Lương khởi điểm của giáo viên còn thấp được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hoặc nghỉ việc của giáo viên. Bộ GD-ĐT cho biết đang xây dựng và đề xuất chính sách tiền lương mới với giáo viên.

Bộ GD-ĐT: 16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 gây ảnh hưởng không nhỏ

Bộ GD-ĐT: 16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 gây ảnh hưởng không nhỏ

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.

1. Không tuyển được GV môn học mới do lương khởi điểm thấp

Ngày 2/2/2021, Bộ GD-ĐT ban hành các thông tư số 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Căn cứ theo các thông tư trên, hệ số lương khởi điểm của giáo viên (GV) tiểu học, THCS, THPT đều là 2,34. Như vậy với việc xếp lương theo chuẩn trình độ đào tạo mới quy định tại luật Giáo dục 2019 thì lương khởi điểm của GV cũng đã tăng. Ví dụ, trước đó với GV tiểu học dù tốt nghiệp ĐH nhưng hệ số lương cơ bản áp theo chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp nên hệ số lương cơ bản chỉ là 1,86.

Mặc dù lương khởi điểm đã tăng nhưng theo tính toán, tổng thu nhập của GV mới ra trường sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì chỉ còn nhận được khoảng 4,2 triệu đồng. Chưa kể, GV còn một số khoản đóng góp thường xuyên khác như: 1% lương/tháng đóng công đoàn phí, nếu là đảng viên thì 1% lương/tháng đóng đảng phí, mỗi năm trừ một số ngày lương đóng góp các quỹ như: quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống thiên tai… và một số khoản ủng hộ đột xuất khác.
Do đó, nếu dạy ở trường công thì lương GV mới ra trường còn thấp hơn sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm đang được nhận! Thu nhập khi đi làm lại không bằng lúc đi học trong khi mức chi tiêu lại tăng lên thì GV mới ra trường chỉ có thể sống bằng nguồn viện trợ của gia đình, hoặc làm thêm các công việc khác để theo đuổi đam mê. Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được ban hành với mục đích thu hút người giỏi chọn học ngành sư phạm. Tuy nhiên, nếu lương của GV không được cải thiện thì mục tiêu này sẽ khó đạt được.

Thực tế, năm học này ngành GD-ĐT đang đối mặt với tình trạng thiếu GV trầm trọng, nhiều môn học mới như tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật… do không có nguồn tuyển. Không chỉ miền núi, ngay tại TP lớn như Hà Nội cũng đang chật vật xoay xở với tình trạng này. Một lãnh đạo trường tiểu học ở Q.Hà Đông (Hà Nội), cho biết GV tiếng Anh, tin học vốn đã khó tuyển nhưng giữ chân còn khó hơn vì nhiều nơi cần cử nhân các môn này. "Lương cao hơn mấy lần, nhiều ưu đãi hơn thì chắc chắn có yêu nghề, yêu trường họ cũng không trụ được mãi vì phải lo cơm áo, chúng tôi cũng không thể giữ họ bằng động viên tinh thần mãi được", vị này nói.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, phân tích: Nguyên nhân lớn nhất không tuyển hoặc hợp đồng được GV dạy các môn học này vẫn là do chính sách lương khởi điểm. Yêu cầu mới về chuẩn đào tạo GV từ tiểu học trở lên đều là tốt nghiệp ĐH (thay vì trung cấp như trước khi luật Giáo dục 2019 ra đời - PV). Một cử nhân tiếng Anh hoặc tin học tốt nghiệp ĐH sư phạm ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm với mức lương lên đến hàng chục triệu đồng, họ sẽ không chọn vào dạy ở một trường tiểu học công lập để nhận lương khoảng hơn 4 triệu đồng với rất nhiều áp lực, vất vả.
Đó là chưa kể GV biên chế, hợp đồng rồi cũng xin nghỉ việc, chuyển việc từ khu vực công sang tư hoặc các trung tâm ngoại ngữ, tin học vì chính những nơi này cũng đang “khát” nhân lực, sẵn sàng mời chào với nhiều chính sách đãi ngộ.

Lương khởi điểm của giáo viên thấp: Bộ GD-ĐT đang xây dựng chính sách lương mới - Ảnh 1

Nếu dạy ở trường công, lương giáo viên mới ra trường hiện nay thấp hơn sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm đang nhận

2. Lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng: Việc GV chuyển việc, nghỉ việc có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Trong đó, theo ông Đức, thứ nhất, phải kể đến là chính sách tiền lương. “Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với GV mới vào nghề, GV hợp đồng còn rất thấp; trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao. Điều này khiến một số GV phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống; trong khi đó ở các khu đô thị, các khu công nghiệp việc tìm kiếm việc làm mới là khá dễ dàng do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp”, ông Đức nói.
Để thu hút và giữ chân GV yên tâm công tác trong ngành, Cục trưởng Vũ Minh Đức cho biết: Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới; trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc, đặc thù nghề nghiệp; theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng"; tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền cần có chính sách hỗ trợ phù hợp với đội ngũ GV của địa phương. Đồng thời, xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt, nhằm thu hút GV về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho nhà giáo trong quá trình công tác. Cùng với đó, có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Bộ GD-ĐT cho rằng: Khi các thông tư số 01, 02, 03, 04 được địa phương triển khai thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc. Cụ thể, GV mầm non khi chưa đạt các tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp hạng II nên được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng III, được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A0 (2,10), tuy nhiên, Thông tư số 01 chưa hướng dẫn cụ thể việc xếp lương trong trường hợp này. Cụ thể, GV tiểu học, THCS khi chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0), những GV đang được hưởng hệ số lương 2,34; 2,67; 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33; 3,66; 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0, được lợi từ 3 - 9 năm công tác so với GV công tác lâu năm, xếp theo hạng cũ.

Do đó, khi rà soát, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư số 01, 02, 03, 04, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu các phương án bổ nhiệm, xếp lương để khắc phục vướng mắc nói trên và bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa GV lâu năm và GV có thời gian công tác ít hơn khi chuyển xếp lương trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
Bộ GD-ĐT cho biết trong quá trình nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ dự kiến vẫn giữ nguyên quy định GV được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204 năm 2004 của Chính phủ, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung: Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: Trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu GV phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác. Trường hợp GV chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Đối với GV phổ thông: Giữ nguyên thời gian giữ hạng III là từ 9 năm trở lên. Đối với GV mầm non: Điều chỉnh thời gian giữ hạng III từ 9 năm thành 3 năm trở lên, điều chỉnh thời gian giữ hạng II từ 6 năm thành 9 năm trở lên.
Bộ GD-ĐT lý giải: Dự kiến sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu GV cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết. Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương GV mầm non và không có trường hợp GV tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34; 2,67; 3,00 được bổ nhiệm hạng II và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.

> Phòng GD&ĐT Gò Vấp thông tin sau sự việc clip 'Phụ huynh khó khăn đừng theo cái lớp này'

> Giáo viên chủ nhiệm - Không phải ai cũng dám làm

Theo báo Thanh Niên