TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC

Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ diễn ra từ 7g-17g ngày 27-1 tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM (268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM).

tu van mua thi, huong nghiep, tu van tuyen sinh, tuyen sinh, chon nganh, tu van chon nganh, tu van chon truong, cach chon truong, cach chon nganh, tuoi tre
Thầy trò Trường THPT Gò Vấp mong đợi Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 sẽ giải đáp những băn khoăn về ngành nghề.

Trưa 23-1, hai bạn Bảo Ngọc, Bích Linh (học sinh lớp 12 Trường THPT Gò Vấp, TP.HCM) ở lại trường chuẩn bị giờ học buổi chiều. Phía trên chiếc ghế đá hai bạn ngồi ở sân trường là những thông tin về ngày hội do chính cựu học sinh của trường (đang là sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) mang về giới thiệu cho “đàn em”.

Tìm hiểu môi trường ĐH trong mùa tuyển sinh 2013

Bảo Ngọc tâm sự: “Vẫn chưa biết thi ngành gì hết” khi được hỏi về lựa chọn ngành nghề. Ngọc kể: “Học lực của mình chỉ đạt trung bình khá. Mình thích học những ngành năng động, tiếp xúc nhiều người và va chạm nhiều với thực tế cuộc sống. Ba mẹ nói mình thi sư phạm để sau này dễ tìm việc nhưng mình chưa biết sao. Chủ nhật này mình có lịch học thêm nhưng sẽ xin nghỉ một buổi để tham quan Trường ĐH Bách khoa, gặp gỡ các thầy cô hỏi xem với học lực, tính cách của mình như vậy thì nên thi vào ngành nào, trường nào phù hợp nhất”.

Tương tự, bạn Bích Linh cũng mong muốn được tìm hiểu về nhóm ngành kinh tế. Linh dự định thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCMTrường ĐH Sài Gòn. “Mình mong sẽ được gặp trực tiếp các thầy cô để hỏi xem với học lực trung bình khá thì nên chọn ngành kế toán ở trường nào. Mình thích làm việc với những con số thì phù hợp với ngành nào nữa?” - Linh nói.

Trong khi đó, cô học trò Ngô Thị Minh Ngọc (Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại mong muốn được tìm hiểu môi trường học tập ở ĐH, việc thực tập, thực hành của sinh viên. Minh Ngọc tâm sự: “Mình đi dự cùng nhóm bạn trong lớp. Hiện nhiều bạn nhóm mình hoang mang khi nghe thông tin ngành kinh tế giảm chỉ tiêu nên nhiều người chuyển qua ngành marketing. Rồi cả thông tin Bộ GD-ĐT không cho liên thông, mấy bạn học yếu định học CĐ rồi liên thông lên ĐH cũng chưa biết tính sao. Tụi mình đến để mong giải đáp những thắc mắc này”.

Hướng nghiệp từ lớp 9

Tại ngày hội năm nay, ngoài những học sinh THPT còn có học sinh các trường THCS đến dự để tìm hiểu trực quan sinh động về những ngành nghề trong xã hội. Thầy Trịnh Xuân Lộc, tổng phụ trách Đội Trường THCS Kim Đồng, Q.5 (TP.HCM), cho biết nhóm học sinh lớp 9 của trường đến ngày hội năm nay với nhiệm vụ thú vị: các em sẽ chụp ảnh, quay phim, ghi nhận thông tin, tài liệu... về việc chọn ngành nghề. Sau ngày hội, các em sẽ làm một “triển lãm” nhỏ tại trường để phổ biến lại những điều ghi nhận được.

“Thực tế, nhiều học sinh đã có ước mơ nghề nghiệp rõ ràng từ năm lớp 6, lớp 7 nhưng cũng có nhiều em đến lớp 9 vẫn chưa hình dung được gì về nghề nghiệp tương lai. Đây là một trong những hoạt động hướng các em đến thông tin nghề nghiệp. Nhà trường vừa đưa các em tham quan Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ như một hoạt động thực tế ở đơn vị sản xuất. Không chỉ ngày hội lần này, trường đã liên hệ với Trường ĐH Bách khoa, sau ngày hội trường sẽ tiếp tục đưa các em tham quan các phòng thí nghiệm, nhà xưởng thực hành... ở trường” - thầy Lộc cho biết thêm.

Từ huyện Củ Chi (TP.HCM), 20 học sinh là cán sự khối lớp 9 Trường THCS Tân Thông Hội đang náo nức chờ đến chủ nhật để được đến Trường ĐH Bách khoa dự hội tuyển sinh, hướng nghiệp. Cùng đi với các em có bốn thầy cô phụ trách hướng nghiệp của trường. Ở huyện xa, chuyến đi của thầy trò trường này sẽ khởi hành lúc 6g30 để kịp giờ khai mạc.

Ông Phạm Quang Vinh, giám đốc Trung tâm kỹ thuật thực hành hướng nghiệp Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết trung tâm đào tạo cho 1.600 học sinh THCS đang học tại trung tâm. “Do khó khăn trong tham quan thực tế nên trung tâm đã thông báo cho học sinh tham gia như một cách để các em tham quan trường ĐH, gặp gỡ giáo viên để định hướng rõ hơn ngành nghề” - ông Vinh cho biết. Nhiều trường THCS ở huyện Củ Chi, Q.5, Q.10... cũng đang sẵn sàng chờ đến chủ nhật để được dự ngày hội nghề nghiệp ở Trường ĐH Bách khoa.

“Chương trình đi vào chiều sâu”

* Tôi nhận thấy chương trình của Tuổi Trẻ thật sự đi vào chiều sâu chứ không mang tính phong trào. Điều này thể hiện ở chỗ mỗi năm lại có thêm một số cải tiến, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh được tư vấn và tư vấn có hiệu quả, sát với từng đối tượng. Đặc biệt, tôi rất có cảm tình với đội ngũ sinh viên tình nguyện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhờ các bạn mà học sinh thu nhận thông tin một cách bài bản hơn, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, việc trưng bày và cho vận hành một số mô hình máy móc, thiết bị của Trường ĐH Bách khoa cũng rất ấn tượng và thu hút học sinh.

Thầy Đặng Hữu Hoàng (giáo viên phụ trách hướng nghiệp Trường THPT Trần Hữu Trang, TP.HCM)

* Có cơ hội tiếp xúc với nhiều trường tại các gian hàng, lại được các chuyên gia tư vấn trực tiếp về việc chọn ngành, nghề, học sinh rất thích thú. Những thông tin mà thầy trò trường chúng tôi thu lượm được từ ngày hội mang ý nghĩa là những thông tin ban đầu. Sau đó, khi về trường ban hướng nghiệp sẽ làm tiếp bước thứ hai đối với từng học sinh sao cho phù hợp với năng lực, sở thích của từng em. Năm nay, ngoài học sinh lớp 12, trường còn trao đổi với phụ huynh để một số học sinh lớp 10, 11 cũng được đi dự ngày hội, nhằm định hướng trước cho các em về ngành nghề.

Thầy Lê Minh Hùng (phó hiệu trưởng Trường THPT Củ Chi, TP.HCM)

 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: Báo Tuổi Trẻ