TS Lê Thị Thanh Mai cũng cho biết bình quân hằng năm có 80% học sinh có nguyện vọng học tiếp ĐH, CĐ trong khi cơ cấu nguồn nhân lực đến 2015 là 59% sơ cấp nghề, TCCN 23%, CĐ 6,6%, ĐH 10,8% và sau ĐH 0,7%.
Bà Mai cũng cho rằng học sinh dễ dàng nắm bắt thông tin tuyển sinh qua nhiều kênh thông tin khác nhau, ngược lại các em lại chưa nắm được thông tin về việc làm, ngành học. Cùng đó các em chưa mạnh dạn khám phá sở thích của bản thân và định hướng nghề nghiệp khi chọn ngành. Ngoài ra, tự nhận diện sức học là bước mà nhiều học sinh “nhắm mắt” bỏ qua hoặc tìm hiểu “đại khái”. Thực tế tuyển sinh ĐH, CĐ đã chứng minh cơ hội trúng tuyển tùy thuộc vào sức học của bản thân là chính. Nếu đại khái, xuê xoa, bỏ qua tự đánh giá năng lực của bản thân thì tăng nguy cơ thi hỏng vào ngành học mình yêu thích.
Theo đó, bà Mai gợi ý: “Các em cần lập sổ tay hướng nghiệp, đây chính là quá trình hướng nghiệp bản thân để đạt mục tiêu cao nhất. Trong đó, ba năm THPT cần xác định các nhóm sở thích nghề nghiệp nổi trội nhất, tiếp đến xác định các nghề quan tâm nhất, thích nhất và xác định những ngành học thích nhất, trường ĐH-CĐ thích nhất, kết quả học tập khối thi nổi trội nhất…”.
TS Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết chương trình này được tổ chức dành riêng cho giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại 250 trường THPT từ Quảng Nam đến Cà Mau. Chương trình đã thu hút 400 giáo viên hướng nghiệp và khoảng 6.500 học sinh từ các trường THPT tham dự.
Theo Báo Pháp luật Tp.HCM, http://plo.vn/giao-duc/giao-vien-gap-kho-khan-ve-phuong-phap-huong-nghiep-523725.html