Trong khi làm hồ sơ du học, ứng viên nên đặt mình vào vị trí Hội đồng tuyển sinh và trả lời câu hỏi: "Tại sao chúng ta nên nhận thí sinh này thay vì thí sinh khác".
1. Lời khuyên từ chuyên gia về việc xây dựng chiến lược xây dựng hồ sơ du học Mỹ
Chị Ellie Phuong D. Nguyen hiện là giáo sư bậc một, khoa Sinh hóa và Sinh học phân tử Đại học bang Oklahoma, Mỹ (Oklahoma State University, Stillwater). Với nhiều năm làm việc trong các đại học ở Mỹ, chị chia sẻ những điểm cần lưu ý để thành công khi nộp hồ sơ vào trường top đầu nước này.
Nếu câu hỏi chiến lược đầu tiên từ phía thí sinh là "Làm thế nào để trở nên nổi bật trong quá trình xét tuyển giữa vô vàn ứng viên xuất sắc khác?" thì như thế vẫn chưa đủ, vì nó chỉ xuất phát từ một phía. Bạn cần tiến thêm một bước nữa là đặt mình vào vị thế Ban tuyển sinh của trường đại học và thử trả lời câu hỏi "Tại sao chúng ta nên nhận học sinh này thay vì thí sinh khác có thành tích và phẩm chất tương tự?".
Khi hội đồng tuyển sinh quyết định chọn một ứng viên, họ không chỉ nhìn vào điểm số như GPA, SAT/ACT mà còn đánh giá toàn diện phẩm chất, tính cách và tiềm năng phát triển thể hiện xuyên suốt qua "câu chuyện" bạn kể trong bài luận cũng như thư giới thiệu. Thí sinh cần đảm bảo để tất cả những điều đó hỗ trợ liền mạch, làm toát lên tố chất và tiềm năng của bản thân đồng thời đáp ứng các tiêu chí, phương châm và sứ mệnh của trường.
Khi tìm hiểu, tôi thấy các trường lớn như Stanford hướng đến việc chọn "outspoken students" hay những người có khả năng ngôn luận, nên nếu bạn thể hiện rõ tố chất này thì sẽ ghi điểm mạnh. Có giải thưởng quốc gia ở các cuộc thi hùng biện sẽ là một lợi thế. Còn MIT chú trọng đào tạo nhân tài về khoa học kỹ thuật, có tư duy sáng tạo đột phá, nên bạn sẽ ghi điểm với các giải Olympic quốc tế. Trường Yale - nơi đào tạo ra nhiều tổng thống Mỹ - thì đề cao tố chất và thiên hướng lãnh đạo, thể hiện cụ thể trong cả học thuật, kỹ năng ngoại khoá và hoạt động xã hội.
Vì vậy hãy để hồ sơ của bạn thể hiện các tố chất quan trọng nổi bật tương thích với tiêu chí và mục tiêu đào tạo của từng trường bạn muốn nộp vào.
Giáo sư bậc một khoa Sinh hóa và Sinh học phân tử Ellie Phuong D. Nguyen của Đại học bang Oklahoma, Mỹ.
2. Lưu ý gì khi muốn xây dựng hồ sơ để vào Đại học Mỹ?
Phần lớn thí sinh đều ít nhiều thể hiện các kỹ năng đắt giá này trong bài luận của mình, nhưng những ứng viên thành công, nhận tấm vé vào trường top thường sẽ thể hiện rất rõ nét với thành tích nổi bật, minh chứng bằng hoạt động và kinh nghiệm cụ thể ở các mặt sau:
- Has a central passion: Tự thân có đam mê rõ ràng thể hiện trong thời gian dài, ví dụ về công nghệ thông tin, lập trình.
- Does something with that passion: Hành động cụ thể để rèn luyện, phát triển và theo đuổi đam mê của mình, ví dụ xây dựng các website bán sản phẩm cụ thể từ lập trình.
- Validation from successful people: Được những người thành công trong lĩnh vực đó khẳng định tài năng trong thư giới thiệu, ví dụ giám đốc công ty phần mềm hay giáo sư đại học tại khoa mà bạn làm internship.
Thời gian là vàng, vì vậy hãy chuẩn bị hồ sơ đại học từ đầu cấp ba để có nhiều thời gian xây dựng các thành tích, tham gia hoạt động hỗ trợ, cải thiện điểm số, viết và sửa các bài luận.
Hồ sơ nộp vào đại học Mỹ có thể chia thành hai mảng quan trọng chính. Thứ nhất là định lượng qua điểm số GPA/SAT để không bị loại từ "vòng gửi xe", và nhằm đánh giá về học thuật, xem thí sinh có khả năng hoàn thành chương trình đại học của trường hay không. Thứ hai là định tính qua bài luận, hoạt động ngoại khoá, tình nguyện, hoạt động cộng đồng, và thư giới thiệu. Đây chính là phần khiến bạn trở nên khác biệt so với thí sinh khác có điểm số tương tự, và cũng để phô diễn các điểm mạnh không thể hiện được hết qua điểm số của bạn.
Vì vậy hãy đầu tư thời gian xây dựng các mối quan hệ để có thư giới thiệu chất lượng, tham gia các hoạt động ngoại khoá (thể thao, âm nhạc, nghệ thuật...) và tìm kiếm cơ hội thực tập định hướng theo nghề nghiệp mình thích.
Đại học ở Mỹ là môi trường giáo dục đào tạo nhưng cũng là một tập đoàn kinh doanh với tầm nhìn lợi ích kinh tế lâu dài. Mục tiêu của họ là chọn ra những ứng viên không chỉ có tiềm năng thành công trong lúc học, mà phải là những người có khả năng xây dựng sự nghiệp thành đạt sau khi tốt nghiệp, nhằm tăng danh tiếng và thứ hạng cho trường, và về sau là đóng góp tiền bạc cho trường cũ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các trường top Ivy League thường có quỹ Endownment Fellowship được quyên góp hàng năm lên đến hàng trăm triệu USD. Vì vậy hãy dùng bằng chứng cụ thể để chứng minh mình có tiềm năng thành công đường dài chứ không chỉ trong bốn năm đại học.
Làm được vậy thì không chỉ thư mời nhập học mà học bổng cũng trong tầm tay bạn.
> 4 lầm tưởng về du học Mỹ khiến bạn bất ngờ
> Lưu ý gì khi viết bài luận du học Mỹ?
Theo VnExpess