Cha mẹ thường đặt rất nhiều kỳ vọng về tương lai và con đường nghề nghiệp cho con cái. Nhưng không phải con cái nào cũng tuân theo. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh bất bình và dẫn đến nhiều bi kịch.
> Áp lực chọn trường cho con, trường điểm hay trường thường?
> Mong con không phải cắm mặt vào sách vở mà được học nhiều kỹ năng hơn
Trầm cảm nhưng không dám thay đổi
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: "Gần đây có một bạn trẻ 27 tuổi tìm đến tôi với trạng thái bị trầm cảm nặng, nhờ tôi tư vấn. Chuyện là ba mẹ cậu ấy rất giàu, làm về dầu khí, có đầu óc giỏi về khoa học tự nhiên, giỏi tính toán và kinh doanh, nhưng cậu sinh ra lại có sở trường về khoa học xã hội. Thấy con mình sống nhẹ nhàng, thiếu thực tế, không giống mình chút nào, ba mẹ cậu không chấp nhận điều đó và muốn thay đổi tính cách của con, không cho con làm theo những gì con muốn. Đến khi học xong THPT, ba mẹ bắt cậu phải học ngành địa chất để sau này tốt nghiệp sẽ đi làm về dầu khí như mình. Rồi cậu cũng đi đúng con đường mà ba mẹ đã vạch ra... Để bây giờ, cậu ấy sống trong sự buồn chán, dằn vặt, tự thấy mình yếu kém so với đồng nghiệp vì tư duy của cậu ấy không phù hợp với công việc cậu ấy làm. Thế nhưng, cậu không dám bỏ việc vì sợ cha mẹ thất vọng".
Cha mẹ nên lắng nghe, không nên áp đặt suy nghĩ của mình vào con
Theo tiến sĩ Điệp, chuyện con cái khác biệt cha mẹ nhưng không được cha mẹ chấp nhận là rất phổ biến ở VN. Và thông thường, lựa chọn tiếp theo của phụ huynh là "uốn nắn" con sao cho con trở nên giống mình vì cho rằng đó là đúng đắn.
Là một chuyên gia nghiên cứu giáo dục, ông Hồ Thanh Bình (Viện Khoa học giáo dục VN, Bộ GD-ĐT) cho biết không ít phụ huynh có thành tựu nào đó trong sự nghiệp và muốn con cái duy trì, phát huy thành tựu đó, nên tìm cách định hướng và gần như ép con phải tiếp nối mình, cho rằng như vậy mới tốt. Một trong những áp đặt đó là chọn nghề nghiệp cho con theo nhận thức của bố mẹ mà quên đi điều quan trọng là sở thích, ước mơ của con.
Ông Bình nhận định: "Có thể đó là ý tưởng tốt đẹp xuất phát từ tình yêu thương con cái, nhưng yêu thương vậy là sai cách. Họ không hề biết rằng mình đã vô tình phá bỏ giấc mơ của con mình. Hơn nữa, tương lai của các con do chính các con làm chủ, cuộc sống của con chúng ta không sống thay được. Vậy tại sao lại áp đặt con theo ý mình?".
Hạnh phúc là do chính con tìm kiếm
Có lần, ông Khúc Trung Kiên, một chuyên gia phần mềm hàng đầu VN (hiện là Giám đốc Chương trình đào tạo lập trình viên Fast Track SE), được con gái nhỏ khoe có 2 môn đạt điểm cao nhất là... đá cầu và giáo dục công dân.
"Tôi hỏi thế môn toán thì sao, con bảo môn đó con học bình thường. Tôi cười hỏi vậy gien của ba đâu rồi, con nói nó lặn ở đâu mất rồi và đó không phải lỗi của con. Rõ ràng, mấy môn con tôi giỏi thì tôi lại hạng bét. Nhưng sự khác biệt đó với tôi hết sức bình thường, thậm chí tôi còn vui vì thấy con có sở thích và khả năng riêng. Việc dạy con giống mình hay khác mình, gợi đến hai trường phái giáo dục đối lập nhau. Ở phương Tây, con cái thường được hướng theo sở trường riêng, không phụ thuộc vào cha mẹ. Còn ở phương Đông thì ngược lại. Cha mẹ có xu hướng giáo dục con cái theo truyền thống gia đình, hoặc theo ý cha mẹ", ông Khúc Trung Kiên nhìn nhận.
Ông Kiên lý giải thêm, có chuyện này là do tư duy áp đặt, khuôn mẫu trong giáo dục. Bên cạnh đó, nền giáo dục không hướng đến sự phát triển con người một cách đa dạng, không lựa theo năng lực tự nhiên và thiên hướng xã hội của học sinh với quá nhiều gò bó, quy chế, quy định, ràng buộc. Và cuối cùng, theo ông Kiên, là sự thiếu lành mạnh trong phát triển tư duy của cha mẹ, thành ra với chính con mình, phụ huynh lại tìm cách bao bọc, xây dựng quanh đứa trẻ một lớp bảo vệ như "vòng kim cô" kiềm tỏa vô hình và hữu hình cho cả những điều nên và không nên.
Vậy làm sao để cha mẹ chấp nhận sự khác biệt của con? Theo PGS-TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cha mẹ cần hiểu rằng một đứa trẻ có quyền của mình, có cuộc sống của mình.
PGS Trần Nam Dũng chia sẻ: "Tôi có một bài viết về nhà toán học, GS-TS Nguyễn Hữu Việt Hưng. Trong đó có những chi tiết khá thú vị. Theo đó, ông có con trai từng học hệ cử nhân tài năng toán khóa 6 và tốt nghiệp thủ khoa của ĐH Quốc gia Hà Nội. Với thành tích ấy, anh được quyền ở lại trường làm giảng viên nhưng anh lại quyết định làm... bình luận viên bóng đá. GS Hưng từng rất buồn vì điều này nhưng giờ thì ông không buồn nữa vì biết rằng hạnh phúc của con là do chính con kiếm tìm, không thể để vừa lòng bố mẹ mà suốt đời làm một nghề không ưa thích. Chuyện tình cảm hay cách sống cũng thế, chúng ta là cha mẹ đừng can thiệp sâu. Chỉ nhắc con là sống phải có trách nhiệm".
Ông Hồ Thanh Bình mong muốn phụ huynh biết tôn trọng trẻ, tạo điều kiện tối đa cho con phát triển năng lực của mình, cung cấp các thông tin cần thiết cho con tự xử lý thông tin.
"Quan trọng nhất là hãy tôn trọng mong muốn và ước mơ của trẻ. Có thể lựa chọn của con là sai, có thể nó sẽ thất bại... nhưng không sao, mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình mới có thể trưởng thành. Hãy dõi theo và hỗ trợ đường đi của con chứ đừng ép nó phải đi theo con đường của mình. Vì giá trị lớn nhất của đời người là hạnh phúc. Hãy làm cho con bạn hạnh phúc với lựa chọn của nó", ông Bình nói.
Theo Thanh Niên