Theo phương án Bộ Tài chính đề xuất, nhà xuất bản được quyền quyết định giá của sách giáo khoa mới trong năm học 2022 - 2023 nhưng không vượt quá mức giá trần do nhà nước quy định.
Dự thảo Luật giá sửa đổi đang được Bộ Tài chính xây dựng và trong quá trình lấy ý kiến. Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Bộ Tài chính đề xuất loại bớt 13 hàng hoá, dịch vụ và bổ sung thêm 4 mặt hàng.
Theo đó, sách giáo khoa là một trong 4 mặt hàng dự kiến được nhà nước định giá, bên cạnh dịch vụ đường cao tốc do nhà nước đầu tư (giao đơn vị khai thác), hàng hóa, dịch vụ quốc phòng an ninh và dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên.
Dự kiến áp giá trần với sách giáo khoa
Theo ý kiến của Bộ Tài chính, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Trước đó, mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục do nhà nước định giá và Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV cũng đã thống nhất chủ trương.
Tuy nhiên, với phương án nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể dựa trên mức trần do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, một số đại biểu quốc hội đặt ra vấn đề "quy định cứng sẽ khiến mỗi lần thay đổi sẽ rất phức tạp". Bên cạnh đó, danh mục về giá ban hành kèm theo luật hiện chỉ do Quốc hội quyết định, trên thực tế sẽ gặp rất nhiều bất cập nếu có những thay đổi trong thực tế.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, giá sách giáo khoa vào cuối tháng 8 tăng hơn 1%, bút viết các loại tăng 1,4%, giá vở, giấy viết các loại tăng hơn 1% so với tháng trước.
Bộ Tài chính phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà xuất bản tiết kiệm chi phí sách giáo khoa như phí quản lý, quảng bá, lợi nhuận. Đến nay, các đơn vị đã kê khai giảm giá sách giáo khoa 5-15% tuỳ từng cuốn sách, trong năm học 2022 – 2023.
> Học sinh cả nước tham gia khai giảng năm học mới
> 10 trường ở Nghệ An chưa tổ chức lễ khai giảng do mưa lũ
Theo VnExpress