Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai năm thứ ba, ở cả 3 cấp. Để đúng với tinh thần đổi mới, các trường học đã có sự điều chỉnh khi dạy học tích hợp.
1. Thực trạng trái với nhận định của nhà phát triển chương trình
Để chuẩn bị cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, một số nghiên cứu về khả năng đáp ứng yêu cầu dạy học của đội ngũ giáo viên (GV) đã được tiến hành. Nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Ba (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) về khả năng dạy học môn khoa học tự nhiên (KHTN) của GV vật lý, hóa học, sinh học các trường THCS vùng Đông Nam bộ năm 2018 cho thấy, tỷ lệ GV được đào tạo đơn môn là 58,4% và đa môn là 42,6%. Nhưng đào tạo đa môn không phải là lý - hóa hay hóa - sinh, mà chủ yếu là lý - kỹ thuật công nghiệp, sinh - kỹ thuật nông nghiệp, toán - lý... nên việc giảng dạy môn KHTN sẽ khó đối với họ. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ GV có khả năng dạy cả 3 phân môn lý - hóa - sinh chỉ chiếm 1,3%, dạy 2 môn lý - hóa chiếm 7,8%, 2 môn hóa - sinh là 19,5%, còn lại dạy đơn môn lý (33,8%), hóa (14,3%) và sinh (22,1%).
Một nghiên cứu khác về khả năng dạy học môn lịch sử và địa lý của GV lịch sử, địa lý cấp THCS vùng Đông Nam bộ của thạc sĩ Nguyễn Thị Phú (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho thấy khả năng GV dạy được cả 2 phân môn là 15,8%, còn lại là dạy lịch sử (chiếm 47,4%), dạy địa lý (36,8%).
Như vậy, đến năm học 2018 - 2019, ở Đông Nam bộ, vùng có điều kiện phát triển giáo dục, chỉ có 1,3% GV lý, hóa, sinh đảm bảo dạy được cả 3 phân môn KHTN và có 15,8% GV sử, địa giảng dạy được cả 2 phân môn.
Điều này hoàn toàn trái ngược với nhận định của một số nhà phát triển Chương trình GDPT 2018. PGS-TS Mai Sỹ Tuấn, thành viên Ban Phát triển chương trình GDPT, chủ trì xây dựng môn KHTN, đưa ra nhận định (đăng trên website Bộ GD-ĐT) rằng: “GV dạy các môn lý, hóa, sinh hiện nay có thể dạy học môn KHTN được ngay. Đó là do chương trình môn học lựa chọn hình thức tích hợp phù hợp với khả năng dạy học của GV và điều kiện của nhà trường”.
Nhận định này mang tính chủ quan, mặc dù giai đoạn 2019 - 2021, ngành giáo dục đã triển khai tập huấn cho đội ngũ GV và cán bộ quản lý về Chương trình GDPT 2018, về dạy học các môn học tích hợp, nhưng khi triển khai ở lớp 6 và lớp 7, nhà trường, GV và học sinh (HS) gặp nhiều khó khăn chưa lường hết.
Nhiều vấn đề xoay quanh dạy học môn tích hợp
2. Nhiều phương thức dạy học với môn tích hợp
Môn KHTN được thiết kế theo chủ đề thuộc các phân môn đan xen nhau. Trong khi nhiều GV chưa được bồi dưỡng chứng chỉ dạy học tích hợp nên việc giảng dạy các môn học này phải tổ chức nhiều phương thức khác nhau.
Môn KHTN có 3 phương thức dạy học. Phương thức 1 là dạy học song song: môn vật lý (1 tiết/tuần), hóa học (1 tiết/tuần) và sinh học (2 tiết/tuần) đối với lớp 6, 7. Việc dạy song song không đảm bảo được mạch kiến thức. Phương thức 2 là dạy học theo tuyến tính: chủ đề sinh học thì GV sinh dạy, chủ đề vật lý GV vật lý dạy, chủ đề hóa học do GV hóa dạy, với thời lượng 4 tiết/tuần… Phương thức này đảm bảo được mạch kiến thức nhưng thời khóa biểu của trường phải đổi liên tục, gây rối cho GV. Phương thức 3 là phân công cho một GV đã có chứng chỉ tích hợp giảng dạy cả 3 phân môn. Cách này thuận lợi cho nhà trường, GV dễ chấm điểm, nhập điểm… nhưng bất cập là GV chưa đủ kiến thức, tự tin giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Cả ba phương thức đều rối rắm, khiến GV quá tải, gây thiệt thòi cho HS. Học xong các chủ đề hóa học đầu lớp 7 (5 tuần), sau đó không học nữa, đến năm lớp 8 mới học lại hóa sẽ khó cho HS.
Môn lịch sử và địa lý nhờ chia thành 2 phần nên việc giảng dạy thuận lợi hơn. GV lịch sử dạy phần lịch sử, GV địa lý dạy phần địa lý. Đến khi kiểm tra, đánh giá sẽ cùng nhau hợp tác ra đề. Tuy nhiên, đa số GV chưa đảm bảo dạy đủ 2 phân môn.
Các phương thức giảng dạy đảm bảo được mạch kiến thức nhưng thời khóa biểu của trường phải đổi liên tục, gây rối cho GV
3. GV bồi dưỡng tích hợp khó đủ năng lực dạy các phân môn
Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 21.7.2021 quy định GV học thêm từ 20 - 36 tín chỉ để dạy môn tích hợp. Chương trình bồi dưỡng được coi là điều kiện đủ tối thiểu để mỗi GV có thể dạy học môn lịch sử và địa lý và KHTN. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, GV dạy đơn môn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học của 1 hoặc 2 phân môn khác liệu có đủ năng lực và tự tin để đứng lớp? GV vật lý có đủ khả năng dạy sinh học và hóa học không, trong khi môn hóa học với tên gọi các nguyên tố theo tiếng Anh cũng là vấn đề khó đối với GV hóa. Hay một GV sinh học có đủ khả năng để dạy lý và hóa không?
4. Giáo viên chủ động… chạy đà dạy học tích hợp
Thời gian đầu triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường học sử dụng phương án tổ chức dạy học các môn học mới gồm Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý theo hướng chia ra cho giáo viên đảm nhận theo chuyên môn đào tạo
Tuy nhiên, để đúng với tinh thần đổi mới, các trường học đã có sự điều chỉnh, một giáo viên đảm nhận dạy các phân môn của môn học mới. Giáo viên vì vậy phải tự học, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu.
4.1 Hỗ trợ đồng nghiệp
Ngay trong hè 2022, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tổ chức sinh hoạt nhóm chuyên môn của giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý khối lớp 6 và 7 để xây dựng kế hoạch dạy học và dạy thử. Cô Ông Thị Diễm vốn được đào tạo đơn môn dạy Sinh học nhưng năm học 2022 – 2023 này sẽ đảm nhận thêm cả nội dung kiến thức Vật lý và Hóa học ở môn Khoa học tự nhiên lớp 6.
Cô Diễm cùng 6 giáo viên trong nhóm chuyên môn khối lớp 6 cùng nhau soạn giảng, phân tích, bổ sung để thống nhất nội dung cốt lõi của mỗi bài học theo hướng hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh. Các giáo viên sẽ cùng nhau dạy thử để đồng nghiệp bổ sung, góp ý những nội dung thuộc phân môn không phải sở trường mình được đào tạo.
Ngoài nghiên cứu kỹ sách giáo khoa, sách giáo viên của Chương trình GDPT 2018, cô Diễm còn đọc và so sánh với sách giáo khoa cũ; tự học các chuyên đề Vật lý và giáo trình đại học môn Hóa.
Giáo viên dạy Khoa học tự nhiên khối lớp 6 – 7 Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ngoài sinh hoạt nhóm chuyên môn theo từng tuần còn thường xuyên trao đổi online để hoàn chỉnh kế hoạch dạy học. “Hầu hết giáo viên của trường đều được đào tạo đơn môn nên khi một giáo viên đảm nhận dạy 3 môn học thì việc tự học, tự nghiên cứu rất quan trọng. Các giáo viên trái môn sẽ góp ý, bổ sung hoặc giải đáp để bổ trợ thêm cho đồng nghiệp trong quá trình tự bồi dưỡng. Kế hoạch dạy học của giáo viên đều được các thầy cô trong nhóm góp ý, bổ sung để hoàn thiện” – cô Trần Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) phân công 2 giáo viên đảm nhận môn Khoa học tự nhiên khối 6 và 7. Trong đó, có một giáo viên được đào tạo chuyên môn Vật lý và 1 giáo viên Sinh học.
Cô Đoàn Thị Mỹ Hoàn là giáo viên hợp đồng, tiếp nhận công việc từ tháng 8/2022. Với giáo viên hợp đồng, nhà trường chủ trương ký hợp đồng trước khai giảng 1 tháng để triển khai bồi dưỡng và tự bồi dưỡng chuyên môn. Do cả trường chỉ có một giáo viên dạy Sinh – Hóa cho tất cả khối lớp nên mọi kế hoạch bài dạy của cô Mỹ Hoàn đều được thầy Trần Văn Thắng, Phó Hiệu trường nhà trường, góp ý bổ sung ở phần kiến thức phân môn Hóa học.
“Chưa có trải nghiệm đứng lớp cũng là một khó khăn đối với tôi. Nhưng đổi lại, đây cũng là cơ hội để bản thân áp dụng các phương pháp dạy học mới. Môn Hóa – Sinh có những nội dung có liên quan, bổ trợ cho nhau nên dạy học tích hợp không có quá nhiều mạch kiến thức mới phải tìm hiểu” – cô Hoàn cho biết.
Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam - chia sẻ: “Do số lớp ít, mỗi khối chỉ có một lớp nên nhà trường bố trí 2 giáo viên đảm nhận dạy học môn Khoa học tự nhiên. Nếu để một giáo viên dạy cả 3 phân môn thì những giáo viên khác không đủ định mức tiết dạy theo quy định. Hơn nữa, với đặc thù học sinh của trường, việc dạy đơn môn sẽ đảm bảo chất lượng hơn. Quy mô trường nhỏ nên việc phân chia thời khóa biểu không quá khó”.
Để đúng với tinh thần đổi mới, các trường học đã có sự điều chỉnh khi dạy học tích hợp
4.2 Nỗi lo… gánh nặng đường xa
Bài tập về nhà của bài 1 - Giới thiệu về Khoa học tự nhiên (môn Khoa học tự nhiên lớp 6), cô Ông Thị Diễm giao cho các em tiến hành thí nghiệm nhuộm màu cho hoa. Em Vũ Duy Anh, học sinh lớp 6/8 chọn bông cúc màu trắng, dùng dao tách đôi cành cây để có thể nhuộm 2 màu trên cùng một bông hoa. Nhưng có học sinh chọn bông hoa có màu đậm hoặc dùng màu tự nhiên nên cánh hoa không thể chuyển màu được.
Duy Anh kể: “Từ sản phẩm thực hành, với sự gợi ý của cô giáo, chúng em phân tích được khả năng vận chuyển chất của một số loại cây, giải thích được vì sao có sự khác nhau giữa màu thực phẩm và màu công nghiệp khi dùng để pha nước nhuộm cho cây. Bài học mở đầu môn học vì thế hấp dẫn và thú vị, kích thích chúng em khám phá và tìm tòi”.
Cô Lê Thị Bích Nhung - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - nhận xét: “Học sinh lớp 7 hỏi rất nhiều kiến thức rộng và chuyên sâu liên quan đến bài học. Điều này chứng tỏ các em hiểu bài và có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế đời sống. Tuy nhiên, điều này lại khiến giáo viên đứng lớp rất “hồi hộp”. Có những câu hỏi của học sinh, thầy, cô giáo phải “nợ” để trả lời vào những tiết sau”.
Là giáo viên được đào tạo chuyên môn Hóa – Sinh, cô Bích Nhung có thuận lợi hơn các giáo viên đơn môn khi chỉ cần tự cập nhật thêm kiến thức môn Vật lý và hệ thống lại môn Sinh. “Ở học kỳ I, vì chưa có kiến thức môn Vật lý nên ngoài triển khai kế hoạch bài dạy cho giáo viên nhóm Khoa học tự nhiên lớp 7 tham khảo, tôi còn hỗ trợ đồng nghiệp những câu hỏi liên quan đến bài dạy. Thầy cô chủ yếu hỏi những ý nhỏ nhằm phát triển sâu hơn bài giảng hoặc những ví dụ cho phần liên hệ thực tiễn” – cô Nhung chia sẻ.
Tuy nhiên, cả cô Diễm và cô Nhung đều cho rằng, khi Chương trình GDPT mới triển khai đến lớp 8, 9, khối lượng kiến thức chuyên sâu nhiều hơn, giáo viên được đào tạo đơn môn không thể đảm nhiệm “3 trong 1 được”.
> Chân dung những người lái đò thầm lặng: Cống hiến quên mình cho đời
> Thu nhập nghề giáo thấp dẫn đến thiếu nhân lực - Đề xuất khắc phục của Sở GD&ĐT TPHCM
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp