Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

cho_con_hoc_luu_ban_de_gioi_hon

Để con em học tốt hơn cần lên kế hoạch học tập khoa học

 

Đó là xu hướng "chậm mà chắc" của một số phụ huynh khi muốn con mình có kiến thức chắc chắn hơn, không bị tụt lùi so với bạn bè.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, học lại các kiến thức đã học không giúp học sinh giỏi hơn, nếu không có phương pháp giáo dục đúng.

Chậm không chắc

Cậu bé Hoàng Văn Xuân, trường THCS Yên Lạc, Vĩnh Phúc có thể chất thấp còi. Lớp 9 mà trông cậu chỉ như học sinh lớp 5, lại thỉnh thoảng ốm vặt khiến gia đình chăm sóc rất mệt. Dù kết quả học tập năm nào cũng đạt loại khá, giỏi nhưng do chương trình học ngày càng nặng mà Xuân ngày càng thấp còi nên gia đình quyết định cho em nghỉ ở nhà 1 năm ôn bài cho chắc, đồng thời có thời gian để chăm sóc sức khoẻ.

 

Sau 1 năm "nghỉ dưỡng", Xuân đã béo tốt hơn nhưng việc học lại khó khăn hơn. Em gần như phải bắt đầu học lại. Việc học bài không còn quá căng thẳng mệt mỏi nữa nhưng kết quả học tập có phần sút hơn so với năm học trước.

 

Chị Trần Thu Thảo, số 4, ngõ 92 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội than thở: Con gái chị năm nay vào lớp 7. Từ lúc mới sinh ra cháu đã không may mắn vì nhận thức chậm hơn bạn bè. Nhưng năm nào gia đình cũng nỗ lực kìm cặp cháu để đủ tiêu chuẩn lên lớp. Năm nay thấy kết quả học tập của cháu quá kém, cháu lại kêu mệt liên tục nên chị xin cho con được học lại lớp 6 cho chắc. Tuy nhiên, để đảm bảo thành tích, nhà trường không cho phép học lưu ban để lớp đạt danh hiệu lớp tiên tiến, cô giáo mới đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi.

 

Trường hợp nhà chị Nguyễn Diễm Trang, tổ 51, ngõ 60 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội lại cá biệt ở chỗ gia đình có truyền thống học hành đỗ đạt, nhưng đứa cháu "độc tôn" năm nay vào lớp 11 lại luôn đội sổ. Để cánh cửa vào đại học rộng hơn, gia đình quyết định bằng mọi cách cho cháu nghỉ ở nhà 1 năm để ôn luyện.

Đặt mục tiêu củng cố kiến thức

Với mong muốn thực tế tại các lớp có học sinh lưu ban, chúng tôi đã liên hệ với một số giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông ở Hà Nội. Tuy nhiên, số trường có học sinh lưu ban đồng ý để báo chí nói về học sinh lưu ban rất ít.

 

Cô Lê Minh Chung, hiện đang là giáo viên một trường THPT dân lập tại Hà Nội cho biết: "Học sinh lưu ban thì không trường nào muốn nói đến, nhắc đến. Còn số học sinh xin tự nguyện lưu ban hay lưu ban do học kém thì nhiều khi nhà trường cũng không biết".

 

Cô Lê Kim Huệ, giáo viên trường Hội Xã, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, xu thế xin cho con lưu ban giờ không còn là hiếm nữa. Nghỉ ở nhà 1 năm, nhiều em khi đi học trở lại thậm chí còn kém hơn lúc nghỉ do đã từ bỏ thói quen học tập và tư duy.

 

Vì thế, lưu ban không phải là cách tốt nhất để củng cố và nắm chắc kiến thức. Để giúp học sinh lấp lỗ hổng kiến thức thì giáo viên phải có trình độ năng lực vững vàng, phải tạo ra những giờ học nhẹ nhàng, lôi cuốn, luôn có sự cảm thông, động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời. Lên kế hoạch cụ thể với từng nội dung kiến thức phải hoàn thành và thực hiện một cách khoa học sẽ giúp các em nắm vững được kiến thức.

 

Đứng dưới góc độ tâm lý học, ThS Phạm Mạnh Hà, Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội phân tích, việc bị lưu ban không giúp cải thiện kết quả học tập của học sinh vì quá trình nhận thức, tiếp thu bài vở không phụ thuộc vào lứa tuổi. Những học sinh bị lưu ban trở nên kém tự tin và mối quan hệ của các em với các bạn đồng trang lứa khác cũng không được cải thiện.

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: giaoduc.net.vn)