Điểm chuẩn ngành Y khoa năm 2017 cao kỷ lục, sau đó giảm mạnh vào năm 2018 rồi lại tăng dần. Năm ngoái, điểm chuẩn nhiều trường giảm nhẹ.
Cả nước có khoảng 30 đại học đào tạo ngành Y khoa, gồm cả trường công lập và tư thục. Trong đó, Đại học Y Hà Nội và Y Dược TP HCM là hai trường hàng đầu, luôn lấy điểm chuẩn cao nhất cả nước.
Đại học Y Hà Nội mỗi năm tuyển khoảng 500 chỉ tiêu ngành Y khoa cho hai cơ sở ở Hà Nội và Thanh Hóa. Với trụ sở chính ở Hà Nội, trường tuyển 80 chỉ tiêu bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và 320 chỉ bằng điểm thi tốt nghiệp. Điểm chuẩn năm ngoái của ngành này với nhóm thí sinh đăng ký học tại trụ sở chính, xét tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) là 28,85, cao nhất cả nước. Với mức này, thí sinh không có điểm ưu tiên phải đạt trung bình hơn 9,6 điểm mỗi môn.
Theo phổ điểm thi tổ hợp B00 năm 2021, cả nước có 242 thí sinh đạt từ 29 điểm trở lên. Với chỉ tiêu là 320, trong đó hàng chục em được tuyển thẳng nhờ giải quốc gia, quốc tế, nhiều thí sinh trúng tuyển ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội nhờ có điểm ưu tiên.
Biến động điểm chuẩn ngành Y khoa 5 năm qua
Mức 28,85 cao nhưng chỉ là mức cao thứ ba của Đại học Y Hà Nội trong giai đoạn 2017-2021. Năm 2017, trường này lấy điểm chuẩn lên tới 29,25, năm 2020 là 28,9. Năm 2018 thấp nhất giai đoạn này với 24,75 điểm. Mức này chủ yếu phụ thuộc vào độ khó, sự phân hóa của đề thi từng năm do chỉ tiêu vào ngành này của trường khá ổn định.
Sự tăng - giảm điểm chuẩn ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội đồng nhất với một số trường hàng đầu về đào tạo Y khoa khác. Như Đại học Y Dược TP HCM - trường có điểm chuẩn cao thứ hai cả nước, năm ngoái cũng ghi nhận sự biến động này.
Năm 2017, Đại học Y Dược TP HCM có điểm chuẩn bằng Y Hà Nội - 29,25. Một năm sau, điểm trúng tuyển hạ xuống còn 24,95 rồi tăng dần đến 28,45 vào năm 2020. Năm ngoái, trường lấy 28,2 điểm.
Biểu đồ dưới đây thể hiện điểm chuẩn ngành Y khoa trong 5 năm qua của 7 trường năm ngoái lấy từ 27 điểm trở lên, tức trung bình 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển. (Danh sách không tính Học viện Quân Y do chỉ đào tạo hệ quân sự, thí sinh phải qua sơ tuyển theo quy định riêng của Bộ Quốc phòng).
Có thể thấy, điểm chuẩn năm 2017 của các trường đều rất cao, sau đó giảm mạnh vào năm 2018 và tăng dần đều ở giai đoạn sau đó. Trong khi điểm chuẩn năm ngoái của nhiều trường giảm nhẹ, Khoa Y - Đại học Quốc gia TP HCM và trường Đại học Y Dược Cần Thơ lại tăng. Mức trúng tuyển của hai đơn vị này năm ngoái lần lượt là 27,15 và 27.
Có 10 trường lấy điểm đầu vào năm 2021 từ 25 đến dưới 27 tổ hợp B00. Các trường này đều là cơ sở giáo dục công lập. Điểm chuẩn trong 5 năm qua biến động tương tự nhóm dẫn đầu. Một số trường như Đại học Y Dược Hải Phòng có tuyển sinh bằng tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) nhưng đầu vào thấp hơn B00. (Biểu đồ bên dưới thể hiện sự biến động điểm chuẩn theo tổ hợp B00).
Khoảng 10 trường tư thục có đào tạo ngành Y khoa. Trong nhóm này, chỉ ba trường năm ngoái lấy điểm chuẩn trên 22 gồm Đại học Nguyễn Tất Thành ở TP HCM (24,5), Buôn Ma Thuột (24), Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (23,45). Đây đều là mức cao nhất trong năm năm qua đối với từng trường.
Số còn lại gồm Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Đại Nam (Hà Nội), Võ Trường Toản (Hậu Giang), Tân Tạo (Long An), Phan Châu Trinh (Quảng Nam), Nam Cần Thơ (Cần Thơ), Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) đều lấy 22 điểm - mức điểm chuẩn tối thiểu để vào ngành Y khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Năm 2022, ngoài các trường kể trên, Đại học Phenikaa - trường tư thục tại Hà Nội, cũng sẽ tuyển sinh ngành Y khoa.
Hôm 29/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) khối ngành sức khỏe. Trong đó, ngành Y khoa có mức 22 điểm - giữ nguyên so với hai năm trước. Theo một số chuyên gia tuyển sinh đại học và giáo viên giảng dạy môn Sinh bậc THPT, dù mức sàn không giảm, điểm chuẩn ngành Y khoa giữ nguyên hoặc giảm nhẹ tùy trường do đề môn Sinh có tính phân loại cao hơn hai năm qua.
Các thí sinh có thể tra cứu điểm thi THPT tại đây
> Điểm sàn Đại học Cần Thơ 2022
> Biến động điểm thi tốt nghiệp THPT của 63 tỉnh thành
Theo VnExpress