Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có hơn 50 trường đại học đào tạo giáo viên. Quy mô đào tạo chính quy trên 50 nghìn giáo sinh.
1. Chứng kiến sự khởi sắc
Năm 2022, điểm chuẩn của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tăng cao. Riêng ngành Giáo dục tiểu học có điểm chuẩn là 28,55. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 3 ngành lấy điểm chuẩn là 28,5 gồm: Giáo dục chính trị - tổ hợp C19 (Văn, Sử, Giáo dục công dân) và C20 (Văn, Địa, Giáo dục công dân); Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử - tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Mức này ở cả 3 ngành cao hơn năm ngoái 0,25 - 1 điểm.
Nhiều ngành của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cũng có điểm chuẩn tăng từ 0,25 - 2 điểm so với năm 2021. Ngành Sư phạm Mầm non và Sư phạm Địa lý cùng lấy 26,25 điểm. Đây là 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất trường trong năm nay (xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT).
Điểm chuẩn năm 2022 của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) gần “chạm trần”. Hai ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất là Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Sư phạm Lịch sử chất lượng cao cùng lấy 39,92 điểm (thang điểm 40)
PGS.TS Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức cho biết, nhìn chung điểm chuẩn của các ngành đào tạo giáo viên năm 2022 tăng so với năm 2021. Đã có 2.100 thí sinh nhập học và trở thành tân sinh viên của trường. Số này được xét tuyển, lọc ảo từ hàng chục nghìn nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh thông tin, hơn 3.100 tân sinh viên đã nhập học vào trường. Các em được tham gia tuần sinh hoạt công dân và lễ khai giảng năm học mới.
Trong 2 năm (2021, 2022), nhà trường vui mừng khi đạt được những thành quả đáng tự hào, khẳng định văn hóa chất lượng trong đào tạo. Có 8 chương trình đào tạo đã đạt tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA của mạng lưới các trường đại học ASEAN, gồm các khoa: Tâm lý học, Vật lý, Giáo dục Tiểu học, Hoá học, Tiếng Trung, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Công nghệ Thông tin.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong hơn 620.400 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là hơn 567.000. Trong đó, khoảng 3.500 trúng tuyển cao đẳng sư phạm, đạt tỷ lệ 91,4% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Theo các chuyên gia, tuyển sinh năm nay tiếp tục chứng kiến sự khởi sắc của ngành sư phạm. Thông qua bức tranh về điểm chuẩn cho thấy, sư phạm nằm trong tốp 5 ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm nay. Nhiều ngành thí sinh phải đạt 29 - 30 điểm/3 môn mới có cơ hội đỗ.
Với 29,85 điểm - Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Bích Ngân chính thức trở thành tân sinh viên ngành Sư phạm Hóa học, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Bích Ngân chia sẻ, sư phạm vẫn luôn có sức hút với em và nhiều thí sinh khác. Năm nay, em thấy số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm tăng cao. Vì thế, mức độ cạnh tranh càng thêm khốc liệt. Qua đó cho thấy, ngành sư phạm có sức hút riêng, nhất là khi chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho giáo sinh được triển khai.
Ngành sư phạm có sự khởi sắc rõ rệt trong năm nay
2. Dự thảo Luật Nhà giáo bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp đối với thầy cô
Chính sách 1: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo
Mục tiêu của chính sách nhằm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước đối với công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo.
Đề cao tiêu chuẩn đầu tiên về đạo đức, phong cách nhà giáo, chuyển các yêu cầu của Trung ương Đảng và Nhà nước về xây dựng đạo đức, phong cách nhà giáo thành quy phạm pháp luật. Làm rõ định hướng nghề nghiệp của giáo viên và nhấn mạnh giáo viên đảm nhận sứ mệnh giáo dục con người cho Đảng, ươm mầm tài năng và đào tạo nhân tài cho đất nước.
Dự thảo Luật Nhà giáo bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp đối với thầy cô ảnh 1
Ảnh minh hoạ: Ngân Chi
Nội dung của chính sách gồm: Xác định các khái niệm về nhà giáo một cách đầy đủ, tường minh, làm cơ sở để xác định phạm vi điều chỉnh và đề xuất các chính sách về nhà giáo; xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; tăng cường quyền tự chủ trong giảng dạy và giáo dục của nhà giáo, quyền được áp dụng các biện pháp trừng phạt trong giáo dục và bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung sáng tạo, đổi mới trong giáo dục... Tăng cường nghĩa vụ của nhà giáo trong việc bảo vệ và hỗ trợ học sinh.
Giải pháp thực hiện chính sách thông qua Luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về khái niệm nhà giáo; vị trí, vai trò của nhà giáo; bổ sung quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; bổ sung quy định về chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các giải pháp này với lý do: Việc định danh nhà giáo một cách đầy đủ và tường minh sẽ giúp cho việc quản lý nhà giáo trong toàn quốc được thống nhất, các chính sách cho nhà giáo được ban hành đầy đủ, kịp thời.
Chính sách 2: Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo
Mục tiêu của chính sách: Khắc phục các bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý để tuyển dụng vào ngành những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.
Nội dung của chính sách: Xác định tiêu chuẩn tuyển dụng nhà giáo; xác định quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ làm việc đối với nhà giáo; xác định điều kiện, quy trình thuyên chuyển công tác; xác định điều kiện, quy trình đánh giá, xếp loại, thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo.
Giải pháp thực hiện chính sách bằng cách luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về chuẩn trình độ, tiêu chuẩn để trở thành nhà giáo; việc áp dụng chứng chỉ hành nghề đối với người chưa qua đào tạo sư phạm muốn trở thành nhà giáo; bổ sung quy định về quy trình tuyển dụng nhà giáo; bổ sung quy định về bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp, thực hiện chế độ làm việc đối với nhà giáo; bổ sung quy định về đánh giá, xếp loại nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các giải pháp này với lý do: Đảm bảo việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo phù hợp với đặc thù hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà giáo hoạt động tự do (không thuộc biên chế nhà giáo), tạo điều kiện cho sự phát triển giáo dục bình đẳng giữa công – tư.
Chính sách 3: Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo
Mục tiêu của chính sách là: Xây dựng hệ thống đào tạo nhà giáo đảm bảo chất lượng, nhấn mạnh đến việc tăng cường đào tạo, xây dựng cơ chế cụ thể về việc đào tạo sinh viên sư phạm. Xác định các vấn đề về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục và có cơ hội hợp tác quốc tế một cách thực chất, hiệu quả.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Luật hóa các nội dung sau: Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Xác định chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, thúc đẩy hình thành hệ thống trường thực hành sư phạm phục vụ đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo. Xác định, làm rõ việc nhà giáo ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật; người nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam; việc liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Giải pháp thực hiện chính sách thông qua luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Bổ sung quy định về các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và hệ thống trường thực hành sư phạm phục vụ đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo. Bổ sung quy định về cơ chế để nhà giáo ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật.
Lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các giải pháp này nhằm: Đảm bảo định hướng các khuyến khích, động lực để nhà giáo được phát triển chuyên môn, nghề nghiệp, tự do nghiên cứu và trao đổi học thuật. Tạo cơ sở cho sự phát triển của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, giúp nâng cao chất lượng đội ngũ.
Tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo.
Chính sách 4: Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo
Mục tiêu của chính sách: Xác định các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề; tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc; thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người.
Nội dung của chính sách gồm: Xác định các vấn đề cơ bản về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chế độ hưu trí, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội của nhà giáo. Xác định chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo. Xác định cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với nhà giáo.
Giải pháp thực hiện chính sách: Luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo. Bổ sung quy định về chế độ hưu trí, khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội của nhà giáo. Bổ sung quy định về tiêu chí, danh hiệu thi đua, khen thưởng, tôn vinh đối với nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các giải pháp này với các lý do như sau: Đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác. Tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác.
Chính sách 5: Quản lý nhà nước về nhà giáo
Chính sách này nhằm: Khắc phục các bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước về nhà giáo thời gian qua; làm cơ sở thực hiện phân cấp, thống nhất từ trung ương đến địa phương trong quản lý nhà giáo, tạo điều kiện cho nhà giáo tự do trong học thuật, phát triển chuyên môn nghiệp vụ.
Nội dung của chính sách gồm: Xác định hệ thống quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương đảm bảo thống nhất, hiệu quả, gọn nhẹ. Xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo. Xác định vai trò của các tổ chức hiệp hội nhà giáo.
Giải pháp thực hiện chính sách thông qua Luật hóa các nội dung sau: Bổ sung quy định về hệ thống quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương. Bổ sung vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức hiệp hội nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các giải pháp này với mục tiêu: Làm rõ hệ thống quản lý ngành về nhà giáo; thống nhất việc quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương để tránh chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà giáo. Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội nhà giáo trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo.
> Những khó khăn mà tân sinh viên gặp phải trong năm học mới
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp