh của các trường ĐH NCL bằng các chiêu thức tặng học bổng, áp dụng ưu tiên, điểm chuẩn đầu vào thấp... Nhưng nỗi lo thường trực của thí sinh đằng sau sự lựa chọn trường tư lại chính là học phí.

hoc phi truong dan lap, truong ngoai cong lap, truong ban tru, truong noi tru, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, chi tieu, chat luong truogn dan lap, sinh vien truong dan lap

Chất lượng ĐH phải gắn với cơ sở vật chất đầy đủ, nhưng nhiều trường ĐH vẫn chưa đáp ứng nổi yêu cầu này

Sức ép từ học phí: ĐH NCL lao đao

Một thực tế phải chấp nhận là trường ĐH công lập được nhà nước bao cấp đến 70% kinh phí đào tạo; còn ĐH tư phải gánh chịu hoàn toàn 100%. Lẽ dĩ nhiên, theo một số chuyên gia nhận định, học phí chính là "yếu tố sống còn” của ĐH tư thục. Đối với những ĐH NCL có tiềm năng kinh tế lớn, họ sẽ chấp nhận đầu tư "khủng” để xây dựng thương hiệu, chấp nhận chịu lỗ bước đầu thông qua giảm học phí, ưu tiên học bổng toàn phần nhằm thu hút thí sinh.

 

Năm nay, ĐH quốc tế Bắc Hà thu mức phí bình quân 15 triệu đồng/năm (giảm 3 triệu đồng so với năm học trước); ĐH Công nghệ & quản lý Hữu Nghị hạ học phí các ngành kinh tế xuống 16 triệu đồng/năm (giảm bình quân 4 triệu đồng), các ngành khác còn 8,5 triệu đồng/năm (hạ bình quân 2,5 triệu đồng). Một số trường khác tuyên bố tặng học bổng toàn phần hoặc giảm 80% trong 4 năm như ĐH dân lập Hải Phòng nếu thí sinh đạt từ 21-24 điểm đầu vào; ĐH Lạc Hồng miễn học phí năm học thứ nhất nếu thí sinh xét tuyển đạt từ 22 điểm trở lên. Nhưng những trường ĐH có được ưu đãi như trên chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Phần lớn các trường ĐH tư thục còn lại do yếu về tiềm lực kinh tế nên đều coi học phí là nguồn thu chính, nguồn thu này phục vụ trả lương giảng viên, duy trì hoạt động. Do đó mức học phí luôn cao hơn các trường công lập rất nhiều. Điều đó giải thích vì sao những trường "xé rào” quy chế tuyển sinh lại luôn rơi vào những trường ĐH NCL. Một lãnh đạo ĐH phân tích, với mức phạt chỉ vài chục triệu cho việc xé rào quy chế, tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thì nhiều trường sẵn sàng vi phạm. Bởi, chỉ cần thu học phí dăm bảy sinh viên/năm là đã đủ tiền nộp phạt! Lợi dụng điều này, những năm trước có trường tuyển vượt khung đến hàng trăm sinh viên, thậm chí vượt 60-70% chỉ tiêu. Hơn nữa, trước sức ép không thu hút đủ thí sinh so với chỉ tiêu, nhiều trường ĐH NCL lâm vào cảnh lao đao, bất chấp cả quy chế.

 

Học phí trên trăm triệu/năm: chất lượng có tương đương?Năm nay, theo xu thế chung ảnh hưởng từ lạm phát kinh tế, học phí ĐH đều tăng nhẹ. ĐH công lập nhìn chung vẫn duy trì mức học phí từ 4,2 triệu đồng/năm đến 7 hoặc 8 triệu đồng/năm tuỳ ngành học. Đối với hệ thống trường ĐH NCL hiện nay đã phân làm 2 nhóm có mức học phí rõ rệt. Nhóm thứ nhất có học phí thấp dao động từ 6 triệu đồng/năm đến 10 triệu đồng/năm như ĐH Chu Văn An, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Trưng Vương, ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Thành Đông. Nhóm thứ hai có mức học phí "khủng” như ĐH quốc tế RMIT (150 triệu đồng/năm vào năm học trước); ĐH quốc tế Sài Gòn thu 42,5 triệu đồng/năm đối với chương trình đào tạo bằng tiếng Việt, 105 triệu đồng/năm đối với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. ĐH Tây Đô thu phí 36 triệu đồng/năm (ngành Dược); ĐH Hoa Sen thu phí 39.6 triệu đồng đến 45.6 triệu đồng/năm. ĐH Tân Tạo thu học phí 3.000USD/năm cho tất cả các ngành, dù năm nay Bộ GD&ĐT không cho phép các trường thu phí bằng USD.

 

Thực tế, trường ĐH NCL luôn lấy điểm đầu vào thấp hơn công lập, nhưng học phí thì luôn cao hơn. Liệu học phí cao, thì chất lượng có xứng tầm? Trong bối cảnh hiện nay, khó ai dám cam đoan chất lượng đào tạo sẽ xứng với "đồng tiền, bát gạo” mà sinh viên phải gánh! Điều khiến thí sinh ái ngại là nhiều trường ĐH khi nhập học lại đưa ra mức học phí cao hơn thông báo hoặc phát sinh các khoản đóng góp vô tội vạ. Nhiều thí sinh không tìm hiểu kỹ, hoặc cố vớt vát vào trường NCL để có được cái danh "đỗ ĐH”, đành phải hối tiếc bỏ cuộc vì không chịu nổi mức phí cao quá sức.

 

Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH NCL Trần Hồng Quân đã từng thừa nhận, có nhiều trường ĐH NCL chất lượng yếu, vi phạm quy chế dẫn đến mất thương hiệu. Và với sự phát triển của hệ thống ĐH hiện nay, thí sinh có nhiều sự lựa chọn. Nếu các trường ĐH NCL quá phụ thuộc vào áp lực học phí và bỏ ngỏ chất lượng đào tạo, sẽ dẫn đến không thu hút nổi thí sinh, khó cạnh tranh với các trường ĐH công lập. Trước khi đòi hỏi sự "đối xử” công bằng từ Nhà nước, thì các trường ĐH NCL cần có cuộc cách mạng về chất lượng đào tạo và bình ổn học phí. Đó cũng là giải pháp để rút ngắn khoảng cách giữa các ĐH Công lập-Ngoài công lập.

 

** Bạn có thể để lại thắc mắc về tuyển sinh 2012, câu hỏi hoặc ý kiến tại ô bên dưới

(Theo: daidoanket)