Nhiều người lầm tưởng rằng “cứ làm HR là sướng”. Thế nhưng có thật là nghề này sung sướng, chỉ việc “thét ra lửa” là xong? Sau đây sẽ là những hiểu lầm về nghề Nhân sự khiến bạn bất ngờ.
Thực chất, công việc của HR không hề nhàn hạ như nhiều người vẫn nghĩ
1. Làm HR rất có uy quyền
Nhiều người sẽ nghĩ rằng cứ làm trong bộ phận Nhân sự thì rất “oách xà lách”. Họ sẽ là những người đại diện cho công ty để tuyển chọn, phỏng vấn và đặc biệt là chính họ sẽ quyết định mức lương bạn nhận được là bao nhiêu, các phúc lợi của bạn ra sao. Hoặc được biết trước một số những thông tin mật của doanh nghiệp như: kế hoạch phát triển - sản xuất kinh doanh, danh sách nhân viên được đề bạt hoặc bị liệt vào “sổ đen”, những vấn đề về lương bổng, kế hoạch tuyển dụng hay sa thải nhân viên,....
Thế nhưng, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, làm HR buộc bạn phải chịu được áp lực “trên đe dưới búa”. Bộ phận Nhân sự sẽ là bộ phận giữ vai trò liên kết giữa người lao động và doanh nghiệp. Họ sẽ thay mặt cấp quản lý đưa ra các nhiệm vụ và yêu cầu cho người lao động. Đồng thời, HR cũng thay người lao động đòi hỏi những quyền lợi, mong muốn với cấp quản lý. Điều này cho thấy HR cũng không “oai” như tưởng tượng của nhiều người vì chính họ phải làm việc trực tiếp với 2 tầng áp lực. Vừa phải ưu tiên cho đòi hỏi của doanh nghiệp vừa phải tranh thủ cho quyền lợi của người lao động.
2. Công việc của HR rất nhàn hạ
Thực chất, công việc của HR không hề nhàn hạ như nhiều người vẫn nghĩ. Họ đảm nhận rất nhiều vai trò, trách nhiệm cũng như áp lực mà không phải bất kỳ ai thay thế cũng được. Có thể bạn chỉ thấy họ ngồi lật xem CV với tốc độ 3s/tờ. Những thực chất, họ phải được đào tạo rất bài bản để có những kỹ năng và kiến thức thuần thục để lựa chọn được chiếc CV sáng giá nhất cũng như loại bỏ được những thứ gây mất thời gian. Chưa kể đến từ trước đó, họ đã phải xây dựng một chiến lược “rải job” làm sao để thu hút được người nhân tài phù hợp với vị trí cần tuyển; hay gặp cảnh sầu não vì đăng tin tuyển mãi mà chẳng có chiếc CV nào được gửi đến hòm thư; đôi khi có tình huống ngược lại là nhận đến hàng trăm, hàng nghìn hồ sơ một ngày và không thể đọc hết,...
Không chỉ lo riêng phần đầu vào, người Nhân sự sẽ cần đảm nhận toàn bộ quá trình ứng viên nhậm chức tại công ty. Họ sẽ đặt ra những quy định, luật lệ nội bộ mà mọi người bắt buộc phải tuân thủ. Bộ phận HR cũng có chức năng đi tìm hiểu nhu cầu và phẩm chất của người lao động để đề xuất những chính sách phù hợp, đào tạo thêm cho nhân viên hoặc điều phối lại vị trí, công việc. Khi có nhân viên mới vào, nhân viên tuyển dụng còn phải bố trí trước chỗ ngồi và sắp đặt chu đáo những dụng cụ cần thiết cho người mới; giới thiệu về cơ cấu các phòng ban, quy định, quy trình nội bộ, phong cách làm việc, giúp người mới làm quen với các nhân viên cũ…
Chưa kể đến nếu công ty muốn tổ chức những kỳ team building, nghỉ dưỡng cho nhân viên, thì bộ phận Nhân sự cũng đau đầu không kém. Phải tìm kiếm và lựa chọn dịch vụ cho nhân viên, xử lý những vấn đề phát sinh, thanh toán và báo cáo lại cho cấp trên những khaonr chi. Rõ ràng là khối lượng công việc rất nhiều chứ không hề “nhàn” như nhiều người vẫn nghĩ.
3. Người làm HR chỉ có “hét ra lửa”
“Làm HR chắc là dữ dằn lắm”, “Mấy người làm Nhân sự thì chi li tính toán thôi rồi luôn”,.... Là suy nghĩ của nhiều người khi nói về HR. Thế nhưng đây không phải đánh giá đúng đắn. Thực chất, người làm HR là những người biết tiến biết lùi, có thái độ mềm mỏng để xử lý các tình huống căng thẳng, đồng cảm và chia sẻ với nhân viên những khó khăn trong những mối quan hệ công sở.
Việc liên tục làm việc với nhiều tầng áp lực đôi khi khiến họ dồn nén rồi bộc phát và điều này phần nào khiến nhiều người hiểu lầm rằng HR là những người hung dữ, ghê gớm.
> Cân bằng trong cuộc sống và công việc thì liệu có phải là tiêu chuẩn thành công?
> Phương pháp tạo cảm hứng khi làm việc quá lâu năm tại một công ty
Thanh Phương - Kênh Tuyển Sinh