Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết mức học phí năm học 2018-2019 của các trường công lập ở địa bàn thành thị Hà Nội sẽ tăng 40,9%.
> Khi nào xóa bỏ cơ chế chủ quản trong các trường Đại học?
> 1 năm học có bao nhiêu tín chỉ?
Ngành giáo dục Hà Nội nói tăng học phí là phù hợp thu nhập của người dân
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã quyết định thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội và mức thu học phí đối với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2018 - 2019.
Đáng chú ý, từ năm học 2018 - 2019, Hà Nội sẽ tăng mức học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập.
Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết (Ảnh: kinh tế đô thị)
Theo đó, khu vực thành thị, tăng từ 110.000đồng/tháng lên 155.000 đồng/tháng (tăng 45.000 đồng so năm trước); khu vực nông thôn, từ 55.000 đồng/tháng lên 75.000 đồng/tháng (tăng 20.000 đồng); khu vực miền núi, từ 14.000 đồng/tháng lên 19.000 đồng/tháng (tăng 5.000 đồng).
Số tiền từ tăng thu học phí trong năm học 2018 - 2019 một phần để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại dành để chi sự nghiệp giáo dục hàng năm.
Theo Nghị quyết, mức thu học phí đề xuất được đánh giá là phù hợp với khả năng chi trả của người dân thành phố so với thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng.
Với thu nhập hiện nay, việc tăng học phí năm học 2018 - 2019 làm tăng khả năng chi trả việc học khoảng 0,85% so với thu nhập bình quân một nhân khẩu một tháng với khu vực thành thị.
Tổng số thu học phí theo mức thu năm học 2018 - 2019 là 939,864 tỷ đồng, tăng 264,513 tỷ đồng so với năm học trước.
“Tiền thu học phí chiếm tỷ lệ 11,3% tổng số chi hoạt động thường xuyên của đơn vị. Vì vậy, dù học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập chủ yếu từ ngân sách nhà nước”, Nghị quyết nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Thị Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Mức tăng ở các trường địa bàn thành thị cao nhất tới 40,9%. Đây là mức tăng cao”.
Học phí tăng phải có lộ trình, tăng đột ngột dễ gây sốc, gây bức xúc từ phía phụ huynh học sinh. Bởi các gia đình không chỉ có một trẻ đi học”.
Chị Lan chia sẻ thêm, các gia đình chọn học trường công lập không ngoài lý do học phí thấp. Bởi nếu có điều kiện, phụ huynh sẽ có lựa chọn trường ngoài công lập để không phải học lớp quá đông. Thêm nữa, không chỉ học phí tăng mà nhiều dịch vụ, chi phí khác nữa cũng tăng.
“Cùng với đó, câu chuyện thu các khoản 'tự nguyện" ở trường công lập, tất cả là gánh nặng với các gia đình có con em đi học ở trường công ”, chị Lan nói.
Theo Giáo dục Việt Nam - Kênh tuyển sinh