Giai đoạn 2017 - 2021 có nhiều thay đổi với kỳ thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh những tích cực trong đổi mới thi cử, song vẫn còn không ít bất cập cần giải pháp cải tiến.
1. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn tăng
Mặc dù thay đổi mục tiêu và ảnh hưởng của đại dịch, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước vẫn tăng dần qua từng năm, năm 2017 (97,42%), 2018 (97,57%), 2019 (94,06%), 2020 (98,34%) và 2021 (98,6%). Tỷ lệ tốt nghiệp cao, xã hội phấn khởi nhưng kết quả này sẽ khó thực hiện phân luồng sau THCS vì đa số học sinh (HS) muốn học lên để có bằng tốt nghiệp THPT; hạ thấp yêu cầu đầu ra dẫn đến không nâng cao chất lượng HS sau THPT.
2. Điểm môn lịch sử và ngoại ngữ lại thấp nhất
Do nhiều yếu tố khác nhau tác động và cũng vì mục tiêu của kỳ thi nên phạm vi kiến thức ra đề thi thay đổi dẫn đến độ khó đề thi thay đổi theo từng năm. Nếu tính trung bình các môn thi theo từng năm cho thấy sự khác nhau, giai đoạn 2017 - 2019 có điểm trung bình dưới 6 và giai đoạn 2020 - 2021 có điểm trung bình trên 6. Năm 2018, đề thi khó nhất, trung bình điểm thi các môn thấp nhất (5 điểm); năm 2021, đề thi dễ nhất nên trung bình điểm thi các môn là 6,43; năm 2018 chỉ có 447 điểm 10; năm 2021 là năm “lạm phát” với 24.555 điểm 10.
Tính trung bình điểm thi theo môn qua 5 năm đổi mới thi tốt nghiệp THPT cho thấy, điểm trung bình môn lịch sử thấp nhất (4,64 điểm), kế đến là ngoại ngữ (4,7), sinh học (5,03), hóa học (5,81), vật lý (5,87), ngữ văn (5,97), toán (6,11), địa lý (6,36) và giáo dục công dân (GDCD) (7,79). Môn GDCD năm 2021 bất thường, khi trung bình điểm thi (8,37) cao hơn điểm học bạ (8,19).
So sánh trung bình số điểm 10 trong 5 năm của các môn cho thấy, môn ngữ văn ít nhất (bình quân 1 điểm 10/năm), vật lý (21), toán (116), lịch sử (169), sinh học (229), địa lý (230), hóa học (420), ngoại ngữ (1.256) và GDCD (4.844).
Bảng tổng hợp trung bình điểm thi và số điểm 10 các môn thi 5 năm (2017-2021)
3. Phổ điểm có 2 đỉnh ở môn ngoại ngữ
Xem xét phổ điểm của tất cả môn thi đều có hình chuông, riêng phổ điểm môn ngoại ngữ năm 2021 có sự khác biệt, khi có tới 2 đỉnh. Điều này phản ánh có sự phân hóa về chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các vùng: Vùng có điều kiện kinh tế phát triển chất lượng môn ngoại ngữ tốt hơn, trong khi vùng sâu, vùng xa, miền núi và HS dân tộc có chất lượng ngoại ngữ thấp hơn. HS vùng thuận lợi có điều kiện thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để được miễn thi ngoại ngữ, tương đương đạt điểm 10.
Phổ điểm môn ngoại ngữ năm 2021 có tới 2 đỉnh
4. Những phương hướng cải tiến kỳ thi
Trước hết, luôn cảnh giác với gian lận thi cử.
Kế đến, đề thi THPT cần phải phân hóa HS cao hơn để phân loại HS xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu; tăng tỷ lệ các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao; tăng độ khó đối với môn GDCD hoặc có thể cho môn GDCD thi thêm tự luận; môn ngoại ngữ nên có 2 đề thi để HS lựa chọn: một đề cơ bản và một đề nâng cao, những thí sinh muốn xét tuyển ĐH môn ngoại ngữ phải thi đề nâng cao; cải tiến đề thi môn sử giảm kiểm tra các sự kiện, con số.
Chậm nhất trong năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT phải công bố các phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để các cơ sở giáo dục có kế hoạch dạy và học.
Từng bước thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính như thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Bộ GD-ĐT có biện pháp khoa học, hiệu quả hơn trong xây dựng ngân hàng đề thi, chuẩn bị tốt đội ngũ tinh thông về chương trình giáo dục phổ thông 2018, vững vàng về kỹ năng xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo ma trận, với các tiêu chí, mức độ phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông 2018 và tương đương với các nước tiên tiến.
> 70% sinh viên nông thôn gặp khó khăn tài chính khi trường công tự chủ
> Việc học online khiến kết quả học tập của học sinh giảm sút nhiều so với học offline
Theo Thanh Niên