Với những thành tích khủng như thủ khoa trung học nước Úc, Phổ thông Năng khiếu HCM, HCV Olympic Hóa 30.4, đạt điểm GPA và SAT 2 tuyệt đối, v.v thì Hải Châu được cả 5 đại học danh tiếng mời chào. Đây chính là niềm vinh hạnh của Hải Châu nói riêng và của cộng đồng du học sinh Việt Nam nói riêng. Và bây giờ hãy cùng Kênh tuyển sinh dõi theo hành trình của nữ du học sinh với thành tích cực "đỉnh" này nhé.
1. Muốn thành công thì phải biết biến khó khăn, thử thách trở thành lợi thế
Ngoài được Đại học Stanford, ngôi trường hàng đầu thế giới (xếp thứ 4 các trường ĐH Quốc gia tốt nhất Mỹ) - cấp học bổng toàn phần trị giá 200.000 USD cho 4 năm (khoảng 4,4 tỷ đồng), Võ Ngọc Hải Châu (sinh năm 1997) còn nhận học bổng toàn phần đầy mời gọi từ các ngôi trường hàng đầu nước Mỹ như California Institute of Technology (top 10 ĐH Quốc gia tốt nhất Mỹ), Middlebury (Top 4 ĐH khai phóng cấp quốc gia), Grinnell (Top 19 ĐH khai phóng quốc gia) và Đại học Richmond.
Du học Úc từ cấp 3 tại trường trung học phổ thông The Peninsula School, ở thành phố Melbourne, Hải Châu xuất sắc trở thành Thủ khoa tốt nghiệp trung học toàn nước Úc với điểm ATAR tuyệt đối 99,95 (ATAR là thước đo thứ hạng giữa các học sinh cùng thi một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Úc. Điểm ATAR 99.95 có nghĩa bạn xuất sắc hơn 99.95% các học sinh khác trong bang - top 0.05%, vì thế không có điểm ATAR 100 - PV).
Cô gái Việt tài năng từng là nghiên cứu sinh chương trình nghiên cứu khoa học CREST thuộc CSIRO, viện nghiên cứu quy mô nhất Australia. Ủng hộ mạnh mẽ nữ quyền, Hải Châu cũng là Chủ tịch CLB STEM GIRLS - cộng đồng ủng hộ bình đẳng giới trong khoa học và tham gia tổ chức các buổi talkshow với những nhà khoa học nữ nổi tiếng của Australia.
Với những thành tích học tập và ngoại khóa “khủng” , Võ Ngọc Hải Châu vinh dự trở thành đại diện trẻ tuổi của bang Victoria tham dự Hội nghị Bang thảo luận tình hình tài chính kinh tế của Australia – “Is Australia in a budget crisis?” (Australia có đang đối mặt với khủng hoảng ngân sách hay không?…
Học trung học xa nhà, theo hệ thống giáo dục Úc hoàn toàn khác nước Mỹ nên khi thực hiện ước mơ du học Mỹ ở bậc ĐH, lượng công việc mà Hải Châu phải hoàn thành gấp đôi, gấp ba các bạn khác.
Cô gái 18 tuổi kể về kỷ niệm một mình vượt qua bộn bề thi cử. Có lần ngay sau khi thi tốt nghiệp, sáng hôm sau 5 giờ sáng em đã bắt xe bus 2 tiếng để một mình thi SAT (Melbourne chỉ có 2 chi nhánh tổ chức thi SAT mỗi đợt), 4 giờ chiều mới về đến kí túc xá...
“Các bạn cùng học trung học của với em không ai cùng ước mơ du học Mỹ cả, nên nhiều lúc làm em phân vân không biết mình có đang ôm đồm quá nhiều thứ trong năm học cuối cấp - cũng là năm quan trọng nhất.
Tuy vậy, em rất sợ sự tiếc nuối, và tự nhắc bản thân rằng mình đang được làm những điều mình thích và được sống trong một cộng đồng hết sức ủng hộ, nên càng phải vững tâm hơn!”, Châu chia sẻ.
Chính những thử thách đã tôi rèn cô gái nhỏ ngày càng mạnh mẽ, giỏi giang và trưởng thành hơn. Trong khó khăn, em tìm ra lợi thế - lợi thế vì được sống ở 2 quốc gia hoàn toàn khác biệt về kinh tế lẫn chính trị. Và Hải Châu lấy đó làm trọng tâm cho bài luận của mình.
Những thành tích cực "đỉnh" của Võ Ngọc Hải Châu được 5 đại học danh tiếng mời gọi
2. Bất kỳ ai cũng có cơ hội thực hiện ước mơ của chính mình
Với điểm trung bình môn học GPA và SAT 2 tuyệt đối, còn SAT và TOEFL gần như tuyệt đối… cộng cá tính thể hiện qua bài luận cùng các hoạt động ngoại khóa, việc cô gái 9X này chinh phục cùng lúc 5 ĐH hàng đầu là điều không bất ngờ.
Tuy nhiên, Châu cũng lưu ý rằng, hệ thống Mỹ độc đáo ở chỗ ai cũng có cơ hội thực hiện ước mơ - nhiều bạn thành tích “khủng” hơn em rất nhiều nhưng vẫn bị từ chối… Vì thế, “nếu các bạn đã nằm trong khung điểm an toàn của các trường thì đừng lo, cơ hội được nhận là như nhau”, Hải Châu nói.
“Tất cả các trường đều có một mẫu số chung đó là họ đều muốn tìm kiếm sự đa dạng về sở thích, sở trường, góc nhìn, sắc tộc, quốc gia,... trong lớp học sinh trúng tuyển.
Hội đồng tuyển sinh rất kinh nghiệm trong việc tìm ra giọng nói và cá tính của bạn qua bộ hồ sơ, vì thế đừng mất thì giờ xây dựng hình ảnh bạn muốn trở thành vì nó có thể hại cho bạn đấy!
Nhớ rằng hội đồng không chỉ muốn tìm ra những ứng cử viên sáng giá nhất, mà họ còn muốn tìm những người biết tận dụng môi trường học thuật và cộng đồng học sinh của trường nhất.
Câu hỏi không chỉ dừng lại ở việc bạn có giỏi hay không, mà còn bạn có phù hợp không. Hãy trung thực và thể hiện cá tính!”, Châu “bật mí”.
Cô gái Việt cũng nhấn mạnh: “Qua các câu hỏi phụ về sở thích đọc, sự kiện lịch sử yêu thích,... một bức chân dung về ứng viên sẽ hiện ra. Bạn nên cho thấy một sự đồng nhất giữa các thành phần khác của bộ hồ sơ (hoạt động ngoại khóa) và các câu trả lời này”.
Không như nhiều người nghĩ, sinh viên trường top phải có sở thích “phi thường”, Hải Châu chia sẻ, em thích đọc sách tiểu thuyết lịch sử và xem YouTube như bao người thôi. Châu rất thích tập yoga và đang thử sức với nhiều trường phái mới. Bây giờ, em dành thời gian nhiều nhất cho gia đình, nhất là em gái chuẩn bị “vượt vũ môn” trong kì thi lớp 10 sắp tới.
Đến thời điểm này, đam mê lớn nhất của Hải Châu là được khám phá thế giới “ngoài lũy tre làng”. Châu rất hào hứng để xem 4 năm tiếp theo, Stanford sẽ đưa em đến đâu. Chưa quyết định sẽ chọn ngành học nhưng cô gái Việt muốn theo hướng kĩ thuật y sinh.
> COVID - 19 khiến hành trình của nhiều du học sinh bị dang dở
> Hành trình nữ sinh 23 tuổi tự lập tại Mỹ, tốt nghiệp 3.95/4
Theo Dân Trí