Từ ngày 14.2 Thông tư số 29/2024/TT-BGDDT của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực. Tới nay vẫn còn một số băn khoăn thắc mắc của giáo viên, phụ huynh học sinh về vấn đề này.

Tu nam 2025 Giao vien co duoc day them tai nha khong?

Dưới đây là một câu hỏi của các giáo viên, phụ huynh, học sinh về dạy thêm đang được hỏi nhiều, chờ được hướng dẫn cụ thể:

Giáo viên tiểu học được dạy thêm không?

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Thông tư 29 không cấm giáo viên dạy thêm, vấn đề là phải dạy đúng quy định trong thông tư, đừng làm mất đi sự tôn nghiêm cao đẹp của ngành giáo dục, của nhà giáo.

Ông Minh cho hay với giáo viên tiểu học, Thông tư 29 cũng không cấm dạy thêm. "Giáo viên tiểu học không được dạy thêm những môn mình dạy chính khóa ở trường, ở lớp. Còn lại các thầy cô có thể dạy rèn chữ đẹp, dạy thủ công mỹ nghệ, dạy STEM, đàn hát, vẽ tranh nghệ thuật, năng khiếu…", ông nói.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết một giáo viên âm nhạc ở trường công vẫn có thể ra trung tâm dạy các môn nhạc cụ cho học sinh. Hoặc giáo viên trong trường vẫn có thể ra trung tâm dạy đàn, dạy vẽ, thể thao… vì đây là các môn bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh, không được tính là các môn dạy kiến thức văn hóa nên không bị xếp là dạy thêm học thêm.

Ngày 8.2.2025, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng giải đáp thắc mắc của bạn đọc về việc giáo viên tiểu học có được dạy tiếng Anh, tin học IC3 tại trung tâm ngoại ngữ - tin học không? Học sinh tiểu học có được học tiếng Anh, tin học như IC3 tại trung tâm?

Giáo viên nào được đăng ký kinh doanh để dạy thêm?

Nhiều giáo viên đặt câu hỏi khi họ đọc Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT thấy nội dung "Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật", vậy cụ thể là như thế nào? Giáo viên nào cũng cần đi đăng ký kinh doanh rồi đi dạy thêm hay sao?

Luật sư Hoàng Tư Lượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo khoản 1, Điều 6, Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, quy định: Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

  1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
  2. Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo mẫu số 02 tại phụ lục kèm theo Thông tư này).

"Hiện nay, có 2 mô hình bạn có thể lựa chọn: Đăng ký kinh doanh theo hộ kinh doanh hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Sự khác nhau của 2 mô hình trên nằm ở thủ tục, cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động và thuế phải nộp. Tùy vào quy mô hoạt động mà bạn lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh hay doanh nghiệp. Với quy mô nhỏ và vừa nên đăng ký hộ kinh doanh.

Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, giáo viên có thể liên hệ Phòng kinh tế (hoặc Phòng Tài chính kế hoạch) cấp quận/huyện nơi bạn đặt trụ sở đăng ký hộ kinh doanh để đăng ký hoặc nộp trực tuyến qua cổng thông tin dịch vụ công quốc gia", luật sư Hoàng Tư Lượng tư vấn.

Tuy nhiên, luật sư Hoàng Tư Lượng cũng nói rõ: "Theo khoản 3 Điều 4 của Thông tư 29 quy định: "Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường". Như vậy, theo quy định trên, giáo viên trường công lập không thể đứng tên là chủ hộ để đăng ký kinh doanh dạy thêm mà chỉ có thể là thành viên hộ (không có quyền quản lý điều hành); hoặc ký hợp đồng dạy thuê với một cơ sở dạy thêm có đăng ký kinh doanh ngành nghề dạy thêm".

Đồng thời, việc giáo viên đó tham gia dạy thêm ngoài nhà trường thì họ cần phải thực hiện các thủ tục khác (phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm theo mẫu số 03 phụ lục kèm Thông tư 29, được quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 29).

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐ ban hành ngày 30.12.2024, có hiệu lực từ 14.2.2025. Tại đây định nghĩa "Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành".

Giáo viên trường công có được dạy thêm tại nhà của mình?

Trước thắc mắc giáo viên trường công có được dạy thêm tại nhà của mình hay không, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, giải đáp:

Theo Thông tư 29 về dạy thêm học thêm của Bộ GD-ĐT, giáo viên trường công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Và hoàn toàn không cấm việc giáo viên dạy thêm nhưng phải thực hiện theo đúng quy định.

Cụ thể, giáo viên chỉ được dạy thêm tại nơi có đăng ký kinh doanh theo đúng pháp luật (hộ kinh doanh, trung tâm dạy thêm học thêm) được Sở Kế hoạch đầu tư hoặc UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện cấp phép.

Trong trường hợp này, nếu giáo viên có cơ sở vật chất là nhà riêng hoặc phòng ốc đủ điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh dạy thêm học thêm thuê để tổ chức thì giáo viên được phép dạy tại trung tâm này như những trung tâm khác.

Thêm vào đó, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT nhắc nhở khi dạy thêm, giáo viên cần lưu ý không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Không dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường với học sinh chính khoá.

Ông Hồ Tấn Minh cho hay UBND TP.HCM đã giao Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện các công việc như sau:

  • Chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
  • Chỉ đạo phòng GD-ĐT hướng dẫn, tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý; Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
  • Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn.

Quan điểm của Sở GD-ĐT TP.HCM là kiên quyết thực hiện đúng theo thông tư về dạy thêm của Bộ GD-ĐT, không có chuyện du di, thông cảm. Đây là một quy định có lợi cho học sinh, góp phần chấm dứt tình trạng o ép học sinh đi học thêm.

Giáo viên tin học đi dạy chứng chỉ IC3 ở Trung tâm ngoại ngữ tin học ở ngoài trường học thì có gọi là đi dạy thêm không?

Giáo viên tin học của một trường tiểu học công lập tại TP.HCM nêu câu hỏi: "Ngoài giờ làm việc, tôi có ký hợp đồng, đi làm thêm ở một trung tâm ngoại ngữ tin học, tôi được phân công lớp dạy chứng chỉ IC3. Vậy tôi đi dạy ở trung tâm ngoại ngữ tin học này có bị tính là tôi đang đi dạy thêm theo Thông tư 29 không? Và nếu trong quá trình trung tâm trên tuyển sinh, lại có đúng học sinh mà tôi đang dạy em này ở trường tiểu học xin vào học IC3, thì tôi có được dạy em này ở trung tâm không?".

Giáo viên tiếng Anh đi dạy các chứng chỉ Starters, Movers hay IELTS thì có gọi đi dạy thêm không?

Giáo viên dạy tiếng Anh khác ở một trường tiểu học công lập cũng đặt câu hỏi tương tự. Giáo viên này cho biết nếu ngoài giờ làm việc ở trường, cô này ký hợp đồng, đi dạy ở một trung tâm tiếng Anh và việc tuyển sinh hoàn toàn do trung tâm thực hiện. Chương trình cô dạy tại trung tâm tiếng Anh theo các giáo trình khác với sách giáo khoa hiện hành, giúp học sinh lấy các chứng chỉ tiếng Anh khác nhau. Vậy việc làm thêm của cô có bị tính là tham gia đi dạy thêm phải tuân thủ quy định tại Thông tư 29 hay không? Và nếu tình cờ trong quá trình dạy tại trung tâm này, nếu cô được phân công dạy lớp mà có học sinh cô đã dạy ở trường tiểu học thì cô có bị vi phạm gì hay không? "Tôi không tham gia vào quá trình tuyển sinh, và cũng không thu tiền của học sinh. Tôi chỉ đi dạy theo hợp đồng với trung tâm, họ trả tiền cho tôi và tôi không biết quá trình tuyển sinh, thu học phí của trung tâm với người học ra sao", cô này cho biết.

Cô này cũng nêu băn khoăn tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐ ngày 30.12.2024 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm học thêm (gọi tắt là Thông tư 29) có định nghĩa: "Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành".

Theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành môn tiếng Anh là môn bắt buộc với học sinh từ lớp 3 trở đi, nhưng học sinh tại TP.HCM từ lớp 1 đã được học các môn tiếng Anh trong trường theo đề án của thành phố. Vậy thì nếu giáo viên tiếng Anh của trường tiểu học đi dạy tiếng Anh cho một trung tâm bên ngoài, lại dạy đúng lớp có học sinh lớp 1, lớp 2 mà mình đang dạy ở trên trường, thì có bị ảnh hưởng gì không? "Thông tư 29 quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Nhưng bây giờ tôi thấy đại đa số học sinh từ tiểu học đều đi học ngoại ngữ (phổ biến là tiếng Anh), vậy điều này có vi phạm gì không?", giáo viên trên thắc mắc.

Ngày 7.2, UBND TP.HCM đã triển khai công văn đến Sở GD-ĐT TP.HCM và UBND TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện về việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm học thêm. Theo đó, trong công văn của UBND TP.HCM nêu, căn cứ Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30.12.2024 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm; Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND TP ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP.

Công văn cũng yêu cầu cần hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn; tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Do đó, các giáo viên, phụ huynh, học sinh, các công ty giáo dục cũng như các đơn vị, tổ chức liên quan rất mong Sở GD-ĐT TP.HCM sớm ban hành hướng dẫn, quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.

Dưới đây là hình ảnh tóm tắt nội dung của Thông tư 29 do Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành, hiệu lực từ 14.02.2025 được Báo Thanh niên biên soạn và Kênh tuyển sinh hiệu chỉnh màu sắc cho dễ nhìn hơn.
Thong tu 29 ve Day them hoc them cua Bo GDDT
 
Xin cảm ơn Quý Báo Thanh niên đã tổng hợp trả lời các câu hỏi được Quý Thầy Cô quan tâm lúc này. Chúc Quý Thầy Cô có những thông tin hữu ích.
 
Kênh tuyển sinh tổng hợp từ Báo Thanh niên về Thông tư 29.