Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên thay thế quy định hiện hành để lấy ý kiến.
Dự thảo thông tư vẫn giữ quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có ít nhất 1 trường chuyên, tuy nhiên bỏ quy định “tổng số học sinh các lớp chuyên chiếm tối thiểu 2% số học sinh THPT của tỉnh, thành phố đó” tại thông tư hiện hành.
Ngoài hệ thống trường chuyên do sở GD-ĐT quản lý, dự thảo vẫn tiếp tục cho phép có hệ thống trường chuyên trong các trường đại học.
1. Vô số ưu tiên cho hệ thống trường chuyên
Rất nhiều ưu tiên cho trường chuyên được nêu trong dự thảo này. Theo đó, trường chuyên được ưu tiên: bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bảo đảm đủ định mức, đạt tiêu chuẩn quy định; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; được liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học có chất lượng cao theo quy định; bố trí kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm cho các hoạt động giáo dục;
Trường chuyên được mời chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài thỉnh giảng theo quy định, bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh…
HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định các chế độ chi ngân sách đầu tư cho trường chuyên thuộc tỉnh về cơ sở vật chất, chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn chuyên được đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở trong nước, nước ngoài. Cơ sở giáo dục đại học quyết định chính sách ưu tiên đầu tư đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.
Học sinh chuyên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp địa phương, quốc gia, quốc tế được hưởng chính sách học bổng khuyến khích học tập và chế độ khen thưởng theo quy định chung và quy định riêng của từng địa phương, cơ sở giáo dục đại học…
Học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế được ưu tiên xét tuyển vào đại học hoặc cử đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong nước và nước ngoài theo quy định.
Về cơ sở vật chất, dự thảo quy định, trường chuyên được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như các trường trung học phổ thông theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, được ưu tiên đầu tư hệ thống phòng học đạt tiêu chuẩn quy định, bảo đảm điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị hiện đại; có đủ sách, tài liệu tham khảo.
Các thiết bị dạy học đồng bộ và hiện đại phục vụ việc giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu; giảng dạy các môn học mỹ thuật, âm nhạc và tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học của giáo viên, học sinh.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng yêu cầu trường chuyên cần có ký túc xá, nhà ăn cho học sinh có nhu cầu nội trú; nhà công vụ cho giáo viên. Sân vận động, nhà đa năng, bể bơi và một số thiết bị, dụng cụ thể thao khác…
Trường chuyên Amsterdam - Hà Nội
2. Đề xuất bỏ lớp cận chuyên trong trường chuyên
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất không tổ chức lớp cận chuyên hay chất lượng cao trong dự thảo mới về hoạt động của trường THPT chuyên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên (trường chuyên) để lấy ý kiến. Quy chế quy định về tổ chức và hoạt động của trường chuyên như quy định chung; lớp học, tổ chuyên môn, tổ văn phòng; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; tuyển sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Điểm đáng lưu ý trong dự thảo là quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Lớp học trong trường chuyên phải được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành, gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quyết định số môn chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.
Hệ thống trường chuyên bao gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường chuyên.
Tuy nhiên, hiện không ít các trường chuyên có các lớp cận chuyên, lớp chất lượng cao dành cho học sinh không đủ điểm trúng tuyển vào lớp chuyên.
Thời gian góp ý cho dự thảo từ 14/10 đến 14/12 tại cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
> 14 người nộp đơn thi tuyển phó hiệu trưởng trường phổ thông ở TP.HCM
> Trường đại học đầu tiên ở Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 120 năm thành lập
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp