Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

Cần ngăn chăn ngôn ngữ chat trong trường học

Cô giáo dạy văn đang uốn nắn ngôn ngữ cho học sinh Trường THCS Hùng Vương, TP Tuy Hòa

 

Nhiều biện pháp đang được các trường học ở tỉnh Phú Yên triển khai nhằm loại bỏ ngôn ngữ “chat” ra khỏi học đường

 

 

Đầu tháng 11, nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã triển khai phong trào giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết  đấy là “hàng phòng thủ cuối cùng” ngăn cản sự tấn công của ngôn ngữ “chat” vào trường học.

“Chat” vào cả bài thi

Cô giáo Trần Thị Nguyệt Ấn, Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), phát hoảng khi thấy trong bài kiểm tra của một học sinh có nhiều từ được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ kỳ quặc. Những từ như zui zẻ (vui vẻ), buòn (buồn) thì còn đoán ra nhưng những từ như we, hok thì chịu thua.

 

Khi trả bài, học sinh này thừa nhận do quen “chat” với bạn nên khi làm bài tự nhiên ghi thế chứ không cố tình. Theo cô Ấn, trung bình mỗi lớp ở khối 9 của trường này có từ 4-5 học sinh thường xuyên sử dụng ngôn ngữ “chat” trong bài kiểm tra, bài thi. “Khi trả bài, không chỉ trừ điểm mà tôi còn nhắc nhở các em ngay tại lớp. Các em hứa sẽ sửa nhưng sau đó lại vi phạm”- cô Ấn nói.


Theo em Trần Đ.T, học sinh lớp 8B Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Tuy Hòa), khi làm quen với “chat”, em đã mất rất nhiều thời gian để hiểu và trao đổi với bạn, nếu không sẽ bị chê là quê, cù lần. Dùng riết rồi quen, nhiều khi viết ra mà không biết. Cô giáo Hoàng Hà, Trường THCS Lương Thế Vinh, nói học sinh thích cái mới và lạ nhưng không lường hết tác hại của nó. Ngôn ngữ “chat” cũng thế, lạ nên dễ thu hút nhưng khi đã dùng nhiều sẽ tạo thói quen, không ý thức được mình đang dùng thứ ngôn ngữ ấy trong trường hợp nào.

 

Thạc sĩ ngôn ngữ học Lý Thơ Phúc, giảng viên Trường ĐH Phú Yên, phân tích ngôn ngữ “chat” dựa vào sự tiện lợi, ngắn gọn nên học sinh rất thích và sử dụng thành phong trào. Điều lo ngại nhất là thứ ngôn ngữ này đã tràn vào trường học, đặc biệt là các trường phổ thông, ở lứa tuổi học sinh đang hoàn thiện nhân cách cũng như vốn tiếng Việt. “Nhà trường cần chấn chỉnh ngay bằng những biện pháp cụ thể, nếu không ngăn ngừa kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, đánh mất dần sự trong sáng của tiếng Việt” - ông Phúc nói.

Nỗ lực ngăn chặn

Ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết sở đang chỉ đạo các trường phổ thông triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn ngôn ngữ “chat”. Trước hết, giáo viên cần nói chuẩn, viết chuẩn rồi  tập cho học sinh sử dụng đúng câu, chữ; giáo dục các em ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thông qua các giờ lên lớp hay buổi sinh hoạt ngoại khóa. “Cần ngăn chặn ngay bây giờ để khỏi ảnh hưởng xấu về sau” – ông Tá nhấn mạnh.

 

Ông Ngô Đình Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, cho biết tại trường này, học sinh được quản lý chặt chẽ việc chơi game và đến tiệm net. “Chúng tôi cắt cử đội cờ đỏ của trường và lớp theo dõi ở các tiệm net. Khi thấy học sinh của trường đến chơi sẽ báo ngay về trường và chúng tôi sẽ mời phụ huynh đến làm việc nhằm kịp thời ngăn chặn các em nghiện game bạo lực cũng như ngôn ngữ chat”. Trường THCS Lương Thế Vinh thì phát động phong trào “rèn luyện tiếng Việt”, giáo viên tất cả các bộ môn khi giảng bài, viết bảng không được nói tắt, viết tắt, giúp học sinh ý thức hơn về sự trong sáng của tiếng Việt.

 

Cần phụ huynh hợp tác

Để ngăn chặn sự tấn công của ngôn ngữ “chat” vào trường học, theo ông Nguyễn Văn Tá, cần thiết phải có sự hợp tác của cha mẹ học sinh. Nhiều gia đình hiện nay đã có máy tính nối mạng để học sinh học tập, vui chơi trong khi nhà trường không thể quản lý các em khi ở nhà. Do vậy, cha mẹ khi thấy con sử dụng ngôn ngữ “chat” trong giao tiếp thì cần chấn chỉnh ngay để giúp con bỏ thói quen sử dụng loại ngôn ngữ này.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: nld)