Thu nhập của giáo viên thấp khiến ngành này thiếu nhân lực trầm trọng. Vì lẽ đó Sở GD&ĐT TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất phê duyệt Kế hoạch nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên.

Đại học Quốc gia Hà Nội "mạnh tay" đãi ngộ cán bộ khoa học trẻ

Đại học Quốc gia Hà Nội 'mạnh tay' đãi ngộ cán bộ khoa học trẻ

Đại học Quốc gia Hà Nội có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ khoa học trẻ (dưới 40 tuổi), có học vị tiến sĩ trở lên, có khả năng nghiên cứu, cam kết...

1. Lương giáo viên mới ra trường còn thấp hơn thu nhập của sinh viên sư phạm!

Sinh viên sư phạm hiện nay vừa được miễn học phí lại vừa được hỗ trợ sinh hoạt phí; nghĩa là vừa được đi học vừa được có thu nhập. Thu nhập này thậm chí còn cao hơn lương của giáo viên mới ra trường.

1.1 Con số 3,63 triệu đồng là “thu nhập cứng” của mỗi sinh viên sư phạm

Từ khoá tuyển sinh 2021, theo điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).
Có thể xem 3,63 triệu đồng là “thu nhập cứng” của mỗi sinh viên sư phạm vì nếu như kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên, sinh viên còn được nhận học bổng khuyến khích học tập thường xuyên của trường, đồng thời có cơ hội nhận các loại học bổng khác dành cho đối tượng khó khăn (hộ nghèo, cận nghèo…). Dĩ nhiên, đã xác định trở thành thầy/cô giáo trong tương lai thì sinh viên sư phạm nào cũng nỗ lực học tập hết mình bởi nếu bản thân không giỏi thì sau này sao có thể dạy dỗ học trò.

Thu nhập nghề giáo thấp dẫn đến thiếu nhân lực - Đề xuất khắc phục của Sở GD&ĐT TPHCM - Ảnh 1

Có thể xem 3,63 triệu đồng là “thu nhập cứng” của mỗi sinh viên sư phạm

1.2 Lương đi làm thấp hơn lúc đi học!

Trong khi đó, hiện nay mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Tiền lương tháng của cử nhân sư phạm/giáo viên mới ra trường được tính theo công thức:
Tiền lương tháng = Hệ số lương x mức lương cơ sở + mức phụ cấp ưu đãi được hưởng - mức đóng bảo hiểm xã hội (phải sau 5 năm công tác thì giáo viên mới được hưởng phụ cấp thâm niên).
Mức phụ cấp ưu đãi = Lương cơ sở x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi. Trong đó, tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi dao động từ 25% đến 50%, tùy từng đối tượng giáo viên và địa bàn công tác.
Giáo viên mầm non, tiểu học tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi là 35%. Giáo viên THCS tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi là 30%. Giáo viên THPT tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi là 30%.
Mức đóng bảo hiểm xã hội của giáo viên bao gồm: Hưu trí – tử tuất: 8%; bảo hiểm thất nghiệp: 1%; bảo hiểm y tế: 1,5%.
Như vậy, mỗi tháng giáo viên sẽ đóng bảo hiểm xã hội tổng cộng bằng 10,5% tiền lương tháng. Và trong năm thử việc đầu tiên, giáo viên chỉ được nhận 85% lương.
Căn cứ theo các Thông tư 02/2021/ TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học công lập; Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên THCS công lập; Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên THPT công lập, hệ số lương khởi điểm của giáo viên tiểu học, THCS, THPT đều là 2,34. Do đó, tính tổng thu nhập sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì mỗi giáo viên mới ra trường chỉ còn nhận được khoảng 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, giáo viên còn có một số khoản đóng góp thường xuyên khác như: 1% lương/tháng đóng công đoàn phí, nếu là đảng viên thì 1% lương/tháng đóng đảng phí, mỗi năm trừ một số ngày lương đóng góp các quỹ như: quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống thiên tai… và một số khoản ủng hộ đột xuất khác.
Do đó, nếu dạy ở trường công thì lương giáo viên mới ra trường còn thấp hơn sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm đang được nhận! Thu nhập khi đi làm lại không bằng lúc đi học trong khi mức chi tiêu lại tăng lên thì giáo viên mới ra trường chỉ có thể sống hoặc bằng nguồn viện trợ của gia đình, hoặc làm thêm các công việc khác để theo đuổi đam mê nghề cầm phấn.
Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được ban hành với mục đích thu hút người giỏi chọn học ngành sư phạm. Tuy nhiên, nếu lương của giáo viên không được cải thiện thì mục tiêu này sẽ khó đạt được.

Thu nhập nghề giáo thấp dẫn đến thiếu nhân lực - Đề xuất khắc phục của Sở GD&ĐT TPHCM - Ảnh 2

Nếu dạy ở trường công thì lương giáo viên mới ra trường còn thấp hơn sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm đang được nhận

2. Đề xuất chi gần 60 tỷ đồng để nâng chuẩn giáo viên

Sở GD&ĐT TPHCM vừa có văn bản trình UBND TP phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tổ chức thực hiện năm 2022.
Theo đó, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương, giao cho Trường ĐH Sài Gòn theo phương thức giao nhiệm vụ theo quy định để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.
Đồng thời, Sở GD&ĐT TPHCM cũng đề xuất giao Sở Tài chính tham mưu UBND TP bố trí dự toán kinh phí ngân sách nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo nâng cao trình độ chuẩn giáo viên hàng năm cho Trường ĐH Sài Gòn.
Đối tượng tham gia nâng chuẩn trình độ gồm giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên và tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Giáo viên dạy cấp tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 8 năm công tác đối với giáo viên có trình độ trung cấp và đủ 7 năm công tác đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Thống kê, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM có 1.402 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cần tham gia nâng trình độ chuẩn được đào tạo. Trong đó, mầm non là 705 giáo viên, tiểu học là 455 giáo viên; THCS là 242 giáo viên. Mức dự toán kinh phí nâng trình độ chuẩn đào tạo cho tổng số giáo viên trong giai đoạn này là hơn 58,8 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1 (từ ngày 1/1/2021 đến hết 31/12/2025), TPHCM bảo đảm ít nhất 60% giáo viên mầm non được cấp bằng cao đẳng sư phạm hoặc cử nhân, ít nhất 50% giáo viên tiểu học và 60% giáo viên THCS được cấp bằng cử nhân.
Kinh phí thực hiện nâng chuẩn trình độ cho giáo viên giai đoạn 2021-2025 được lấy từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP (ngày 30/6/2020) của Chính phủ.
Đối với các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả các chế độ cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng chuẩn trình độ.
Bên cạnh đó, các quận huyện và UBND TP Thủ Đức có trách nhiệm quản lý, theo dõi và đánh giá kết quả đào tạo của cán bộ quản lý và giáo viên tại địa phương, tổ chức sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả định kỳ thực hiện.

> Đổi mới tuyển sinh 2022: Công bằng, hiệu quả và minh bạch

> Hơn trăm triệu đồng mua đề thi IELTS 'thật' - Chiêu trò của kẻ lừa đảo hay tâm lý gian lận của người mua?

Theo kênh Tuyển Sinh tổng hợp