Do tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nên việc học online đã trở thành phương thức học chính thức đối với mọi cấp học trên lãnh thổ nước ta. Tuy nhiên, do học online kéo dài nên trẻ thường tỏ ra mệt mỏi và lười nhác hơn. Vậy có cách nào thú vị giúp trẻ hứng thú hơn không?
1. Câu chuyện học online của các học sinh, sinh viên
Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, 22 triệu học sinh cả nước đã trải qua nhiều lần gián đoạn trong học tập và phải chuyển hình thức học tập trực tiếp tại trường sang học trực tuyến tại nhà.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày hôm nay, học sinh tại 25 tỉnh thành trên toàn quốc vẫn đang học online và chưa có kế hoạch quay lại trường.
Với học sinh các cấp tại Hà Nội, nếu đến giữa tháng 11 học sinh mới được tới trường thì đã là 3 tháng học sinh phải học trực tuyến từ cuối năm học cũ vắt sang năm học mới. Nếu cộng cả thời gian nghỉ chống dịch trước đó thì thời gian học sinh ở nhà học trực tuyến là hơn nửa năm.
Vẫn biết học trực tuyến là chủ trương đúng đắn, là giải pháp hữu hiệu nhất để duy trì việc học. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của hình thức học tập này lên trẻ không hề nhỏ, nếu kéo dài, sức khỏe tâm thần của các em sẽ bị ảnh hưởng lớn. Vậy, vấn đề đặt ra là cha mẹ và thầy cô có những giải pháp nào để hạn chế áp lực cho trẻ do học online kéo dài?
Phỏng vấn chuyên gia về phương pháp học thú vị giúp trẻ hứng thú với học online kéo dài
2. Bài phỏng vấn của phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống với chuyên gia tâm lý, ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền
PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý, ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền - 1 trong 15 thạc sĩ tâm lý lâm sàng đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng giữa ĐH Giáo Dục - ĐHQG Hà Nội và Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ về vấn đề này.
PV: Hiện nhiều phụ huynh lo lắng nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, con em mình có thể bị trầm cảm do phải học trực tuyến trong thời gian dài. Vậy, với kinh nghiệm làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, đặc biệt trị liệu tâm lý và tham vấn cho trẻ em có các rối loạn tâm thần hướng nội và hướng ngoại, theo chuyên gia, sức khỏe tâm thần của trẻ có bị ảnh hưởng nếu kéo dài việc học online?
ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền: Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích của việc học online trong thời đại ngày nay và đặc biệt là trong quãng thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên, việc học online kéo dài, thay thế hoàn toàn việc đến trường học truyền thống đã được chứng minh là có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của các em học sinh.
Những tác động đó có thể bao gồm sự thiếu đi những hoạt động giáo dục khác ở trường bên cạnh việc học kiến thức cùng với sự thiếu đi những tương tác thường xuyên giữa những bạn học với nhau khiến cho trẻ không có bạn bè để trò chuyện và mất cơ hội xây dựng tình bạn mới. Xây dựng tình bạn là một chức năng rất quan trọng đối với trẻ em vì điều này mang lại cho trẻ sự an toàn và lòng tự trọng, mang lại cho các em cảm giác thân thuộc.
Thêm nữa, hoạt động giáo dục thể thao và các lớp học ngoại khóa cũng đã dừng lại, các tiếp xúc bị hạn chế tối đa… Phần lớn, các bậc cha mẹ đều đi làm và đứa trẻ ở một mình trong nhà, không có cách nào để bọn trẻ có thể tiếp xúc với bất kỳ ai. Điều đó khiến cho trẻ cảm thấy hụt hẫng, mệt mỏi, cô đơn, tách biệt, căng thẳng kéo dài, cảm giác bất lực…
Nhiều trẻ cảm thấy nhàm chán với các lớp học trực tuyến. Do đó, có những học sinh không nghe thầy cô giảng bài, tắt mic, tắt camera và thực hiện các hoạt động khác với máy tính như sử dụng các trình duyệt khác có thể có nội dung không lành mạnh. Khi trẻ sử dụng nhiều mạng xã hội càng khiến trẻ có nguy cơ bị bắt nạt, quấy rối trên mạng hoặc bị hấp dẫn bởi game hay youtube, hay các nền tảng tương tác khác…
Ngoài ra, dành quá nhiều thời gian trên mạng khiến trẻ gia tăng mối bận tâm của mình với internet, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề cảm xúc và hành vi của trẻ. Trẻ dễ lo lắng, dễ bị bốc đồng hơn, dễ nổi cáu, lộn xộn trong giờ giấc sinh hoạt, phát triển thói quen ngủ thất thường…
PV: Nhiều học sinh đã và đang rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Vậy, nếu trẻ không được hỗ trợ kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả gì, thưa chuyên gia?
ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền: Những biểu hiện như đã đề cập ở trên nếu bị kéo dài, kèm với việc không được trợ giúp kịp thời có thể dẫn đến những rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn sau sang chấn, rối loạn hành vi và hành vi nghiện chất…
Tất cả những vấn đề này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng tâm lý cơ bản của cá nhân đó như: giảm hoặc không thực hiện được chức năng xây dựng, duy trì mối quan hệ liên cá nhân, chức năng hoạc tập và làm việc cũng như chức năng chăm sóc bản thân… điều này đồng nghĩa với việc cá nhân đó khó có năng lực thích ứng và đáp ứng được đối với các đòi hỏi của cuộc sống.
PV: Nếu tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp, phụ huynh và giáo viên phải làm gì để hỗ trợ trẻ tránh những cảm xúc tiêu cực khi học trực tuyến kéo dài?
ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền: Để giảm bớt những tác động không tốt của việc học online kéo dài đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, cha mẹ hãy dành thời gian nhất định và hiệu quả trong ngày để học cùng con và chơi cùng con (đối với trẻ nhỏ).
Đối với trẻ lớn hơn thì cha mẹ cần dành thời gian để tiến hành các hoạt động chung cùng với con như làm việc nhà, cùng nhau tập thể dục để tương tác và giao tiếp với trẻ. Gia tăng việc trao quyền với nhóm trẻ lớn hơn cũng là cách tốt để trẻ thấy được vai trò của mình trong gia đình. Khuyến khích trẻ tương tác online với bạn bè ngoài giờ học, sáng tạo các ý tưởng để trẻ có thể có các hoạt động chung như: cùng xem một trận bóng, một bộ phim, thi hát, kể chuyện cười, chơi các trò chơi vui vẻ…
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ giúp trẻ kết nối với bạn mà trẻ yêu quý hoặc kết nối với trẻ mới…
Cha mẹ có thể hỗ trợ con cái bằng cách tích cực lắng nghe, tạo ra những thói quen mới để tạo ra cảm giác có thể đoán trước được trong một thế giới không chắc chắn, nuôi dưỡng lòng tự trọng và tự chăm sóc bản thân bằng cách chơi, nói chuyện và ăn uống cùng con. Duy trì một chế độ sinh hoạt và học tập ổn định nhất giúp trẻ giảm sự lo lắng và những hành vi bất ổn. Khuyến khích hoạt động thể chất tối thiểu 30 phút mỗi ngày cho nhóm trẻ vị thành niên sẽ vô cùng hữu ích.
Với nhà trường và giáo viên cần tích hợp hoạt động dạy học cùng với các hoạt động giáo dục khác như cùng nhau hát to bài hát. Hoặc cùng nhau chơi trò chơi vào thời điểm giải lao giúp giờ học giảm áp lực và sự đơn điệu, thay đổi trạng thái cơ thể giúp trẻ cảm thấy nhiều năng lượng, hào hứng hơn với việc học….
Sử dụng nhiều công cụ dạy học (tool) nhất có thể trên các ứng dụng để đẩy mạnh tương tác giữa giáo viên với học trò. Trong điều kiện tốt, việc sử dụng công nghệ thực tế ảo cũng là một điều lý tưởng trong dạy và học. Giao nhiệm vụ tự học và nhiệm vụ nhóm cũng là một phương pháp tốt vừa đáp ứng yêu cầu học tập vừa tạo điều kiện để trẻ có cơ hội tương tác đồng trang lứa giữa các học sinh với nhau.
PV: Xin cảm ơn ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền!
> Dấu hiệu nào cho thấy trẻ có chỉ số IQ cao?
> Nuôi dưỡng sự sáng tạo của trẻ qua từng độ tuổi
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống