Chiều 26/5, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.
Hiện có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa (trong đó có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Theo Bộ Giáo dục, việc các nhà xuất bản kê khai giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân ở vùng khó khăn.
Điều này dẫn đến tình trạng đầu mỗi năm học, phụ huynh lại phản ứng về chi phí mua sách cho con. Năm nay, thông tin bộ sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cao gấp 2-3 lần so với giá sách hiện hành đã tạo tâm lý bất ổn cho nhiều người.
Kiến nghị Nhà nước định giá sách giáo khoa
Vì vậy, Bộ Giáo dục cho rằng Nhà nước cần có "giải pháp cấp bách để điều tiết giá" thông qua cơ chế đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá do Nhà nước định giá. Khi đó, Nhà nước quy định mức trần giá sách giáo khoa trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí tiêu chuẩn bộ sách và đơn giá hiện hành để đảm bảo các Nhà xuất bản vẫn bù đắp được chi phí, có lợi nhuận hợp lý và giá sách phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Đây không phải lần đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra kiến nghị này. Năm 2020, khi sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào giảng dạy, Bộ từng đưa ra đề xuất tương tự.
Thời điểm đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính, Chính phủ đã có tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa được chấp thuận do chưa có đánh giá tác động.
Hiện tại, khi sách giáo khoa chưa nằm trong danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, Bộ Giáo dục cho biết đã thực hiện một số biện pháp như đề nghị các nhà xuất bản tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá sách; phối hợp với các địa phương hỗ trợ cung cấp sách cho học sinh khó khăn, hỗ trợ thư viện trường học có đủ sách.
Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - doanh nghiệp Nhà nước do Bộ quản lý, Bộ yêu cầu nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối... để giảm chi phí phát hành. Theo Bộ Giáo dục, giá các bộ sách mới của đơn vị này những năm qua thường thấp hơn giá của các nhà xuất bản khác trên thị trường.
Thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn giải thích tình trạng sách giáo khoa mới có giá cao gấp 2-3 lần sách cũ. Theo ông, sách mới được biên soạn với khổ lớn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành đều do các doanh nghiệp đảm nhiệm, sau đó kê khai giá với Bộ Tài chính.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua năm 2018, bắt đầu áp dụng với lớp 1 từ năm 2020. Đi kèm với chương trình, sách giáo khoa mới cũng được thiết kế và đưa vào sử dụng. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", "khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông" theo nghị quyết 88 năm 2014 do Quốc hội ban hành. Việc độc quyền xuất bản sách giáo khoa bị phá vỡ.
> Hơn 66% thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 để cải thiện điểm
> Nhiều tỉnh, thành phố dự kiến tăng mạnh học phí
Theo VnExpress