Trong chương trình giáo dục sắp tới thì bộ sách giáo khoa mới chuẩn bị được đưa vào thực tế. Dẫu vậy, giá sách vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Vậy thì nhân tố nào tác động đến giá SGK mới?

Bộ GD-ĐT đã có công văn về đề nghị chỉ đạo điều chỉnh học phí đến các cơ sở giáo dục

Bộ GD-ĐT đã có công văn về đề nghị chỉ đạo điều chỉnh học phí đến các cơ sở giáo dục

Vì vấn đề dự kiến tăng học phí trong năm học mới, Bộ GD-ĐT đã có công văn để chỉ đạo về việc xác định mức học phí và lộ trình tăng học phí phù...

Nhà xuất bản cho biết, giá sách giáo khoa mới cao gấp 2-3 lần sách cũ, do chi phí tăng mạnh ở cả bốn khâu sản xuất; nhưng chuyên gia nói lý giải này không thỏa đáng.

Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông được Quốc hội thông qua năm 2014, trở thành một trong những cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa". Việc in ấn, phát hành và cung ứng sách ra thị trường từ nay có sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, thay vì chỉ có NXB Giáo dục như trước. Chủ trương mới này phá vỡ thế độc quyền sách giáo khoa, khiến người dân từng hy vọng giá sách sẽ giảm.

Tuy nhiên, năm học 2020-2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, giá sách không giảm mà cao hơn 3-4 lần. Năm nay, khi Nhà xuất bản Giáo dục công khai giá sách các lớp 3, 7, 10, sử dụng cho năm học 2022-2023, mức giá tiếp tục cao hơn các bộ sách cũ 2-3 lần.

Các yếu tố tác động đến sách giáo khoa mới - Ảnh 1

Các yếu tố tác động đến sách giáo khoa mới

Theo NXB Giáo dục Việt Nam, có 4 yếu tố chính cấu thành giá bán một bộ sách giáo khoa mới, gồm: Số lượng cuốn trong một bộ sách; Chi phí tổ chức bản thảo; Chi phí vật tư, công in và Chi phí marketing. Theo giải thích của Bộ Giáo dục và nhà xuất bản, giá sách mới cao hơn do chi phí tăng ở tất cả bốn yếu tố này, do các nguyên nhân khác nhau.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, số lượng cuốn trong các bộ sách mới nhiều hơn các bộ sách cũ. Ví dụ, bộ lớp 10 cũ có 13 đầu sách, tổng cộng 14 cuốn; trong khi bộ mới gồm 15 đầu sách, 30 cuốn (bộ Kết nối tri thức). Tương tự, bộ lớp 3 cũ có 6 cuốn; trong khi bộ mới nhiều gấp đôi - 12 cuốn.

Sự tăng mạnh về số lượng cuốn sách là nguyên nhân đầu tiên khiến giá các bộ sách tăng cao. Thay vì chỉ mất 164.000 đồng để mua một bộ lớp 10 cũ, bây giờ, phụ huynh sẽ phải chi 246.000 đến 301.000 đồng, tùy tổ hợp môn học lựa chọn. Sách lớp 3 mới có giá từ 177.000 đến 183.000 đồng thay vì 58.000 như cũ.

Nguyên nhân tăng số lượng cuốn sách, được Bộ Giáo dục giải thích, là để đáp ứng thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chi phí tổ chức bản thảo, gồm nhiều thành phần như nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm. Với sách giáo khoa cũ, khoản này được chi trả bằng ngân sách nhà nước. Trong khi việc tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa mới được thực hiện bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư.

"Chi phí tổ chức bản thảo sách giáo khoa cũ chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo sách giáo khoa mới", NXB Giáo dục khẳng định.

Do có nhiều bộ sách cùng được xuất bản nên số lượng phát hành mỗi đầu sách giảm đi so với khi chỉ có một bộ. Chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản sách vì thế cao hơn trước.

Với chi phí vật tư, công in, sách mới được in nhiều màu với khổ lớn hơn trước (19x26,5 cm), dẫn đến giá thành tăng.

Cuối cùng là chi phí marketing, yếu tố mà các bộ sách cũ không cần bởi chỉ có một bộ độc quyền và tất cả học sinh đều dùng bộ đó. Các nhà xuất bản cho biết, khi nhiều đơn vị cùng tham gia phát hành, môi trường cạnh tranh hơn kéo theo chi phí đội lên cho các hoạt động triển khai như giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông...

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), khi thực hiện chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, chi phí tăng trước hết vì không được ngân sách hỗ trợ. Sách được làm đẹp, khổ lớn để dễ cạnh tranh. Khâu phát hành phải tính đến lợi nhuận, hoa hồng cho các bên.

"Do đó, lý giải về việc tăng giá của Bộ Giáo dục là không sai, nhưng không đúng hoàn toàn. Và xét cho cùng, lý giải này không phù hợp với chủ trương của Nhà nước về giáo dục. Bởi giáo dục được xác định là quốc sách, bậc phổ thông phải được ưu tiên, hỗ trợ", ông Long đánh giá.

Theo ông Long, lẽ ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các NXB phải tính toán để kéo giảm chi phí, nhằm có giá bán thấp nhất có thể.

Một cán bộ biên tập tại một nhà xuất bản ở phía Nam cho rằng, giải thích của Bộ Giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều điểm chưa thỏa đáng. Theo nguyên tắc thị trường, càng nhiều đơn vị tham gia làm sách, tính cạnh tranh cao thì giá thành phải giảm chứ không thể tăng. Sách giáo khoa cũng nên sử dụng loại giấy hợp lý, vừa phải để tiết kiệm chi phí, không cần "khổ to, giấy đẹp".

Cũng theo vị này, với các đợt tái bản, sách giáo khoa phải được tính toán lại để giảm giá bán vì khi đó, nhà xuất bản không tốn chi phí biên soạn, marketing. Tuy nhiên, các bộ lớp 1, 2, 6, được sử dụng những năm trước, hiện vẫn chưa giảm giá.

Năm học 2022-2023 còn khoảng ba tháng nữa sẽ bắt đầu, các tỉnh thành đang công bố danh mục sách giáo khoa được sử dụng tại địa phương. Nhiều chuyên gia, nhà giáo đề xuất các biện pháp giảm giá sách giáo khoa và gánh nặng mua sách cho phụ huynh.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần đưa sách giáo khoa vào mặt hàng định giá. Việc này trên thực tế rất khó nhưng không thể không làm. Khi định giá, chi phí từng khâu làm sách cần được làm rõ, chủ yếu ở ba công đoạn: biên soạn, in ấn và phát hành. Từ đó, thông tin về giá sách sẽ minh bạch hơn.

Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng yêu cầu các nhà xuất bản rà soát toàn bộ quy trình biên soạn, in ấn, phát hành để tiết giảm chi phí, giảm giá sách giáo khoa. Sau các lần chỉ đạo, giá sách cũng đã được giảm 3-9% so với giá kê khai ban đầu.

Ông Long cũng cho rằng, Bộ Giáo dục cần đề xuất cơ chế để ngân sách nhà nước hỗ trợ cho khâu biên soạn sách của các nhà sách. Từ đó, chi phí làm sách giảm, giá sách có thể hạ đến mức thấp nhất.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du nêu giải pháp số hóa sách giáo khoa, tạo nguồn học liệu online. Theo đó, ngành giáo dục cần tạo hệ thống sách giáo khoa bản điện tử, làm cơ sở dữ liệu chung để học sinh, giáo viên sử dụng.

Ngoài ra, mỗi trường xây dựng đề cương, giáo trình trên tinh thần khung chương trình. Tài liệu này phát cho học sinh hoặc đưa lên hệ thống học online, giúp các em dễ dàng tiếp cận. Việc này hạn chế tối đa việc mua sách giáo khoa không cần thiết.

> Sinh viên nghèo có thể tiếp cận nhiều chính sách miễn giảm học phí khi học phí tăng mạnh

Nhiều tỉnh, thành phố dự kiến tăng mạnh học phí

Theo VnExpress