Chẳng ai mong muốn sẽ phải làm việc với một vị lãnh đạo khó tính. Thế nhưng liệu bạn có biết rằng những vị sếp khắt khe đóng một vai trò rất quan trọng trong việc học hỏi để phát triển sự nghiệp của bạn về sau này?
Cùng Kênh Tuyển Sinh tìm hiểu về những bài học bạn sẽ học được từ những người sếp khó tính nhé!
1. Rèn luyện khả năng chịu áp lực
Còn gì tuyệt hơn khi được làm việc với một vị sếp dễ tính, dễ chịu. Bạn sẽ trải qua những ngày làm việc bình an, vui vẻ và thoải mái, không phải lo sợ hay áp lực quá lớn. Rời công sở về nhà không còn phải bị ám ảnh bởi hình ảnh một vị sếp khó ưa.
Nhưng nếu chẳng may cấp trên là một vị sếp khó tính, luôn giám sát gắt gao và để ý đến từng chi tiết hoặc sẵn sàng ném vào bạn mớ công việc khó nhằn lại còn đòi hỏi cao thì cũng đừng quá nản lòng. Đây là cơ hội để được rèn luyện. Thay vì phàn nàn, hãy tìm cách giải quyết thỏa đáng. Lâu dần, đây sẽ trở thành thói quen và giúp bạn nâng cao khả năng chịu áp lực công việc. Nếu chuyển sang môi trường khác, bạn cũng sẽ tự tin làm việc mà không sợ đuối trước tình huống khó xử lý.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ thường ngại sếp khó bởi điều đó tạo bầu không khí căng thẳng nơi làm việc. Thế nên chủ đề “Chọn môi trường làm việc thoải mái hay học được nhiều điều hay?” luôn là đề tài tranh cãi nảy lửa bởi nhiều người. Chấp nhận môi trường khắc nghiệt cũng là tự tạo điều kiện rèn luyện bản thân mình. Khi đối mặt với tình huống khó xử, bạn không phải trưng bộ mặt “nai vàng ngơ ngác” vì đã có kinh nghiệm thực tiễn trước đó. Thế nên, tôi khuyên các bạn đừng sợ sếp khó tính. Hơn hết, hãy xem mình học được gì từ môi trường làm việc này.
Nếu chẳng may cấp trên là một vị sếp khó tính thì cũng đừng quá nản lòng vì đây là cơ hội cho bạn để được rèn luyện
2. Bạn sẽ thôi bớt những “mộng mơ”
Thông thường, một số người còn mang tính mơ hồ, thiếu thực tế và không xác định được mục tiêu cụ thể, đặc biệt với những người trẻ mới đi làm. Một vị sếp khó tính sẽ dạy cho họ cách trưởng thành theo thời gian, những bài học giá trị về lao động, về mục đích và cả sự đánh đổi, sự gian nan để sống sót khi đã đi làm. Cái giá của thành công vốn không dễ dàng có được. Chính vì vậy, ngừng than trách sếp và hãy tận dụng cơ hội này để thay đổi chính cách nhìn cuộc sống, giúp bạn thực tế, thấu cảm được giá trị của đồng tiền, của sức lao động và tìm cách làm cho sự nghiệp của mình tốt hơn. Bạn sẽ thấy biết ơn vị sếp khó tính của mình hơn.
3. Tăng cao những kỹ năng
Làm việc với sếp khó tính bạn chắc chắn đừng mong đến việc được dắt đi từng bước. Nếu không muốn nghe lời khó chịu từ cấp trên, tốt nhất bạn phải tìm cách học hỏi và giải quyết vấn đề. Để làm được điều đó, bạn buộc phải tự nâng cao kỹ năng liên quan đến công việc của mình bao gồm: kỹ năng vi tính, ngoại ngữ, khả năng ứng xử,… Hoàn cảnh sẽ dần thúc đẩy hình thành tính cách của một người. Từ đó, năng lực của bạn sẽ được tiến bộ rõ rệt. Rõ ràng một người thầy nghiêm khắc sẽ đào tạo được nhân tài.
Nếu bạn thích cuộc sống an nhàn, bạn không quan tâm đến sự phát triển của sự nghiệp; hãy chọn cách rời đi. Ngược lại, bạn muốn tiến bộ và trở thành nhân viên giỏi; đừng ngại tầm sư khó tính để bản thân tiến bộ nhanh hơn. Mọi thành quả đạt được đều có cái giá của nó. Chính sự gian khổ và chịu khó hôm nay sẽ giúp bạn thu được trái ngọt mai sau.
Nếu không muốn nghe lời khó chịu từ cấp trên, tốt nhất bạn phải tìm cách học hỏi và giải quyết vấn đề
4. Nâng cao kỹ năng đội nhóm
Vì bạn không cảm thấy an toàn khi hỏi sếp về một vấn đề gì đó hoặc nhờ giúp đỡ, bạn sẽ họic cách giải quyết vấn đề. Bạn sẽ trở thành một người chủ động, tự tìm ra cách đóng góp cho công ty ngoài trách nhiệm chính của mình. Bạn đánh giá vấn đề, khó khăn và đưa ra các giải pháp sáng tạo. Bạn tập trung năng lượng để hợp tác chặt chẽ hơn với đồng nghiệp bằng cách đưa ra ý tưởng và nhận ý kiến phản hồi từ họ.
Ngoài ra, bạn cũng học hỏi và phát triển rất nhiều sự kiên nhẫn khi xử lý các tình huống khó khăn với một vị sếp khó tính. Kiên nhẫn là một đức tính không dễ dàng với mọi người và một khi bạn phát triển nó, bạn sẽ tiến một bước dài với đặc điểm này.
5. Biết cách tự lực
Những bước đi chập chững đầu đời luôn vấp phải khó khăn. Những đứa trẻ vấp ngã tự biết đứng lên luôn biết đi nhanh hơn những đứa trẻ khác. Tương tự như vậy, cấp trên khó tính sẽ giúp bạn rèn luyện tính tự lập. Thay vì chờ đợi, trông chờ vào sự giúp đỡ của ai đó; bạn tự biết cách phân tích khó khăn và giải quyết chúng.
Trên thực tế, môi trường làm việc được biết đến như một “sàn đấu” với đầy hình thức cạnh tranh khác nhau. Đồng nghiệp bên cạnh cũng có thể là đối thủ cạnh tranh với bạn. Vì thế, chẳng có tình bạn bền vững mãi mãi ở môi trường này. Hãy học cách tự lực và bước đi trên chính bàn chân của mình.
6. Nâng cao khả năng giao tiếp
Sếp càng khó tính, chúng ta cần phải cẩn trọng từng lời nói và hành động. Nhiều người có thể cảm thấy gò bó và ngộp thở khi làm việc cùng cấp trên khó chiều như vậy. Nhưng sự thật cho thấy, chính sự gò bó đó giúp bạn rèn luyện tinh thần kỷ luật và cẩn ngôn trong từng lời nói. Nó giúp bạn trở nên chuyên nghiệp và cách sử dụng từ ngữ chuẩn mực hơn trong giao tiếp. Khi bước sang môi trường làm việc mới, kỹ năng này cũng góp phần giúp bạn được đánh giá cao trong mắt người khác.
Sếp càng khó tính, chúng ta cần phải cẩn trọng từng lời nói và hành động
Nhiều người sẽ cảm thấy bế tắc khi làm việc cùng sếp khó tính. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ một chút, bạn sẽ nhận được nhiều giá trị hay thông qua làm việc cùng cấp trên như thế. Nhất là đối với bạn trẻ, đây là độ tuổi tiếp thu nhanh nên đừng ngại va chạm với mọi khó khăn từ công việc hay đối mặt với cấp trên khó chịu. Chấp nhận và vượt qua được thử thách đó sẽ giúp bạn trưởng thành hơn trong công việc. Hy vọng bài viết trên sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích giúp bạn nhận ra được ý nghĩa và trân trọng cơ hội học hỏi từ cấp trên của mình.
> Những lỗi giao tiếp kém duyên khiến đồng nghiệp không có thiện cảm
> Làm thế nào để trau dồi kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp?
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp