Cân nhắc diễn biến của dịch COVID-19, nhiều phụ huynh cũng như nhà trường mong học sinh được trở lại học trực tiếp, hạn chế hệ quả tâm lý, sức khỏe mà con phải đối mặt khi ở nhà quá lâu.
Hà Nội gần đây đang có trên dưới 3.000 ca nhiễm mỗi ngày. Nhưng chị Linh, sống tại quận Long Biên, người mẹ có con trai lớp 10 và con gái lớp 7, cho rằng số lượng ca nhiễm tuy vẫn còn cao, chị không có cảm giác sợ hãi dịch bệnh như trước.
Khảo sát của nhóm phụ huynh này xuất phát từ kế hoạch trở lại trường của Hà Nội. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết: "Dự kiến, nếu không có gì thay đổi, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở sẽ tiếp tục đề xuất với thành phố cho học sinh khối 7 đến 12 đi học trở lại 100% ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã", ông Cương nói, đồng thời mạnh, đề xuất sẽ được cân nhắc dựa trên tình hình dịch bệnh tại thành phố cũng như tỷ lệ tiêm chủng của học sinh.
Từ góc nhìn người mẹ, chị Linh tán thành dự định này. Chị nhận thấy trong thời gian không đến trường, các con vẫn thường được gia đình cho đi chơi, mua sắm. Vì vậy, ở nhà chưa chắc đã an toàn hơn đi học. Chưa kể, bố mẹ vẫn đi làm và hoàn toàn có thể mang bệnh về nhà.
"Khi các con trong tầm mắt, bố mẹ sẽ cảm thấy phần nào yên tâm hơn là đi học. Tuy nhiên, để có thể mở cửa, các trường phải đáp ứng hàng loạt điều kiện và tiêu chí phòng dịch, chứ không phải thích là mở", chị Linh bày tỏ.
Ngoài ra, điều khiến chị lo lắng là sự phát triển của các con. Từ khi trúng tuyển trường THPT Nguyễn Gia Thiều, con chị chưa được gặp bạn bè và cô giáo, mức độ liên lạc với những người bạn cũ cũng thưa dần vì ai cũng đã có tập thể mới. Người mẹ thường xuyên thấy con bần thần, nói "không biết làm gì" và "không có ai chơi". Tình trạng tương tự với bé gái lớp 7, bé thường ngồi một góc đọc truyện, không còn hay nói chuyện như trước.
"Công việc bận rộn nên tôi chỉ thường dẫn các con đi chơi vào cuối tuần, đôi lúc sẽ có vài buổi tối trong tuần. Tôi rất lo lắng khi không thể bù đắp cho con sự thiếu hụt về mặt giao tiếp", chị nói.
Cùng quan điểm, anh Hoàng Sơn, 40 tuổi, quận Đống Đa, thường động viên vợ cởi mở với việc trở lại trường. Với anh, kiến thức hay thành tích học với con gái lớp 8 chỉ là một phần, anh quan tâm đến những hệ quả tâm lý, sức khỏe mà con phải đối mặt khi ở nhà quá lâu.
Sau 8 tháng học trực tuyến triền miên, con gái anh cận nhẹ, thường xuyên bị chảy nước mắt khi học trực tuyến liên tục. Vì vợ chồng anh thường đi làm qua trưa, con gái sẽ ở nhà một mình cả ngày. Nhận thấy con có vẻ khép kín và ngại chia sẻ với bố mẹ hơn trước, vợ chồng anh chia nhau mỗi người một ngày về nhà để ăn trưa cùng con.
Nhiều lần, anh cũng tự hỏi "Nếu cho con đi học và nhiễm Covid-19 thì sao?". Nhưng anh yên tâm hơn trước các nghiên cứu cho thấy trẻ bị nhiễm thường ở thể nhẹ và nhanh khỏi. Điều làm anh lăn tăn là những di chứng hậu Covid. "Tuy nhiên, trong khi việc con nhiễm bệnh và di chứng để lại chưa chắc xảy ra, cái đang hiện hữu và ngày một rõ ràng là những vấn đề tâm lý, sức khỏe. Nếu so sánh về hệ quả lâu dài, chúng ta cũng chưa biết cái nào nghiêm trọng hơn", anh nói.
Nhiều phụ huynh và học sinh tại Hà Nội mong muốn cho trẻ trở lại trường sau Tết Nguyên Đán
Ở ngoại thành, THCS Phú Châu, huyện Ba Vì, là một trong những đơn vị đầu tiên được mở cửa, đón học sinh lớp 9 từ đầu tháng 11. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nghiệp bày tỏ nguyện vọng sớm được học trực tiếp.
Thầy Nghiệp cho biết, để dạy trực tuyến với học sinh khối 6-8 và trực tiếp với lớp 9, các giáo viên phải soạn cả giáo án giấy và điện tử. Ngoài ra, với điều kiện ở ngoại thành, không phải học sinh nào cũng dùng máy tính để học online. Nhiều em phải dùng điện thoại cũ, chất lượng hình ảnh kém và kích thước màn hình nhỏ có thể gây hại cho mắt. Chưa kể, việc phải dùng thiết bị kém chất lượng có thể gây ra các tai nạn cháy, nổ trong lúc sạc hoặc dùng.
Ở góc độ tâm lý, thầy hiệu trưởng cho rằng học sinh gần như bị cô lập với bạn bè, cộng đồng, không biết chia sẻ, tâm sự với ai trong lúc bố mẹ đi làm. "Xét ở khía cạnh thành tích học tập, trừ một số học sinh tự giác, có năng lực, học trực tuyến mới có kết quả, còn đa số là không thể như học trực tiếp", thầy Nghiệp nói.
Học sinh Hà Nội dừng học trực tiếp từ đầu tháng 5/2021 khi Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Đến tháng 11, khối lớp 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành được trở lại trường, sau đó hai tuần các trường THPT mở cửa đón lớp 12. Hiện có khoảng 64.000 em, trên tổng số khoảng 2,2 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội, được học trực tiếp, còn lại vẫn ở nhà suốt 8 tháng.
Hà Nội là địa phương cho học trực tuyến thời gian dài và ở quy mô rộng nhất cả nước.
> Học sinh quận Cầu Giấy tạm dừng việc học trực tiếp từ ngày 8/1
> COVID-19: Nhiều khu vực tại Hà Nội tạm dừng việc học trực tiếp
Theo VnExpress