Mất nước, bị dọa ma, nấu cơm vụng trộm, sinh viên ở kí túc xá được hưởng đủ những nỗi khổ "có một không hai". Ký túc xá là lựa chọn của rất nhiều sinh viên sống xa nhà. Thế nhưng, ở rồi mới biết có vô số những nỗi khổ "dở khóc dở cười" được gọi là đặc quyền cho sinh viên ở nội trú mà không phải ai cũng được trải nghiệm.
> Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ chờ khung chương trình từ Bộ là biên soạn SGK
> Lạm thu 8 triệu đầu năm, Hiệu trưởng trường tiểu học lạm quyền
Mất điện, mất nước trường kỳ
Hầu hết các khu nội trú cho sinh viên trong các trường đại học hiện nay đều đã khá cũ, thậm chí xuống cấp nên việc mất điện, mất nước là câu chuyện thường xuyên. Chuyện như bình thường nếu vòi nước không chảy nữa khi trên người bạn vẫn đang dính đầy xà phòng, sữa tắm hay một tối mùa hè oi bức và bỗng nhiên chiếc quạt điện dừng lại, báo hại cả phòng phải ra hành lang hóng gió cho qua cơn nóng.
Mất nước thường xuyên nên sinh viên luôn trang bị chắc chắn trong phòng nào cũng sẽ đầy những can nước 5 lít, 10l lít để dự trữ. Và hình ảnh sinh viên ở kí túc xách xô đi cả một quãng đường để xin nước nhà người dân xung quanh là chuyện rất hay xảy ra.
Nỗi ám ảnh về những câu chuyện ma
Dọa ma là trò quá cũ nhưng không bao giờ chán và hết vui của những sinh viên ở kí túc xá. Những sinh viên mới đến đã nhiều lần hú vía vì các câu chuyện của anh chị khoá trên. Nhiều người từ bị doạ xanh mặt khi thấy bóng trắng trên hành lanh, hay âm thanh lúc nửa đêm.
Không phải ai cũng có đủ can đảm để trải qua những chuyện doạ ma như vậy, nên nhiều sinh viên vừa vào ở đã chạy ngay khỏi kí túc xá.
Nấu ăn vụng trộm không hề dễ
Để phòng chống cháy nổ, kí túc xá thường không cho sinh viên nấu ăn. Thế nhưng nhiều sinh viên vẫn không chấp hành quy định, nấu ăn lén lút.
Vào kí túc xá, chỉ cần để ý kỹ sẽ thấy rất nhiều nồi cơm điện, bát đĩa được giấu khéo léo trong những góc phòng, gầm giường. Sinh viên ở kí túc lúc nào cũng có đủ chiêu để lách luật, nhưng nếu lỡ bị phát hiện thì đồng nghĩa với việc sẽ phải giao nộp vết nồi niêu, bát đũa cho phòng giám thị đấy.
Giờ giới nghiêm không sai một phút
Giờ giới nghiêm là “đặc sản” của tất cả các khu nội trú sinh viên. Cứ đúng 10h30 hoặc 11h đêm tùy từng trường, bảo vệ sẽ đóng cổng và không chấp nhận lí do về muộn nào. Và đương nhiên, giờ giới nghiêm này có vẻ hơi sớm với các bạn trẻ hiện nay nên không ít người đã luyện cho mình kĩ năng trèo tường để đối phó hoặc tìm một chỗ ngủ ở nhà bạn bè nếu có lỡ vui quá giờ giới nghiêm.
Những nội quy có một không hai
Xích mích là chuyện khó tránh khi ở kí túc. Đó cũng là nguyên nhân những bản nội quy khắt khe ra đời như quy mọi lỗi trong sinh hoạt chung thành tiền, nói chuyện điện thoại phải ra hành lang, tắt đèn sau 11h hay mỗi người chỉ được tắm không quá 10 phút.
Dễ thấy những thứ "không muốn thấy"
Nhiều kí túc hiện nay không biệt lập khu nam và khu nữ nên sẽ chẳng phải hiếm nếu một bạn nữ vô tình thấy một bạn nam mới tắm xong chỉ mặc một chiếc quần nhỏ mà không đóng cửa phòng. Ngược lại, các bạn nam cũng hay phàn nàn về việc các bạn nữ phơi đồ lót không được tế nhị cho lắm.
Được xem "phim tình cảm" miễn phí cũng là câu chuyện được nhiều người bàn tán nếu ai đó có người yêu và hẹn hò ngay trong phòng chung hay ngồi tâm sự cả giờ đồng hồ ở hành lang nhiều người qua lại.
Ở kí túc xá nhiều chuyện "dở khóc dở cười" là thế, nhưng đó cũng là những ngày tháng đầy kỉ niệm của mỗi người khi còn là sinh viên. Vui sao kể hết những lần cả phòng cùng nhau liên hoan vụng trộm, những đêm cùng nhau nói chuyện đến sáng, những trò siêu quậy và thúc giục nhau học bài cật lực khi mùa thi đến.
Đặc biệt hơn, kí túc xá cũng là nơi mọi người được yêu thương, giúp đỡ hết mình khi gặp khó khăn, là nơi nhiều người tìm được những người bạn tri kỉ nữa.
Cuộc sống sinh viên ở kí túc xá thiếu thốn mọi bề, nhưng khi nghĩ về quãng thời gian ấy, ai cũng thấy yêu thương những ngày tháng sinh viên sôi nổi, hồn nhiên cùng bạn bè với một cuộc sống tập thể đặc biệt không thể có lại lần thứ hai trong đời.
Kênh Tuyển Sinh - Trang Nguyễn
> Bộ GD&ĐT cho phép học sinh tại khu vực rốn lũ Miền Tây nghỉ học
> Siêu bão Mangkhut đổ bộ học sinh được Chính phủ cho phép nghỉ học tránh bão