Năm 2021 dịch Covid-19 'càn quét' nhiều tỉnh thành phố nước ta khiến không ít ngành sản xuất, kinh doanh suy kiệt vậy mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 'vô nhiễm' khi báo cáo kinh doanh lãi đậm chủ yếu nhờ phát hành sách giáo khoa.

TP.HCM chỉ đạo về việc yêu cầu phụ huynh mua sách tham khảo, sách bài tập

TP.HCM chỉ đạo về việc yêu cầu phụ huynh mua sách tham khảo, sách bài tập

Sở GD-ĐT TP.HCM có chỉ đạo cho nhà trường, giáo viên về việc yêu cầu phụ huynh mua sách tham khảo, sách bài tập năm 2022.

Dư luận chưa yên với giải thích sách giáo khoa mới tăng giá 3-4 lần vì in “khổ to, giấy đẹp” thì nay tiếp tục “dậy sóng” khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 đạt doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng, lãi sau thuế 287 tỉ đồng, chủ yếu nhờ phát hành sách giáo khoa.

Lãi đậm, lãi khủng nhờ sách giáo khoa: Siêu lợi nhuận là tất yếu - Ảnh 1
Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đạt doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng, lãi sau thuế 287 tỉ đồng, chủ yếu nhờ phát hành sách giáo khoa

1. Người dân đã đóng thuế, sao phải mua sách giáo khoa giá cao?

Khoảng 20 triệu học sinh phổ thông, với cách tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá như hiện nay và với việc thả nổi kinh doanh sách giáo khoa của ngành chức năng trong thời gian qua thì phát hành sách giáo khoa thu về siêu lợi nhuận là tất yếu. “Sáng kiến bia kèm lạc” (trọn bộ sách giáo khoa, sách tham khảo, vở bài tập) thì siêu lợi nhuận càng được nâng lên.
Đây mới là sách giáo khoa in “khổ nhỏ, giấy không đẹp” chứ in “khổ to, giấy đẹp” như sách mới và tăng giá thì siêu lợi nhuận chồng siêu lợi nhuận. Có địa phương sốt sắng tổng hợp nhu cầu đăng ký mua sách giáo khoa mới từ các trường gửi về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; sách in ra tiêu thụ hết nên năm 2022 doanh thu sẽ vượt xa năm 2021.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỉ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%. Vốn điều lệ này hẳn lấy từ ngân sách, tức từ tiền thuế do dân đóng góp, trong đó có hàng chục triệu phụ huynh học sinh. Vậy, sau khi thực thi nghĩa vụ thì quyền lợi của họ là mua sách giáo khoa tăng giá? Nếu không, biện pháp khắc phục là gì? Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần công khai, minh bạch.

Lãi đậm, lãi khủng nhờ sách giáo khoa: Siêu lợi nhuận là tất yếu - Ảnh 2

Nhiều nơi đề nghị học sinh mua trọn bộ sách giáo khoa, sách tham khảo, vở bài tập thì siêu lợi nhuận càng được nâng lên

2. Những việc cần làm để người dân được sử dụng sách giáo khoa đúng giá

Các ngành chức năng như, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT… nhanh chóng kiểm tra thu chi tài chính việc phát hành sách giáo khoa tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, từ đó kết luận, kiến nghị nhằm giúp quản lý sâu sát, chặt chẽ, đúng mục đích kinh doanh liên quan lĩnh vực trọng yếu dạy và học. Đồng thời, làm cơ sở để thực hiện Nghị quyết 63 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV với nội dung sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi luật Giá.
Trong năm học 2022-2023 cần giảm giá sách giáo khoa xuống mức thấp nhất có thể; cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho học sinh học tập tại các trường đóng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và cho học sinh là con em của gia đình thuộc diện chính sách, gia đình lâm cảnh khó khăn...
Mong muốn của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước là dùng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa để tất cả học sinh mượn trong mỗi năm học.
Hy vọng năm 2022 và về sau, lãi khủng trong phát hành sách giáo khoa - đó là rất nhiều học sinh được sử dụng sách này với giá... 0 đồng.

> Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS

> Giá sách giáo khoa cao gấp 3 - 4 lần, NXB Giáo dục Việt Nam lãi khủng

Theo báo Thanh Niên