Người có chỉ số EQ cao thường có sự thấu hiểu bản thân sâu sắc, dễ thích nghi và giữ kết nối bền chặt với các mối quan hệ xung quanh. Vậy thế nào là chỉ số EQ cao và người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao có những dấu hiệu gì? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. EQ cao là gì?
EQ ( Emotional Quotient), còn được gọi là chỉ số trí tuệ cảm xúc, là khả năng nhận thức, kiểm soát suy nghĩ của bạn thân và những người xung quanh.
Chỉ số trí tuệ cảm xúc được xác định bằng bài kiểm tra EQ dựa trên mô hình Cảm xúc Đặc điểm (Trait Emotional Intelligence Model) hoặc mô hình Cảm xúc Năng lực (Ability Emotional Intelligence Model). Với kết quả kiểm tra, có thể xác định EQ thuộc mức thấp, cao hay trung bình như sau:
- Dưới 84: Chỉ số EQ thấp (khoảng 16% tổng dân số thế giới).
- Từ 85 đến 115: Chỉ số EQ trung bình (chiếm 68% dân số thế giới).
- Từ 116 đến 130: Chỉ số EQ cao (khoảng 14% dân số thế giới).
- Từ 131 trở lên: Chỉ số EQ cao tối ưu (chiếm tầm 2% dân số thế giới).
Từ đây có thể thấy người có chỉ số EQ từ 116 trở lên được đánh giá là có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao. Đây là kiểu người có năng lực đánh giá bản thân, nắm rõ ưu - nhược điểm của bản thân. Không chỉ vậy, họ còn dễ dàng thấu hiểu và chia sẻ với người xung quanh, có mối quan hệ tốt với nhiều người. Cùng với đó là khả năng chịu áp lực tốt, suy nghĩ tích cực, giữ thái độ bình tĩnh đối mặt với khó khăn.
Nhóm người có chỉ số EQ từ 116 trở lên được đánh giá là có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao.
2. Vì sao người có EQ cao thường dễ thành công hơn?
Từ lâu về trước, chỉ số thông minh trí tuệ IQ thường được đánh giá cao. Tuy nhiên, theo sự phát triển của nhân loại, chỉ số EQ dần được công nhận quan trọng hơn chỉ số IQ. Điều này cũng được chứng minh thông qua việc người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao thường dễ tìm việc, thu nhập cao và có triển vọng thăng tiến hơn. Vì những người này có sự thấu hiểu cảm xúc của bản thân và người xung quanh, từ đó dễ dàng cải thiện và xây dựng các mối quan hệ hài hòa, tăng hiệu quả làm việc. Đồng thời, người có chỉ số EQ cao dù không thể hiện xuất sắc trong lĩnh vực học tập nhưng lại có lối cư xử mềm mỏng, thấu hiểu lòng người nên được nhiều người quý trọng.
> IQ và EQ cái nào quan trọng hơn, bạn đã biết chưa?
3. 8 dấu hiệu của người có EQ cao
Người có EQ cao có 8 dấu hiệu như sau:
3.1. Có khả năng đồng cảm, thấu hiểu với người khác
Người có EQ cao thường đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận, thấu hiểu suy nghĩ và hành động của họ. Vì thế, thay vì phán xét, họ luôn dành cho đối phương sự thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc. Từ sự thấu cảm đó, họ luôn tìm giải pháp để hỗ trợ mọi người xung quanh khi gặp tình huống khó khăn trong cuộc sống.
3.2. Kỹ năng giao tiếp khôn khéo
Một trong những đặc điểm của người có EQ cao là kỹ năng giao tiếp khéo léo. Khi trao đổi, họ có cách bày tỏ cởi mở nhưng không khiến người đối diện cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, họ chủ động tạo cuộc hội thoại dễ chịu, gần gũi để đối phương có tâm lý thoải mái chia sẻ về bản thân.
Người có chỉ số EQ cao khá khéo léo trong các tình huống giao tiếp, dễ dàng chinh phục lòng người.
3.3. Kiểm soát tốt cơn giận
Tức giận là phản ứng tự nhiên của con người khi gặp tình huống không mong muốn. Tuy nhiên, cơn giận bộc phát có thể dẫn đến hệ quả không như mong muốn như tổn thương bản thân và các mối quan hệ xung quanh. Vì thế, người có EQ cao thường chọn im lặng để điều hòa tâm trạng và từng bước kiểm soát cơn tức giận. Sau khi đã ổn định tâm lý, họ sẽ bình tĩnh tìm cách giải quyết vấn đề để tránh ảnh hưởng đến người đối diện
3.4. Giữ đúng lời hứa
Người có chỉ số EQ cao luôn coi trọng lời hứa, cam kết với người khác. Vì họ hiểu rằng đây là yếu tố quan trọng để tạo dựng niềm tin trong các mối quan hệ, cũng như tạo dựng sự uy tín cho bản thân. Do đó, một khi đã có lời hứa với bất kỳ ai, người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao luôn cố gắng để thực hiện.
Một khi đã có lời cam kết, hứa hẹn với đối phương, người có EQ cao luôn nỗ lực để thực hiện.
3.5. Tự lập và có tinh thần trách nhiệm cao
Một trong những biểu hiện của người có chỉ số EQ cao là họ luôn tự lập và có tinh thần trách nhiệm cao trong cuộc sống và công việc. Khi gặp trở ngại trong cuộc sống, họ thường tự nghiền ngẫm và tìm giải pháp xử lý vấn đề. Ngoài ra, khi có lỗi sai, họ cũng không ngần ngại thừa nhận và cố gắng tìm cách khắc phục tình huống.
3.6. Có những nhận xét hữu ích
Người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao luôn hướng tới cách trình bày ý kiến mang tính chất xây dựng. Vì thế, đối phương luôn cảm thấy được lắng nghe và nắm bắt thông tin dễ dàng hơn. Chẳng hạn như khi khuyến khích người khác cải thiện điều gì đó, họ thường dùng những cụm từ mang ý nghĩa tích cực như “nên làm”, “có thể làm”,... thay vì các từ ngữ có ý mệnh lệnh như “bắt buộc”, “phải”,...
3.7. Biết cách an ủi và khen ngợi
Lời an ủi và khen ngợi đúng lúc và đúng cách giúp người khác cảm thấy tự tin hơn. Do đó, người có chỉ số EQ cao luôn biết cách an ủi và khen ngợi người xung quanh một cách tự nhiên nhất để tạo cho đối phương động lực phấn đấu, hoàn thiện bản thân.
3.8. Luôn lắng nghe và quan sát
Nhóm người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao thường có thói quen lắng nghe và quan sát những hành động, biểu cảm của người xung quanh. Nhờ vậy, họ biết cách cư xử, trò chuyện phù hợp với từng người. Từ đó giúp họ xây dựng và duy trì các mối quan hệ bền chặt trong cuộc sống, công việc và xã hội.
Ngoài ra, họ còn có những thói quen đặc trưng khác như: Luôn tập trung vào mặt tích cực, luôn hướng về tương lai và bỏ qua quá khứ, luôn tìm cách làm cho cuộc sống trở nên vui vẻ, hạnh phúc và thú vị hơn và không ngừng học hỏi và phát triển hướng đến sự độc lập,...
> 7 thói quen của người có EQ cao
4. Cách cải thiện chỉ số EQ hiệu quả
Để cải thiện chỉ số EQ, bạn có thể áp dụng các cách sau đây:
4.1. Xác định điểm mạnh - hạn chế của bản thân
Một trong những cách cải thiện chỉ số EQ là xác định được điểm mạnh và hạn chế của bản thân, từ đó tìm giải pháp hoàn thiện chính mình. Đặc biệt hơn, bạn cũng cần thấu hiểu những cảm xúc tích cực và tiêu cực của mình. Với những cảm xúc tiêu cực, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân và có cách điều hòa tâm trạng hợp lý để tránh ảnh hưởng đến những mối quan hệ xung quanh.
Khi xác định được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, bạn có thể tìm được giải pháp để phát triển, hoàn thiện chính mình.
4.2. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt giúp bạn cải thiện chỉ số EQ, từ đó dễ dàng kết nối với người khác và có những mối quan hệ bền chặt. Theo đó, bạn có thể áp dụng một số cách như thực hành lắng nghe sâu, tập trung lắng nghe người khác nói, luyện phát âm dễ nghe, rõ ràng,...
4.3. Chấp nhận thử thách mới mẻ
Trong mỗi chúng ta thường có những vùng an toàn mà bản thân không đủ tự tin để vượt giới hạn. Tuy nhiên, bạn hãy mạnh mẽ cho bản thân đối mặt với những thử thách mới mẻ. Bởi từ đây, bạn có thể thử sức trải nghiệm thiết thực trong nhiều tình huống cuộc sống, từ đó có bài học quý giá để hoàn thiện các kỹ năng cần thiết.
4.4. Xác định giới hạn chịu đựng
Cải thiện chỉ số EQ không có nghĩa là bạn chấp nhận và bao dung cho những điều tiêu cực, không đúng đắn. Thay vào đó, bạn cần xác định giới hạn chịu đựng của bản thân để có những cách cư xử giúp mình cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
5. Một số “bí quyết” khác
Bên cạnh những cách cải thiện chỉ số EQ trên, bạn cũng có thể áp dụng một số “bí quyết” sau đây:
- Học cách nói xin lỗi, cảm ơn.
- Suy nghĩ cẩn thận trước khi nói bất cứ điều gì.
- Luôn giúp đỡ người khác khi có thể.
- Giữ đúng cam kết, lời hứa.
- Học cách chủ động chữa lành cho bản thân khi gặp khó khăn.
- Đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, đánh giá.
- Tôn trọng sự riêng tư của người khác.
- Không để những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến người khác.
- Không tùy tiện bàn tán, đánh giá, bình phẩm về người khác.
- Tham gia khóa học về Thông minh cảm xúc
Tham gia các khóa học đào tạo Thông minh cảm xúc cũng là một lựa chọn nên cân nhắc
Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu hơn về những dấu hiệu của EQ cao cũng như cách để cải thiện chỉ số cảm xúc. Hy vọng qua đây có thể giúp bạn hoàn thiện bản thân để trở thành phiên bản ưu tú hơn!
Bài viết tham khảo: EQ cao là gì? Đâu là dấu hiệu người EQ cao thường sở hữu? - LCV