Nhiều người nói rằng không nên lắp camera trong lớp học vì lợi bất cập hại nhưng làm thế nào để giáo dục trẻ nghịch ngợm và quá hiếu động thì không ai nói.
Việc gắn camera như con dao hai lưỡi, nhiều người e ngại cảm giác bị "quan sát ", làm mất hình ảnh uy nghiêm của nghề tôn sư trọng đạo nhưng chưa thật sự chưa thấy hết được lợi ích của camera mang lại.
> Nếu không có hình phạt: Chính là khuyến khích trẻ ngạo mạn
> Chọn trường quốc tế cho con, đừng bỏ qua những yếu tố này!
Trước khi so sánh tính hai mặt của việc lắp đặt camera trong lớp học, mọi người nên làm rõ quan điểm có nên phạt, đánh đòn hay không khi trẻ không nghe lời, nghịch ngợm trong lớp.
Căn bản trẻ ngoan ngoãn hay khó bảo không phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Vì giáo viên không thể quản từng chút một cho từng trẻ, nhất là cả lớp đến mấy chục em như vậy. Tính cách của trẻ được hình thành từ cách giáo dục nuôi dạy của gia đình trước đó, không thể đánh đồng việc giáo viên phải kiêm luôn trách nhiệm của phụ huynh như khi ở nhà.
Mặc dù không ít trường hợp việc gia đình mong cho con đi học sớm không phải vì con em hay yêu trường lớp mà vì họ có thể "quẳng" được một "gánh lo" cho nhà trường, cho giáo viên. Phụ huynh luôn có tư tưởng nhờ cậy giáo viên chủ nhiệm hãy quan tâm đến trẻ vì nhà nhiều việc quá, không có thời gian dạy bảo.
Tuy nhiên, khi giáo viên được "giao phó" kèm cặp những trẻ nghịch ngợm, ít được gia đình quan tâm như vậy, giáo viên gặp khó khăn và áp lực hơn. Việc nói bằng lời khó mà để trẻ ngoan ngoãn nên dùng các hình phạt đủ tính răn đe, uốn nắn trẻ ngay từ nhỏ.
Gần đây xảy ra một số trường hợp bạo lực do giáo viên mất kiềm chế và có hành động quá tay với học trò như cô giáo ở Tân Phú khiến cho cha mẹ nhạy cảm với cách giáo dục của giáo viên hơn. Tuy nhiên, nếu đề nghị giáo viên không dùng các biện pháp răn đe đối với học trò là ý kiến của những người chưa trải qua, ích kỷ vì chỉ nhìn vấn đề theo một chiều. Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng hình phạt không có gì xấu, tốt hay xấu còn phụ thuộc ở cách mình thực hiện nó như thế nào.
Vậy hình thức phạt và mức độ phạt nặng nhẹ như nào là hợp lý? Nếu các hình thức phạt nhẹ nhàng như đứng góc lớp, phạt quỳ, chép phạt không còn hữu ích giáo viên có thể phạt vào tay vào mông học sinh, tránh đánh đầu trẻ và những nơi dễ tổn thương. Vì cốt lõi hình phạt cũng chỉ muốn răn đe, uốn nắn trẻ làm việc đúng.
Camera ghi lại những khoảnh khắc trong buổi học
Nhà thơ Tạ Tư Vũ chia sẻ: "Tôi nghĩ bất cứ ai đó có con đi học, họ sẽ có cái nhìn thực tế hơn với việc nên gắn camera trong lớp. Camera không phải để săm soi giáo viên, mà vì tâm lý phụ huynh muốn biết con mình làm gì trong lớp học, họ chỉ muốn nhìn chúng."
Việc lắp đặt camera trong lớp học là công cụ để quan sát và đánh giá đúng bản chất của một trường hợp cụ thể. Mức độ vi phạm của trẻ, thái độ học tập của trẻ như thế nào, giáo viên phạt học sinh như vậy có hợp lý hay không hoàn toàn được khách quan, rõ ràng.
Đồng thời, cha mẹ biết được con trẻ có học ngoan trên lớp, có vâng lời cô giáo, có làm bài tập về nhà đầy đủ hay không. Mặt khác, con trẻ cũng biết được rằng cha mẹ dù có bận rộn vẫn có thể theo dõi tình hình học hành của chúng trên lớp. Như vậy đảm bảo được giáo dục từ hai phía.
Về phía giáo viên, nếu lớp học nay có mặt của chiếc camera có thể vẫn chưa quen với việc bị "nhòm ngó" nhưng giúp giáo viên hạn chế bạo lực với học sinh, kiềm chế cơn nóng giận và giữ vững tôn nghiêm trong giáo dục.
Hơn nữa, giáo viên có được lòng tin tưởng và tín nhiệm ở phụ huynh và cả phía nhà trường. Từ nay, phụ huynh không chủ quan nghe theo những gì con kể, vì bênh con mà bỏ ngoài tai lời giáo viên, thì nay đã có "bao công xử án" để nhìn nhận đúng vấn đề!
Theo Tuổi trẻ