Lời nhắn nhủ của giáo viên với phụ huynh có con trẻ đang độ tuổi đến trường: Phụ huynh hãy thấu hiểu giáo viên và chiều chuộng con đúng cách

> Thầy ngày càng sợ ... trò 

Nên chấp nhận sự khác biệt giữa con cái và cha mẹ 

Gần đây, các vụ bạo lực học đường xuất hiện dày đặc trên báo chí từ vụ cô giáo bắt từng học sinh trong lớp tát bạn, cô giáo véo đỏ tai học sinh, thầy giáo đánh học sinh, lắp đặt camara trong lớp học để giám sát. Tôi và các thầy cô trong nghề giáo nói chung đều bị ảnh hưởng ít nhiều.

Một lần thấy bóng dáng phụ huynh xa xa ngoài cổng trường bước vào, chúng tôi lo lắng nghĩ trộm: 'Có thầy cô nào đánh học trò bị phụ huynh tới mắng vốn đây'. Giật mình vì nhận ra người kia không ai khác chính là phụ huynh của học trò lớp tôi. Chiều hôm qua tôi có phạt bé T. 1 roi vào mông vì không thuộc bảng cửu chương nhân 3 khi đã cho em hẹn nhiều lần nhưng vẫn không học bài. Ngay sau đó, tôi và vị phụ huynh đều có mặt tại phòng hiệu trưởng.

Bao nhiêu bức xúc vị phụ huynh nhìn thẳng vào tôi lớn giọng: "Ai cho phép cô đánh con tôi? Cô có đẻ nó ra, nuôi nó ngày nào đâu mà cô có quyền, cô thấy xót? Cô có biết chúng tôi chưa bao giờ đánh con dù một roi". Tôi chưa kịp giải thích lý do vì vừa mở miệng đã bị ngắt lời phất lờ.  "Thôi, thôi, bất kể lý do gì tôi cũng không thể cho phép ai được động vào nó". Vị phụ huynh lớn tiếng: "Tôi sẽ kiện cô, kiện nhà trường. Tôi không để yên đâu".

Phần tôi hết lời xin lỗi, phần hiệu trưởng cũng gửi lời xin lỗi chân thành đến vị phụ huynh đó và đảm bảo sẽ không có chuyện như thế xảy ra lần nào nữa. Thầy cũng không quên nhắc nhở tôi rút kinh nghiệm chú ý hơn. Tới đây, vị phụ huynh đó có bình tĩnh và xuống giọng: "Lần này tôi bỏ qua, không có lần sau đâu đấy". Tôi và cả hiệu trưởng thở phào nhẹ nhõm.

Từ sau lần đó, tôi quyết định có những chia sẻ chân thành với các vị phụ huynh ở buổi họp đầu năm. Nói đúng hơn là tâm sự về nghề giáo, thực sự chỉ có người trong nghề mới hiểu rõ những áp lực, cái khó trong nghề như thế nào.

Nếu may mắn đứng lớp có nhiều trẻ ngoan ngoãn siêng năng thì xem như cả năm "thuận buồm xuôi gió", nhưng lớp nhiều em lười và hay nghịch ngợm thì tặc lưỡi mà cố gắng dạy bảo. Nhưng ngặt nỗi dạy bảo không nghe lời phải làm sao? Cần có hình phạt đủ tính răn đe, nếu trẻ làm sai mà không chỉ lỗi, không có tính răn dạy chính là nuông chiều, khuyến khích trẻ ngạo mạn, tính ương ngạnh lâu dần sẽ thành thói quen xấu khó bỏ khi lớn lên. Cha mẹ và thầy cô là người có ảnh hưởng đến tính tình sau này của trẻ nhiều nhất. Vậy nên, cần có trách nhiệm tập cho trẻ những đức tính tốt khi còn sớm.

Nếu không có hình phạt: Chính là khuyến khích trẻ ngạo mạn - Ảnh 1Chỉ bảo trẻ làm điều đúng khi còn nhỏ

Tôi thẳng thắn chia sẻ: "Phụ huynh cứ nghe đài, xem ti vi hay những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội về những vụ bạo hành dã man học sinh nên bị ám ảnh. Vậy nên khi về nhà chỉ cần nghe con nói hôm nay bị cô giáo (thầy giáo) đánh là hoảng lên. Thế nhưng tôi chỉ dùng chiếc thước cỡ này phạt mấy em chưa ngoan thì có được không?".

Những câu trả lời vang lên đồng loạt: "Được cô ạ! Cô cứ phạt đi".

Có vị phụ huynh đứng dậy: "Thằng H. nhà tôi quậy lắm, cô cứ đánh giùm, vợ chồng tôi không có ý kiến gì".

Rồi những người khác: "Con M. nhà tôi lười học lắm, cô cứ nghiêm khắc với nó hộ chúng tôi".

"Con tôi tôi biết lì không chịu nỗi, cô cứ phạt thẳng tay. Nhưng cô đừng đánh vào mặt, vào đầu cháu".

Nghe những lời gửi gắm đó, tôi cảm động khi biết rằng vẫn còn nhiều phụ huynh thương con nhưng khi trẻ không vâng lời việc răn đe dạy bảo vẫn phải làm. Điều phụ huynh lo lắng là việc răn đe của giáo viên có đi quá giới hạn hay không. Nếu chỉ dừng lại phạt vào tay hay mông bằng thước nhỏ thì không có vấn đề gì, chỉ sợ giáo viên mạnh tay không thương tiếc với con trẻ gây nên hậu quả nghiêm trọng. 

Nhờ có sự thấu hiểu của phụ huynh, tôi có thêm tự tin đứng lớp và tiết học diễn ra đều suôn sẻ. Các em chăm chỉ làm bài tập được giao về nhà, không còn quậy phá bạn và dần dần chăm chú nghe giảng. Thành thật, giáo viên rất cần sự hậu thuẫn từ phía phụ huynh vì việc giáo dục không chỉ thể một chiều.

Theo Tuổi trẻ