Có lẽ bạn đã biết, làm việc trong bất kỳ môi trường nào cũng chứa nhiều điều rủi ro và tiềm tàng nguy cơ nếu bạn không hiểu rõ. Cùng Kênh tuyển sinh tìm hiểu về 10 lý do khiến sự nghiệp của bạn "nổ" lúc nào không hay nhé!
1. Thói quen kéo dài dealine
Hoàn thành công việc đúng hạn là nguyên tắc cơ bản của mỗi người đi làm. Việc trễ deadline luôn là điều mà cấp trên của bạn không muốn thấy ở nhân viên của mình; trễ 1, 2 lần có thể “du di” cho qua, nhưng nếu để “trễ deadline” trở thành một thói quen; bạn vừa thể hiện mình là người vô kỷ luật, vừa thiếu tôn trọng người khác.
Deadline được đặt ra để đảm bảo tiến độ công việc, việc bạn hoàn thành đúng deadline của bản thân hay không đôi khi cũng sẽ ảnh hưởng đến công việc, thậm chí sự nghiệp của bạn. Deadline luôn được cân nhắc về khối lượng công việc, độ co giãn thời gian trước khi đề ra; vì vậy thực chất việc tuân thủ deadline không khó đến vậy. Nhiều nhân viên hay đổ lỗi cho sự gấp gáp, hay thời gian không hợp lý; tuy nhiên, là người thực thi công việc, bạn hoàn toàn có thể đề xuất thay đổi deadline nếu thấy không hợp lý.
TOP 10 lý do khiến sự nghiệp của bạn “nổ” lúc nào không hay
2. Làm việc bị động ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của bạn
Bạn đã bao giờ ngồi chờ người khác giao việc rồi mới làm chưa? Nếu câu trả lời là có, bạn nên dần dần từ bỏ thói quen này và học cách chủ động hơn trong công việc. Bạn có thể đề nghị cấp trên giao thêm việc cho mình; hoặc chủ động tìm hiểu, trau dồi cho bản thân nếu có thời gian rảnh nơi công sở.
Rà soát lại công việc đã hoàn thành cũng là một ý hay, biết đâu lại có thêm những ý tưởng mới. Khi tiến hành làm việc, bạn không chỉ cần cố gắng làm tốt; mà nên rà soát nhiều lần, cũng như thảo luận, góp ý cùng đồng nghiệp để đưa ra được kết quả tốt nhất. Trong công việc, mỗi người đều phải hiểu rõ vị trí của mình ở đâu trong cả tiến trình; nắm được tiến độ làm việc của cả nhóm, chủ động truyền và nhận “bóng”.
3. Gặp khó khăn không nhờ ai giúp đỡ
Những ứng viên mới đi làm rất hay gặp phải tình huống này; dù không biết nhưng cứ im ỉm tự dự đoán làm “mò”. Không biết phải hỏi, muốn giỏi phải học; đây là điều mà chúng ta luôn được răn dạy khi còn nhỏ. Ngay cả đi học hay đi làm, đừng ngại hỏi và cũng đừng giấu dốt. Ai cũng có những lần đầu tiên, ai cũng có những điều chưa biết, nếu “ngại” người bị ảnh hướng nhiều nhất chỉ có bạn.
Làm sai rồi cũng phải sửa, mà kể cả làm đúng thì vẫn phải sửa cho công việc chỉn chu hơn. Đừng tự đày đọa bản thân chỉ vì điều này; vừa làm mất thời gian, vừa khiến bạn dần tụt lùi so với những đồng nghiệp khác.
4. Cắm đầu cắm cổ làm mà không phân tích, sắp xếp trước
Khi nhận việc, đừng bắt tay vào làm ngay, trước hết bạn cần phân tích mình phải làm gì; mình sẽ làm như thế nào và có những phương án nào để hoàn thành công việc. Từ đó, sắp xếp và lên kế hoạch công việc một cách hợp lý, tiết kiệm thời gian cũng như mang lại hiệu quả cao nhất.
Vùi đầu làm ngay mà không biết sắp xếp, mất rất nhiều thời gian rồi mới nhận ra mình làm sai. Điều này khiến chính bạn đôi khi không còn thời gian để thay đổi; và nhận lại kết quả công việc không như mong muốn gây ảnh hưởng đến tiến độ chung công việc.
5. Đủ mọi lý do xin nghỉ, lý do tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng không ngờ đến sự nghiệp
Có những nhân viên đi làm và xin nghỉ với lý do không thể khó chấp nhận hơn “Hôm nay là sinh nhật em, em xin nghỉ ạ”. Khi đi làm, mỗi người đều được phân công thực hiện một công việc, tác vụ khác nhau. Nếu bạn xin nghỉ, đồng nghĩa với việc của bạn hoặc sẽ được đẩy cho người khác; hoặc sẽ dồn lại chờ bạn đi làm để giải quyết. Dù rơi vào trường hợp nào thì cuối cùng kết quả công việc vẫn là điều bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đồng nghiệp không thể làm quen và làm tốt công việc bạn vẫn làm; công việc cũng không thể chờ đợi bạn hay luôn bị ngắt quãng vì những lần xin nghỉ. Hãy cố gắng xin nghỉ càng ít càng tốt và luôn vì những lý do chính đáng.
6. Chờ đợi bị động, tốc độ làm việc chậm chạp
Đúng ra, chúng ta nên làm việc theo trình tự thế này: cố gắng hoàn thành công việc càng sớm càng tốt, xong việc rồi tìm một đồng nghiệp liên quan để thảo luận, góp ý, bàn giao. Nhưng một số người lại không hiểu được điều này.
Họ làm xong việc thì bỏ đấy, chẳng buồn thảo luận hay báo cáo gì. Mỗi người đều phải hiểu rõ vị trí của mình ở đâu trong cả tiến trình, nắm được tiến độ làm việc của cả nhóm, chủ động truyền và nhận “bóng”. Không nên kéo dài thời gian, giúp cho từng giai đoạn của kế hoạch có thể hoàn thành thuận lợi theo đúng dự tính. Vậy mới có thể hoàn thành công việc theo như mục tiêu đã đề ra.
7. Chưa làm xong việc đã ung dung bỏ về
Trong công ty, mỗi một hạng mục công việc đều được phân chia và sắp xếp chặt chẽ, yêu cầu tiến độ nghiêm ngặt. Cho nên chỉ cần có ai đó xin nghỉ hoặc rời bỏ vị trí mà không nói rõ ràng, thì công việc sẽ bị tồn đọng.
Khi có ai khác phải đứng ra thay bạn đảm nhận phần việc đó, rất có khả năng họ sẽ chỉ làm qua quýt cho xong, vì họ cũng bận chẳng kém, và đấy dù sao cũng chẳng phải việc của họ. Hay thậm chí người thay thế có lòng muốn làm tốt, thì cũng chưa chắc họ đã quen việc được như bạn. Cuối cùng công việc sẽ không được hoàn thành với chất lượng tốt nhất.
Con người ta làm gì cũng phải làm cho tới nơi tới chốn. Việc đã giao cho bạn thì bạn phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm với nó từ đầu đến cuối, chứ không phải bắt đầu thì hồ hởi, làm được lưng chừng lại tùy hứng bỏ đi.
8. Mượn công việc để đi giải quyết việc riêng
Trong mấy năm làm việc của tôi, có ít nhất ba lần nhận được thông báo từ bên thứ ba rằng đồng nghiệp của mình không đến thăm hỏi khách hàng theo kế hoạch, mà lại đi xem phim, đi tụ họp bạn bè…
Thế mà khi tôi hỏi về phản ứng của khách hàng, anh ta lại có thể nói vanh vách như thật. Nếu thật sự cần thời gian để giải quyết việc riêng, cứ nói rõ, việc gì phải giấu giấu diếm diếm như thế?
9. Làm việc qua loa, không vận dụng kĩ năng chuyên nghiệp
Khi làm xong một việc gì đó, tôi thường kiểm tra lại rất nhiều lần, viết một bài luận cũng phải xem lại vài lượt mới yên tâm. Làm như thế, tôi sẽ có thể tìm ra những điểm chưa hợp lý và tìm ra cách sửa chúng để sản phẩm của mình hoàn hảo hơn.
Nhưng mấy năm gần đây khi làm việc cùng những đồng nghiệp trẻ tuổi, tôi thường xuyên bắt gặp tình trạng báo cáo sơ sài, qua loa. Tôi hỏi rốt cuộc các bạn có vận dụng kiến thức đã học để làm việc không, thì nhận được những câu trả lời rất mơ hồ.
Bạn học kiến thức chuyên ngành để làm gì nếu không vận dụng nó vào công việc. Làm việc thì cần nghiêm túc, không thể dùng trực giác hay bản năng để giải quyết cho xong được.
10. Làm việc không rõ ràng, gặp chuyện liền lập tức thoái thác trách nhiệm
Có một số người, rõ ràng là chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề, lại cứ đổ cho công ty không tạo điều kiện. Tôi rất muốn hỏi mấy người đó, có thật là công ty không tạo điều kiện cho họ không, hay là chính họ làm việc còn chưa đâu ra đâu cả?
Chẳng công ty nào không muốn tạo điều kiện cho nhân viên, nhưng họ luôn mong rằng, cùng với những điều kiện thuận lợi họ cung cấp, nhân viên có thể cho họ thấy sự nỗ lực và hiệu quả công việc. Khi làm việc, hãy làm cho ra hồn trước, rồi hãy bàn đến chuyện nên có cái này cái kia thì sẽ tốt hơn.
> Newbie ra mắt thế nào cho thành công trong tuần làm việc đầu tiên?
> Nhà tuyển dụng dùng những cách nào để phỏng vấn về điểm yếu của ứng viên?
Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp