Là cựu học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Cao Bảo Ngọc sang Đức du học và tốt nghiệp Đại học Goethe Frankfurt am Main (một trong ba đại học lớn nhất nước Đức).
Ngọc sang Đức học tiếng 6 tháng và giành chứng chỉ tiếng Đức cấp cao nhất (DHS-3) cho sinh viên nước ngoài.
Sau đó, nữ sinh vào học Studienkolleg (chương trình dự bị đại học) và tốt nghiệp với số điểm 1.0 (mức tối đa trong thang điểm từ 6 đến 1 của Đức).
Hiện cô là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành DaF (giảng dạy tiếng Đức) tại Đại học Justus Liebig University Giessen.
Với trải nghiệm của mình, Ngọc có những chia sẻ chân thật khi giải đáp lý do vì sao dù miễn 100%, Đức vẫn khiến nhiều du học sinh ngại lựa chọn làm điểm đến du học.
1. Miễn 100% học phí đại học nhưng vẫn bị “né”?
Điều tôi tâm đắc nhất ở nền giáo dục Đức là sự công bằng, tính độc lập, sáng tạo và yêu cầu chất lượng cao. Giáo dục đại học và sau đại học ở Đức miễn 100% học phí cho sinh viên trong nước và nước ngoài. Vì thế, ai cũng có thể học đại học, chứ không phải chỉ những người có điều kiện kinh tế.
Cao Bảo Ngọc tại Đức
Đức không có thi đầu vào đại học (trừ những ngành nghệ thuật – thể thao), cũng không có thi đầu vào cao học hay xét tuyển năng lực để làm nghiên cứu sinh. Vào trường rất dễ, nhưng sinh viên có tốt nghiệp được hay không còn tùy vào sự nỗ lực của họ trong suốt 3-4 năm ngồi trên giảng đường.
Chính sách “chặn đầu ra” này theo tôi là công bằng hơn “chặn đầu vào” - được xem sẽ cắt đứt cơ hội của nhiều người, và dễ tạo ra tâm lý tự đắc, mất động lực phấn đấu.
Điều thứ hai tôi thích ở giáo dục Đức là hướng đến đào tạo khả năng suy nghĩ độc lập và óc sáng tạo cho người học. Học sinh luôn được yêu cầu trình bày ý kiến, quan điểm riêng của mình. Chỉ cần lập luận thuyết phục, dù nhận định đó trái với thầy, bài viết vẫn có thể đạt điểm tối đa.
Từ giáo viên phổ thông đến giảng viên đại học đều coi việc hướng dẫn cho học sinh các phương pháp tự học, nghiên cứu, xem xét giải quyết vấn đề là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhà trường và Nhà nước hỗ trợ bằng hệ thống thư viện phục vụ tối đa cho người học.
Điều tâm đắc thứ ba tôi muốn đề cập là sự yêu cầu cao trong kết quả học tập. Người Đức hiểu rất rõ sự hoàn hảo chỉ có thể đạt được khi đầu tư đủ công sức, thời gian. Họ không tiếc những sản phẩm trung bình.
Triết lý đó được truyền thụ trong mọi cấp học. Sinh viên ở Đức, trước khi nộp luận văn phải dành vài ngày đến vài tuần soát hết các lỗi chính tả, ngữ pháp, hành văn, logic, lỗi đánh máy…, đặc biệt là các quy tắc nghiêm ngặt về trích dẫn, nếu còn những lỗi này trong bài thì sẽ bị trừ điểm rất nặng. Kết quả là những người tốt nghiệp ở Đức ra tiếp tục mang tinh thần hoàn hảo đó vào trong công việc và tạo ra những sản phẩm “made in Germany” uy tín toàn cầu.
2. Học thế nào ở nơi 50% sinh viên không ra được trường?
Trong những năm gần đây rất nhiều bạn trẻ Việt Nam biết đến cơ hội du học Đức, chất lượng cao lại miễn học phí 100%. Tuy nhiên, không phải sinh viên Việt Nam nào sang Đức cũng cầm được tấm bằng tốt nghiệp trở về.
Thực tế, khoảng 30-50% sinh viên Đức bỏ cuộc giữa chừng. Tỷ lệ này đối với sinh viên nước ngoài còn cao hơn nhiều.
Nguyên nhân nằm ở chỗ chính sách đào tạo của Đức “chặn đầu ra” của các trường đại học. Các trường miễn 100% học phí nên giữ chuẩn đào tạo ở mức rất cao. Sinh viên phải đáp ứng được yêu cầu mới được ra trường. Điều này khác với ở các nước kinh doanh giáo dục, người học được xem là khách hàng.
Thực tế, khoảng 30-50% sinh viên Đức bỏ cuộc giữa chừng. Tỷ lệ này đối với sinh viên nước ngoài còn cao hơn nhiều.
Giáo sư ở Đức không bị Nhà nước quy định phải cho bao nhiêu phần trăm sinh viên thi đỗ. Ở những trường đại học kỹ thuật hàng đầu nước Đức, những kỳ thi có đến 70% sinh viên thi trượt là bình thường.
Nếu thi trượt một môn 3 lần, sinh viên vĩnh viễn không được học những ngành có môn đó trên toàn nước Đức. Nếu không theo được chương trình đại học, sinh viên có thể chuyển sang học nghề. Hệ thống đào tạo nghề của Đức được xếp vào hạng tốt nhất nhì thế giới, điều kiện làm việc tốt, nhiều phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, sinh viên nước ngoài không được phép học nghề, nên không tốt nghiệp được thì thật sự là vấn đề rất lớn. Để tránh rơi vào tình huống đáng tiếc này, các bạn du học sinh Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi sang Đức và phải nỗ lực bền bỉ trong suốt quá trình học tập.
Hành trang khi sang Đức quan trọng nhất là vốn tiếng Đức và các kỹ năng tự học. Bạn cũng cần có những hiểu biết về văn hóa – xã hội, đặc biệt là những đặc thù trong hệ thống đào tạo của Đức.
Một điều cũng rất quan trọng mà nhiều sinh viên Việt Nam và cả phụ huynh có con du học chưa coi trọng đúng mức là những kỹ năng tổ chức cuộc sống và giao tiếp - ứng xử trong xã hội. Thiếu những điều kể trên, bạn sẽ không thể học tập thành công trên nước Đức được.
Tất cả những kỹ năng này không phải chỉ rèn luyện trong quá trình chuẩn bị mà ngay cả khi đã vào học đại học ở Đức rồi, bạn vẫn phải liên tục trau dồi, để có thể vượt qua những thách thức ngày càng lớn hơn.
> 8 lý do để chọn học tại Simmons University ở Boston
> Những tiêu chí cần cân nhắc khi chọn quốc gia du học
Theo Zing news