Theo Bộ GD-ĐT, ngân sách cho giáo dục phần lớn dùng để chi lương, cả nước chỉ có khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu.
1. Ngân sách cho giáo dục phần lớn để trả lương, chi cho chuyên môn không đảm bảo
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022.
1.1 Chỉ 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu
Theo đó, về việc thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022, báo cáo cho biết: dự toán chi thường xuyên ngành giáo dục năm 2022 là 275.709 tỉ đồng, chiếm hơn 15% tổng chi ngân sách nhà nước.
Cộng thêm cả chi đầu tư năm 2022, tổng dự toán chi ngân sách cho ngành giáo dục là hơn 330.717 tỉ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021. Năm 2021, tổng chi thường xuyên của cả nước giảm 1,9%, nhưng riêng lĩnh vực GD-ĐT giảm 3,4%.
"Trong điều kiện đặc thù ngành phần lớn kinh phí dùng chi tiền lương, nếu giảm chi thường xuyên theo lộ trình tại Nghị quyết 19 của T.Ư sẽ không bảo đảm kinh phí chi lương, chi cho chuyên môn, chi thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên", báo cáo nêu.
Đồng thời, nếu giảm chi thường xuyên thì sẽ thiếu nguồn lực giải quyết các vấn đề như biên chế giáo viên thiếu, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất nhằm triển khai kịp thời Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Bên cạnh đó, còn những địa phương, các cơ sở giáo dục khó khăn chưa cân đối được thu chi để thực hiện duy tu bảo dưỡng, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, do đó cần ngân sách T.Ư ưu tiên bố trí cho các địa phương.
Về việc thực hiện tiêu chí định mức phân bổ chi ngân sách thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục, báo cáo cho hay, ngân sách chi sự nghiệp chủ yếu là chi cho con người, nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 18% chi cho chuyên môn trong tổng chi thường xuyên…
Chi cho các hoạt động giảng dạy và học tập chiếm tỷ lệ còn thấp; một số địa phương phải dùng nguồn kinh phí chi cho giảng dạy học tập để chi lương cho nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68.
Qua báo cáo kế hoạch dự toán ngân sách cho GD-ĐT năm 2022 của 63 tỉnh, thành cho thấy chỉ khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu, trong đó một số địa phương đạt trên 20%.
Các địa phương khó khăn không bảo đảm tỷ lệ chi chuyên môn tối thiểu, trong đó có những địa phương dưới 15% trong tổng chi ngân sách cho GD-ĐT gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung của ngành.
Ngân sách cho giáo dục hiện chủ yếu chi lương, dẫn đến không đảm bảo chi cho các hoạt động giáo dục tối thiểu
1.2 Nếu tính đúng, tính đủ thì học phí sẽ ảnh hưởng tới cơ hội đi học của phần lớn người học
Về lộ trình tính giá dịch vụ GD-ĐT, báo cáo nêu: “Do GD-ĐT là lĩnh vực ảnh hưởng đến an sinh toàn xã hội. Nếu thực hiện theo đúng lộ trình đến năm 2021 phải tính đủ chi phí theo tinh thần của Nghị quyết 19 của T.Ư thì học phí sẽ tăng khá cao và ảnh hưởng tới chi tiêu của học sinh, gia đình, dễ gây xáo trộn lớn trong xã hội, ảnh hưởng tới cơ hội đi học của phần lớn học sinh, sinh viên".
Theo báo cáo của các địa phương, chi đầu tư phát triển trong năm 2022 cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tập trung chủ yếu để tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Báo cáo nêu thêm, năm 2022 dự toán ngân sách nhà nước đối với kinh phí do bộ quản lý được giao là hơn 6.500 tỉ đồng, giảm 10,8% so với năm 2021. Trong đó, chi thường xuyên giảm 9,3%, chi cho sự nghiệp giáo dục giảm 11,6%.
Ngoài ra, năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên thực hiện chế độ học phí và học phí sư phạm nhưng tổng kinh phí được giao mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu nên không đủ kinh phí để đảm bảo chi trả kịp thời cho người học.
Ngoài ra, một số đề án, nhiệm vụ trọng tâm đặc thù của ngành giáo dục chưa được bố trí kinh phí riêng, phải tự cân đối dẫn đến tiến độ, hiệu quả, chất lượng còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Từ đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội đưa vào kế hoạch rà soát, điều chỉnh, sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng để đưa sách giáo khoa vào chịu thuế suất giá trị gia tăng 0% để đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa biên soạn, phát hành mặt hàng này.
Ngoài ra, kiến nghị Quốc hội đảm bảo tỷ lệ ngân sách nhà nước cho giáo dục đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội và luật Giáo dục 2019, đồng thời trong dự toán chi đầu tư phát triển tách riêng ngành giáo dục để có căn cứ xác định tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho GD-ĐT.
2. Thu tiền vệ sinh có nơi gây tranh cãi nhưng không thể không thu
Một trong những khoản cấm Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện (được quy định trong Thông tư 55) trong đó có vệ sinh trường học.
Tuy thế hiện nay, từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở ở nhiều địa phương, các trường học vẫn phải vận động phụ huynh đóng góp tiền vệ sinh, nơi ít khoảng 20 ngàn đồng/năm, nơi nhiều có khi lên đến 150 ngàn đồng/năm.
Một số hiệu trưởng cũng chia sẻ, dù biết là trong Thông tư 55 đã quy định như thế nhưng trong thực tế, không thể không thu khoản này.
2.1 Trường học không có biên chế mà chỉ hợp đồng với nhân viên vệ sinh
Vệ sinh trường học ở đây chỉ nói đến việc quét dọn, lau chùi nhà vệ sinh của học trò. Trường học nào chẳng có nhà vệ sinh, trường ít học sinh thì có vài phòng vệ sinh, trường học có từ 400 học sinh trở lên thường có tới cả chục phòng vệ sinh.
Theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, nhân viên vệ sinh trường học không nằm trong danh sách khung vị trí việc làm tại các trường phổ thông. Tuy nhiên, Thông tư cũng quy định, các trường được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ vệ sinh.
Lương khởi điểm họ được trả ở hệ số lương 1.0, mức lương cơ bản hiện nay là 1.490.000 đồng.
Nhân viên tạp vụ có nhiệm vụ quét dọn vệ sinh, lau dọn các phòng hành chính, phòng chức năng, nấu nước, chà rửa ấm chén, dọn nhà vệ sinh ở khu vực văn phòng.
Việc lau chùi, dọn dẹp nhà vệ sinh của học trò trường nào cũng phải hợp đồng thêm một nhân viên khác, hoặc, phải trả thêm tiền mỗi tháng (từ 1 triệu đồng trở lên tuỳ trường nhiều học sinh hay ít) để những nhân viên tạp vụ làm thêm.
Để trả thêm tiền cho việc quét dọn khu vệ sinh của học trò, kinh phí của nhiều trường không thể kham nổi buộc các trường phải xin ý kiến phụ huynh ủng hộ để lấy tiền trả công.
Được biết, gần như các phụ huynh ở trường đều nhất trí quyên góp tiền để thuê người quét dọn nhà vệ sinh. Vì không có quy định, nên việc đưa ra mức thu tiền vệ sinh của nhiều trường học cũng dè dặt. Vì thế, phần lớn nhiều trường học thu vẫn không đủ chi.
Tiền ít, dẫn đến thuê người đảm nhận công việc này cũng không hề dễ. Bởi, dọn dẹp nhà vệ sinh là công việc khá nặng nhọc, rất ít người muốn làm nếu số tiền trả công cho họ một tháng không cao. Nhiều trường học đã rơi vào tình trạng tuyển mãi vẫn không có ai đồng ý làm.
Trường càng nhiều học sinh, nhiều phòng vệ sinh thì số tiền phải trả cho nhân viên dọn dẹp càng nhiều. Ngoài ra, còn phải mua sắm thêm nước rửa sàn, tẩy khuẩn, chổi chà, bao tay, thùng và bao ni lon đựng rác…
Cái khó ở chỗ, muốn nhà vệ sinh sạch sẽ phải trả tiền công cho nhân viên vệ sinh cao. Thế nhưng, quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT thì Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học tiền vệ sinh lớp, vệ sinh trường.
Để nhà vệ sinh sạch sẽ như vậy, nhất định phải có nhân viên vệ sinh trường học
2.2 Sự cần thiết phải có nhân viên vệ sinh trường học
Trường học không thể một ngày không dọn dẹp khu vệ sinh học trò. Trường ít học sinh cũng có ít nhất khoảng 5, 6 phòng vệ sinh cho 2 khu nam và nữ. Trường học có hàng ngàn học sinh phải có ít nhất hai khu vực vệ sinh của học trò với khoảng trên 10 phòng vệ sinh trở lên.
Bởi thế, các trường học có từ 18 lớp trở lên cần có thêm một nhân viên chuyên dọn dẹp khu vệ sinh của học trò.
Những trường học dưới 18 lớp, cần có quy định thêm nhân viên tạp vụ sẽ kiêm luôn việc quét dọn, lau chùi khu vệ sinh cho học trò.
Tuy nhiên, mức lương khởi điểm phải được tính lại, người lao động không thể làm nhiều việc như vậy mà chỉ nhận mỗi tháng chưa tới 1.500.000 đồng.
Lương thấp dẫn đến việc khó tuyển người. Nếu tuyển được cũng không có mấy người gắn bó dài lâu với công việc này.
> Bộ Giáo dục làm rõ một số thông tin chưa đúng từ hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời"
> TP.HCM thông qua học phí năm học mới: Tăng học phí tối đa 5 lần nhưng lại cấp bù kinh phí
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp