Năm 2023, Bộ GD-ĐT dự kiến bắt đầu điều chỉnh việc cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh. Theo đó, thí sinh đạt điểm thi càng cao bắt đầu từ mức 22,5 trở lên thì điểm ưu tiên càng giảm. Nếu đạt điểm thi tuyệt đối, thí sinh không còn được cộng điểm ưu tiên nào.

Các trường sẽ bỏ bớt phương thức tuyển sinh - Thay đổi ra sao để bớt sai sót, nhầm lẫn?

Các trường sẽ bỏ bớt phương thức tuyển sinh - Thay đổi ra sao để bớt sai sót, nhầm lẫn?

Các trường đại học sẽ điều chỉnh cách thức tuyển sinh năm 2023 thế nào trước yêu cầu của Bộ GD-ĐT bỏ bớt các phương thức không phù hợp là nội dung đáng quan tâm

Điểm mới này rất gây chú ý khi có một cách tính hoàn toàn mới so với trước đây.

1. Thí sinh đạt điểm tuyệt đối không được ưu tiên

Quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ ngành giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2022 có một điểm rất mới về điểm ưu tiên khu vực. Theo đó, chính sách ưu tiên này bắt đầu được điều chỉnh từ năm 2023 với thí sinh (TS) đạt tổng điểm thi 3 môn từ mức 22,5 trở lên.

Theo đó, chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh vẫn giữ nguyên 4 khu vực như từ trước đến nay. Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 - nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.

Khu vực tuyển sinh của mỗi TS được xác định theo địa điểm trường mà TS đã học lâu nhất trong thời gian học THPT (hoặc trung cấp). Nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì điểm ưu tiên được xác định theo khu vực của trường THPT gần nhất mà TS theo học. Tuy nhiên, có một số trường hợp được hưởng ưu tiên khu vực theo địa chỉ thường trú.

Đặc biệt, từ năm 2023 TS được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

 

Cũng bắt đầu từ năm 2023 trở đi, điểm ưu tiên đối với TS sẽ giảm dần khi TS đạt tổng điểm 3 môn ở mức khá giỏi (22,5 điểm) trở lên. Cụ thể, nếu TS đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30), mức điểm ưu tiên mà TS được hưởng được tính theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng của TS.

Và với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng TS đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.Theo Bộ GD-ĐT, với công thức tính điểm ưu tiên này sẽ không xảy ra bất kỳ trường hợp nào điểm chuẩn trên 30 điểm, vì khi TS đạt 30 điểm/3 môn nghĩa là điểm ưu tiên của TS sẽ bằng 0.

Tuyển sinh 2023: Điểm thi càng cao, điểm ưu tiên khu vực càng thấp? - Ảnh 1
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022

2. Có nên điều chỉnh theo hướng này ?

Chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh đã được điều chỉnh liên tục sau khoảng 20 năm áp dụng. Từ mức cộng tối đa 3 điểm của thời điểm 2003 trở về trước, điểm ưu tiên khu vực giảm xuống tối đa 1,5 điểm từ năm 2004. Rồi từ năm 2017, điểm ưu tiên khu vực tiếp tục giảm bằng một nửa so với trước đó, giữa 2 khu vực kế tiếp chỉ còn 0,25 điểm và tối đa 0,75 điểm. Không chỉ mức điểm, bảng phân chia khu vực ưu tiên cũng được rà soát điều chỉnh để hợp lý hơn với tình hình phát triển kinh tế xã hội các vùng miền. Với điều chỉnh mạnh mẽ này, hàng loạt thị xã trực thuộc tỉnh, thậm chí các thành phố lớn nơi học sinh có điều kiện học tập tốt đã được loại ra khỏi danh sách khu vực 1. Nhưng với việc thay đổi cách tính điểm ưu tiên rất mới từ năm 2023, ngay bản thân các trường cũng có những quan điểm khác nhau.

Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trong tuyển sinh việc tạo cơ hội thêm cho các TS khó khăn, địa bàn khó khăn cần ưu tiên phát triển... là chủ trương đúng đắn. Phương pháp cộng điểm ưu tiên là phương pháp đơn giản nhưng có thể tạo ra sự không công bằng đối với các ngành đòi hỏi năng lực cao của người học. Do vậy, theo ông Thắng, phương án cộng điểm mới từ năm 2023 dựa trên các thống kê của Bộ GD-ĐT về sự ảnh hưởng của cộng điểm ưu tiên đến các TS theo điểm số thi tốt nghiệp THPT. “Phương án này là hợp lý đối với các ngành tuyển sinh đòi hỏi năng lực cao của người học”, ông Thắng nhìn nhận.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập cũng có quan điểm tương tự. Vị phó hiệu trưởng ủng hộ quan điểm này xuất phát từ bản thân các trường và cả TS. Về phía các trường, vị này cho rằng điều chỉnh này sẽ giúp các trường có điểm chuẩn cao tìm được người học sát với năng lực thật. Khi đó TS trúng tuyển vào trường có điểm chuẩn cao mà không nhờ vào số điểm ưu tiên lớn.

Về phía người học, vị phó hiệu trưởng phân tích: “Việc cộng điểm này áp dụng cho tất cả các đối tượng TS được hưởng ưu tiên trong cả nước mà không riêng một nhóm nào và chỉ sử dụng trong quá trình xét tuyển. Đặc biệt việc giảm điểm này chỉ áp dụng với TS đã đạt điểm cao trong kỳ thi, trong khi những TS đạt điểm dưới mức 22,5 điểm này chiếm số đông và không cần sự sàng lọc lớn”.

Trong khi đó, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Hàng không Việt Nam, thì cho rằng chính sách ưu tiên cần được áp dụng giống nhau cho tất cả TS trong từng khu vực như cách làm trước nay. Việc điều chỉnh đồng loạt mức ưu tiên khu vực từ tối đa 3 điểm xuống tối đa 0,75 điểm hiện nay do điều kiện học tập tiệm cận nhau là hợp lý. Nhưng nếu để tránh tình trạng điểm chuẩn vượt ngưỡng 30 điểm mà TS đạt điểm thi càng cao hưởng điểm ưu tiên càng thấp e rằng không công bằng.

Theo tiến sĩ Vũ, việc điều chỉnh điểm ưu tiên nên bám sát vào nguyên nhân xuất phát của chính sách này, chính là điều kiện học tập của học sinh khác nhau với từng khu vực. Còn về phía các trường ĐH, đặc biệt trường lấy điểm chuẩn cao có thể chủ động cách tính toán để chọn đúng đối tượng tuyển sinh phù hợp.

> Phòng GD&ĐT Gò Vấp thông tin sau sự việc clip 'Phụ huynh khó khăn đừng theo cái lớp này'

> Nhà trường, học sinh Gia Lai trông chờ 'Sóng và máy tính cho em'

Theo báo Thanh Niên