Theo đánh giá từ giáo viên, khi học sinh phải học trực tuyến hoặc kết hợp online - offline suốt kỳ I thì dẫn đến kết quả rất nhiều em giảm sút đáng kể.
Trong buổi tổng kết năm học 2022-2023 ba hôm trước, cô Thương, giáo viên Toán một trường THCS ở Hà Nam tiếc nuối tạm biệt học sinh lớp 9, khi thời gian cô trò gặp nhau trực tiếp chưa nhiều. Lứa học trò sinh năm 2007 bắt đầu học trực tuyến từ năm 2020, kéo dài suốt năm 2021.
Làm chủ nhiệm từ khi các em mới vào trường, cô Thương nói lứa học sinh này kém hơn hẳn về nhiều mặt. Trong đó, biểu hiện rõ nhất là tình trạng thiếu hụt kiến thức, nhiều em không theo kịp chương trình.
Cô dẫn chứng, tỷ lệ điểm 8 trở lên trong đợt thi thử môn Toán vào lớp 10 THPT chỉ khoảng 15%, thấp hơn một nửa so với các năm trước. Về học lực, mỗi lớp 9 trong trường có khoảng 20-30% học sinh đạt loại khá, giỏi, trong khi tỷ lệ này các năm trước là 40-45%.
Việc học online khiến kết quả học tập của học sinh giảm sút nhiều so với học offline
"Việc không được đến trường, tương tác trực tiếp với bạn bè, thầy cô thực sự đã để lại hậu quả về tâm lý, kiến thức rất nặng nề với học sinh", cô Thương nói.
Học kỳ I năm học 2021-2022 bị xáo trộn bởi Covid-19. Cuối năm 2021, cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành dạy học trực tiếp, 34 địa phương kết hợp trực tiếp - trực tuyến; còn lại chỉ tổ chức dạy trực tuyến.
Tất cả học sinh cả nước đồng loạt trở lại trường trực tiếp từ đầu tháng 2. Thời gian đầu, nhiều địa phương vẫn tầm soát F0, F1 chặt chẽ, dẫn đến việc các trường liên tục phải chuyển sang tình trạng dạy học xen kẽ online - offline khi phát hiện học sinh nhiễm bệnh.
Theo cô Thương, việc học trực tuyến đã phân định rõ học sinh có ý thức học tập hay không. "Nhiều em lớp 6, 7 học rất tốt nhưng vì lười, bố mẹ cũng không sát sao nên sau hai năm học trực tuyến, sức học đã tụt xuống mức trung bình", cô giáo nói.
Cùng nhận xét trên, thầy Khánh, giáo viên một môn Khoa học tự nhiên trường THPT ở huyện Cần Giờ, TP HCM cho biết, trong kỳ II, lỗ hổng kiến thức học sinh dần lộ ra. Điểm kiểm tra thường xuyên của các em thấp hơn nhiều so với kỳ I và so với năm trước.
Những học sinh khá, giỏi, có ý thức học tập tốt vẫn theo kịp chương trình. Những em trung bình, yếu kém bị "hụt hơi" vì mất nền tảng kiến thức, dẫn đến điểm kiểm tra thường xuyên kém. Tuy vậy, trong quá trình dạy học, nhiều giáo viên thường tạo cơ hội gỡ điểm cho học sinh yếu kém. Các bài kiểm tra định kỳ được thiết kế tinh gọn, chỉ dừng ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Do đó, thành tích tổng kết cuối năm không bị xáo trộn nhiều.
Số học sinh khá giỏi của các lớp thầy phụ trách khoảng 70%, trung bình gần 30%, một số ít yếu, kém. Tỷ lệ này tương đương những năm học trước và ở mức chấp nhận được với một trường vùng xa ở thành phố.
"Thực chất thì học sinh bị hổng kiến thức so với những lứa trước. Nếu không được bù đắp, các em sẽ bị tụt lại ở những lớp sau", thầy nói.
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo với hơn 95.300 giáo viên, khoảng 65% thầy cô đánh giá dạy học trực tuyến chỉ "tương đối hiệu quả"; 19-21% giáo viên (tuỳ từng cấp học) thậm chí nhận định dạy học trực tuyến không hiệu quả. Việc học trực tuyến khiến 45% trong tổng số 341.800 học sinh gặp các vấn đề sức khoẻ như mỏi mắt, đau cổ, ù tai.
Hồi tháng 1, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá, dạy học trực tuyến chưa thể và khó thay thế dạy học trực tiếp. Trả lời VnExpress sau đó, ông cho biết, ngay khi học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục cần có phương án đánh giá lại kiến thức, kỹ năng của các em một cách phù hợp. Nhà trường sẽ phối hợp với gia đình để củng cố, bồi đắp thiếu hụt do tác động tiêu cực của hoạt động học gián tiếp.
Lỗ hổng kiến thức không chỉ ở các trường ngoại thành mà còn diễn ra ở một số trường THCS - THPT tư thục. Theo nhiều giáo viên trường tư ở TP HCM, điểm trung bình kiểm tra cuối học kì II của học sinh toàn trường kém đi khoảng một điểm so với năm ngoái. Trong khi đó, đề kiểm tra kỳ II đã theo hướng giảm tải.
Nhiều trường cho biết khoảng thời gian 4-5 tháng ở học kỳ II không đủ để vừa củng cố kiến thức, vừa hoàn thành chương trình. "Chúng tôi sẽ phụ đạo thêm cho học sinh các lớp 10, 11 trong hè và đang trong giai đoạn ôn tập nước rút cho học sinh khối 12 thi tốt nghiệp", hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở Tân Phú, TP HCM cho biết.
Ở các trường nội thành, kết quả khả quan hơn. Ở nhiều trường THCS, THPT tỷ lệ học sinh khá, giỏi năm nay gần 70% - tương đương với nhiều năm. Điều này được lý giải bởi hai nguyên nhân: trường có kế hoạch dạy online, phụ đạo kiến thức tốt; học sinh nội thành có điều kiện học online tốt hơn các em ngoại thành.
Phụ trách hai lớp 12, thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Văn, THPT Bình Hưng Hòa (TP HCM) cho biết, điểm kiểm tra cuối kỳ của học sinh lệch không đáng kể so với năm ngoái.
Áp lực thi tốt nghiệp THPT cuối năm khiến học sinh lớp 12 chăm chỉ, nỗ lực hơn. Đồng thời, giáo viên có phương pháp dạy học online tốt, kế hoạch bổ sung kiến thức phù hợp để các em nắm bắt kịp chương trình.
"Thầy cô dạy rèn cho học sinh tự học đúng cách, các em sẽ thành công vì nguồn học liệu online hiện rất phong phú, người học thoải mái lựa chọn những video chất lượng, giáo viên dạy giỏi", thầy Hoài đúc kết kinh nghiệm sau năm học.
> 149 trường được ưu tiên xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM
> Kiến nghị Nhà nước định giá sách giáo khoa
Theo VnExpress