‘Thầy cô giáo thế hệ Z cần có quan điểm cởi mở, cá tính riêng để giao tiếp với người học …’. Đó là chia sẻ của GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, với tân sinh viên trong lễ khai giảng.
Sáng 16/10, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 cho hơn 3.000 tân sinh viên, hơn 600 học viên sau ĐH. GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, đã có những gửi gắm tâm huyết đến thế hệ sinh viên mới của trường, đặc biệt thế hệ thầy cô thế hệ Z.
1. Thầy cô giáo thế hệ Z cần những gì?
GS Sơn chia sẻ: “Từ cổ chí kim, nghề sư phạm luôn được tôn vinh là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Bởi lẽ, sản phẩm của giáo dục là con người, con người chính là nền tảng sức mạnh, nền tảng giá trị của bất kỳ xã hội nào”.
Trong thời đại mới, theo ông Sơn, đòi hỏi người thầy không chỉ cần chất mô phạm truyền thống mà còn cần hội nhập với tri thức tiên tiến, tư duy cởi mở, sự chủ động sáng tạo và không ngừng đổi mới. “Chính vì vậy, thế hệ sinh viên sư phạm hôm nay – thế hệ tương lai của sự nghiệp giáo dục, cần trau dồi không chỉ tri thức sâu rộng mà cả nhãn quan tiến bộ và những kỹ năng quan trọng trong xã hội hiện đại”, ông nói.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhấn mạnh: “Các thầy cô giáo thế hệ Z cần tận dụng lợi thế tiếp cận và vận dụng công nghệ vào công tác dạy học. Bên cạnh đó là sự năng động và sáng tạo với các hoạt động, phương pháp giảng dạy mới; có quan điểm cởi mở và có cá tính riêng để giao tiếp với người học”.
Với những cử nhân tương lai ở các ngành ngoài sư phạm, ông Sơn cũng gửi gắm: “Các bạn là những công dân của thế hệ Z, thế hệ được thừa hưởng và thu nhận tinh hoa của thời đại công nghệ số. Với những lợi thế to lớn nói trên, các bạn được kỳ vọng và hoàn toàn có khả năng vẽ nên bức tranh mới tràn đầy hy vọng cho sự phát triển của đất nước Việt Nam”.
Trong lễ khai giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM còn có những nhắn nhủ tới chính các thầy cô giáo. Ông cho rằng hành trình đã và đang đổi mới ngày càng có nhiều thách thức. “Quá trình làm nghề của chúng ta đòi hỏi nhiều nỗ lực và không ngừng hoàn thiện bản thân”, ông Sơn nhắn gửi.
Năm học này, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mong thầy cô tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với từng hoạt động nghề. “Hãy làm sao cho từng tiết học thật sự có cảm xúc, có rung cảm đích thực; có mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực thật rõ ràng; nhất là gieo những hạt mầm của ý tưởng khởi nghiệp cho từng người học…”, ông Sơn chia sẻ.
GS-TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phát biểu trong lễ khai giảng
2. "Hãy sống trách nhiệm dù ảo hay thật..."
“Hãy sống trách nhiệm” là một trong những cụm từ quan trọng được GS-TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình.
Lý do cần sống trách nhiệm, theo ông Sơn, bởi các sinh viên đã nhận lấy sự yêu thương, kỳ vọng và cả những sự nỗ lực không đo đếm được của người thân, cha mẹ và thầy cô giáo ở phổ thông…
Ông Sơn phân tích: “Đừng quên ngày cha mẹ chính thức tạm biệt bạn để bạn trở thành sinh viên mà vẫn canh cánh nhiều nỗi lo thầm lặng. Xin hãy nhớ giọt nước mắt của mẹ, bàn tay chai sần của cha hoặc mái tóc bạc của ông bà để các bạn sống thật trách nhiệm. Hãy tôn trọng bản thân mình, thương yêu chính mình dù môi trường sống có khó khăn, thách thức. Xin hãy lựa chọn mục tiêu để sống trách nhiệm, để trọn vẹn những gì ta đã từng được cưu mang…”,
Tiếp tục nhắn nhủ tới các tân sinh viên, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói: “Là người từng được dạy dỗ, từng trưởng thành, từng được rèn luyện và thử thách ở chính ngôi trường này, xin khẳng định với các bạn chỉ có học tập có trách nhiệm là cách để chúng ta vào đời, vào nghề một cách chính danh, có đủ nội lực và có thể khởi nghiệp một cách chuyên nghiệp… Mưu sinh nhưng không làm ta chểnh mảng; bạn bè, tình yêu nhưng không thể quên rằng ta có trách nhiệm với từng học phần, với hành trình rèn luyện kỹ năng…”.
Không chỉ học tập, vị hiệu trưởng còn căn dặn những người lần đầu bước chân vào giảng đường ĐH những trách nhiệm sống khác. Ông nói: “Có thể lúc nào đó, chúng ta chưa hài lòng về bất kỳ điều gì, nhưng mong các bạn hãy trách nhiệm để lựa chọn cách thể hiện hay ứng xử thật trách nhiệm… Trách nhiệm với từng phát biểu, từng cái like hay từng phản ứng dù ảo hay thật trên mạng xã hội và cả đời sống thực… Hãy trách nhiệm để cùng nhau xây dựng, hãy trách nhiệm để chân thành cùng phát triển, hãy trách nhiệm ít nhất với chính mình để sống tốt, có trách nhiệm với sự thể hiện bởi đó là hình ảnh, là cuộc đời của chúng ta…”
“Một lần nữa, chúc bạn luôn nuôi dưỡng tình yêu nghề nghiệp, giữ được ngọn lửa đam mê, sáng tạo một cách có trách nhiệm để trở thành người công dân của thời đại, biết dẫn dắt trí tuệ và tâm hồn và để trở thành một người làm nghề đúng nghĩa, đầy trách nhiệm”, GS-TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
> Đại học Huế lần đầu vào bảng xếp hạng thế giới
> Tuyển sinh 2023: Điểm thi càng cao, điểm ưu tiên khu vực càng thấp?
Theo báo Thanh Niên