Lê Thị Kỳ Duyên (23 tuổi) tự thiết lập guồng quay và sắp xếp thời gian để trải nghiệm nhiều nhất có thể ngay từ ngày đầu đến Mỹ, để đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ.
Sau khi biết điểm thi môn cuối cùng hồi tháng 8, sau ba năm đại học ở Mỹ, Lê Thị Kỳ Duyên (23 tuổi) chạy một mạch đến nơi làm thêm trong khuôn viên trường. Không bắt tay vào làm ngay, Duyên mở một chai champagne, uống mừng vì biết mình vừa đạt GPA tuyệt đối 4.0/4.0 trong một năm học ngành Marketing ở Đại học Texas tại San Antonio, bang Texas. Cộng với điểm GPA trong hai năm tại Đại học công lập Angelo (Angelo State University) trước đó, Duyên tốt nghiệp với 3.95/4.0 điểm.
"Đó là mục tiêu khi đến Mỹ. Mình tự hào vì đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt được", Duyên nói. Trong lễ tốt nghiệp giữa tháng 12, Duyên được trường trao bằng danh dự xuất sắc - Summa Cum Laude. Chỉ những sinh viên đạt 3.9 điểm trở lên mới nhận được vinh hạnh này.
Duyên tới Mỹ tháng 3/2018 và nhập học Đại học công lập Angelo. Vì muốn trải nghiệm thành phố khác, cô làm hồ sơ chuyển sang Đại học Texas tại San Antonio. Lúc bấy giờ, Duyên đã học được khoảng 80 tín chỉ ở trường cũ và trường mới công nhận 77 trong số đó. Chuyển trường vào tháng 9/2020, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, nữ sinh hoàn thành khoảng 50 tín chỉ còn lại trong gần một năm, và tốt nghiệp sớm so với phần lớn sinh viên.
Mục tiêu tốt nghiệp sớm được Duyên xác định ngay khi đến Mỹ bởi đó là cách giúp cô tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong bối cảnh gia đình không khá giả, học bổng lại chỉ hỗ trợ học phí. Ngay từ kỳ đầu tiên, Duyên đã đăng ký tối đa số tín chỉ cho phép và duy trì khối lượng học tập nặng như vậy cho đến khi tốt nghiệp.
Học dồn thay vì dàn trải trong bốn năm khiến Duyên gần như ngày nào cũng có deadline (hạn nộp bài tập, dự án). Giai đoạn thi giữa hay cuối kỳ, hầu như ngày nào cô cũng ngồi một mình ở thư viện đến 2h sáng.
Kỳ Duyên (hàng trên, bên phải) chụp ảnh cùng bạn bè
Để đạt điểm cao ở tất cả các môn và tiết kiệm thời gian, Duyên nhắc nhở bản thân phải hiểu bài ngay sau khi tiết học kết thúc. Chỉ cần chưa hiểu phần nào, cô nhất định ở lại lớp cuối cùng, nhờ giáo sư giảng lại. "Không chỉ hiểu bài hơn, mình còn được nhiều giáo sư nhớ mặt bởi hôm nào cũng ở lại sau cùng", Duyên chia sẻ.
Mỗi môn có 2-4 bài thi, Duyên chỉ cho phép mình đạt điểm thấp hơn mong đợi ở bài thi đầu. Khi không hài lòng về kết quả, cô lên văn phòng giáo sư để hỏi trực tiếp lý do nhằm cải thiện ở những bài sau. Sự "chủ động để tiến bộ" này giúp Duyên gần như đạt điểm tuyệt đối ở các bài sau đó. Kết quả là kỳ nào, cô cũng được nhận thêm học bổng.
Dù vậy, những gì được hỗ trợ không đủ để cô gái sinh năm 1998 trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu. Không muốn thành gánh nặng cho bố mẹ nên dù bận học, Duyên vẫn làm thêm 20 tiếng mỗi tuần ở trường - mức tối đa dành cho du học sinh. Công việc khiến Duyên thường phải thu hẹp thời gian nghỉ trưa và luôn trong trạng thái vội vã. Bù lại, bây giờ cô không còn phải dè dặt từ chối ăn kem cùng bạn khi nhìn thấy giá một cốc lên tới 5 USD như những ngày đầu sang Mỹ.
Học và làm chiếm gần hết thời gian, Duyên vẫn tham gia hai câu lạc bộ ở trường, triển khai hoạt động gây quỹ, thậm chí đi chơi hàng tuần. Cô giữ nguyên tắc "phải đuổi kịp deadline chứ không để deadline đuổi mình" nên luôn tính toán kỹ để hoàn thành công việc trước khi tham gia hoạt động hay đi chơi.
"Khi tính toán được, mình có thể thức khuya, dậy sớm hơn một tiếng để học và dành buổi hôm sau đi chơi. Với người hướng ngoại như mình, đó là cách để giảm stress, nạp năng lượng sau thời gian bị cuốn vào guồng quay học - làm", Duyên nói.
Tự thiết lập guồng quay và sắp xếp thời gian để trải nghiệm nhiều nhất có thể ngay từ ngày đầu đến Mỹ nên dù vất vả, Duyên không cảm thấy quá khó khăn, cho đến khi Covid-19 xuất hiện.
Tháng 3/2020, câu chuyện về nữ sinh Hưng Yên phải thốt lên với mẹ "Con không về Việt Nam được rồi" khiến nhiều người xúc động. Thời điểm đó, Covid-19 bùng phát mạnh ở Mỹ, người châu Á bị coi như nguồn cơn của đại dịch. Bị kỳ thị, sợ hãi trước cách chống dịch của Mỹ, ám ảnh khi bố mẹ lo lắng đến phát khóc, Duyên hai lần đặt vé máy bay về Việt Nam nhưng bất thành.
Ở lại Mỹ chỉ học online, không được đi làm, không có thu nhập, cũng không dám gọi về nhà nhiều vì sợ bố mẹ lo, Duyên suy sụp đến mức có thể bật khóc bất cứ lúc nào. Sau đó, cô chuyển trường và phải làm quen với mọi thứ từ đầu ở trường mới.
"Đó là giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhưng rồi bằng cách kỳ diệu, mình đã vượt qua", Duyên nhớ lại. Cách kỳ diệu mà Duyên nhắc tới là tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý trong trường để được chia sẻ. Trong lúc khó khăn đó, Duyên còn nhận được sự giúp đỡ to lớn từ những người xung quanh như bố nuôi người Việt, bạn cùng lớp - những người giúp cô từ việc nâng cao trình độ tiếng Anh đến học lái xe. Cô còn được một ông bà người Mỹ nhận làm cháu sau vài lần gặp gỡ khi đi dạo trong trường.
Ông Richard Best (từng làm việc tại Đại học Oregon), người Duyên gọi là ông, chia sẻ, vợ chồng ông rất vui khi quen thân với Duyên và cũng rất ấn tượng với cô trong gần bốn năm qua. "Duyên là một trong những người làm việc chăm chỉ nhất chúng tôi từng biết. Cháu luôn tốt bụng, chu đáo, quan tâm đến người khác và còn nhiều hơn thế nữa. Tôi luôn tự hào khi được hỏi về người cháu gái này", ông Best nói.
Nhìn lại ba năm học ở Mỹ, Duyên không chỉ tự hào về thành tích học tập mà còn về những gì được trải nghiệm, những con người cô đã trở nên gắn bó. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc cho một công ty ở Austin, Texas. Duyên cũng mới nhận được học bổng bậc thạc sĩ tại trường Emlyon Business School của Pháp. Tháng 8 tới, cô sẽ chuyển sang Paris, sau đó có vài tháng học ở Thượng Hải theo chương trình học và nửa năm thực tập tại một quốc gia khác.
"Mình trải nghiệm ở Mỹ như vậy là đủ nên quyết định đến châu Âu để học bậc cao hơn", Duyên nói. Dù chương trình học vẫn bằng tiếng Anh, Duyên đang vừa đi làm, vừa học thêm tiếng Pháp để có những trải nghiệm trọn vẹn trong thời gian ở Paris sắp tới.
> Những điều bạn cần biết khi du học Mỹ tự túc
> Điều kiện du học Mỹ & các quy định để được cấp Visa
Theo VnExpress