Sự kiện: Giáo dục, Tuyển sinh

Vô số phong trào mà giáo viên ở các trường mầm non, tiểu học tại TPHCM phải “oằn lưng” thi đua dù dưới danh nghĩa là khuyến khích và trên tinh thần tự nguyện

 

Nhiều giáo viên than thở vừa vào năm học là giáo viên bị  “bổ xuống đầu” đủ thứ phong trào, lắm cái không liên quan gì đến chuyên môn khiến họ rất mệt mỏi.

Áp lực thành tích với giáo viên

Chị H.Đ, giáo viên một trường tiểu học tại quận 4, than thở: “Thời gian dạy trên lớp cũng đủ khiến giáo viên mệt mỏi nhưng về nhà còn phải làm đồ dùng dạy học. Nếu làm để phục vụ việc dạy thì không sao, đằng này còn phải thi đua giữa các lớp, rồi thi cấp trường, cấp cụm. Kinh phí trường cấp rất hạn hẹp nhưng vì áp lực thành tích mà giáo viên phải bỏ tiền túi ra để mua sắm vật dụng thiết kế”.

 

Một giáo viên tại quận Tân Phú kể hằng năm, các trường đều tổ chức phong trào kế hoạch nhỏ, mục đích là giúp học sinh rèn luyện tính tiết kiệm. Thế nhưng, phong trào này biến thành việc thi đua của các giáo viên chủ nhiệm vì lớp nào quyên góp được nhiều thì được tuyên dương, khen thưởng. Lớp nào học sinh góp ít hoặc không có giấy, báo mà góp bằng tiền cũng không đủ thì giáo viên bỏ tiền thêm cho đủ chỉ tiêu.

noi_kho_vi_phong_trao_cua_giao_vien

Công việc giảng dạy trên lớp của giáo viên đã rất vất vả, nhiều người tỏ ra ngán ngại tham gia các phong trào hình thức. (Ảnh có tính minh họa)


Bà Lê Thị Kim Vân, nguyên hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lư (quận 1), cho biết không thể thống kê hết mỗi năm một giáo viên phải tham gia bao nhiêu phong trào, hội thi do các ngành phát động. Lãnh đạo cứ nói không ép buộc, chỉ khuyến khích và tham gia trên tinh thần tự nguyện nhưng khó mà từ chối lắm.

 

“Về tâm lý, trường nào cũng muốn nổi tiếng, muốn có phong trào nên lại phải ép xuống giáo viên. Vì thế, không những công việc, sức khỏe bị ảnh hưởng, không còn thời gian để sáng tạo mà các phong trào mang tính tượng trưng kéo dài sẽ tạo tâm lý nhàm chán, mệt mỏi.

Nỗi khổ không riêng của giáo viên

Bà Nguyễn Nữ Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non 8 (quận 3), nói: “Do trường không có nhân viên y tế học đường nên hiệu phó phụ trách bán trú phải kiêm luôn nhiệm vụ này. Để phòng dịch tay chân miệng, trường phải huy động toàn bộ giáo viên, kể cả hiệu trưởng, hiệu phó… dọn vệ sinh. Thế mà còn phải cử người trông lớp để một giáo viên tham gia thi chữ thập đỏ, trước khi thi còn tập huấn theo cụm. Biết là cuộc thi giúp giáo viên rèn luyện các cách sơ cứu cho trẻ nhưng trong điều kiện thiếu người lại đúng lúc dịch bệnh thì việc “ưu tiên” cho giáo viên đi thi khiến nhà trường bị động”.


Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD-ĐT quận 3, nói tham gia các hoạt động không liên quan đến chuyên môn thì không những giáo viên khổ mà trường cũng khổ. Ngoài ảnh hưởng đến chính đời sống giáo viên, nhà trường cũng mất thời gian đầu tư, tập huấn để họ đi thi. Rồi phải nhờ người trông lớp; nếu sơ suất mà để xảy ra tai nạn cho trẻ thì nguy hiểm vô cùng. Nếu hiệu trưởng nào có tâm thì sẽ chọn lọc những phong trào có ích, tránh tham gia phong trào, không liên quan đến chuyên môn để giảm tải cho giáo viên.

 

Đăng ký email vào ô bên dưới để theo dõi các sự kiện giáo dục đáng chú ý.

Tuyển sinh, Thông tin tuyển sinh, Trường quốc tế

Kenhtuyensinh (nld.com.vn)