Dựa vào tình hình đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và chỉ tiêu xét tuyển các trường đại học dành cho phương thức này, có thể dự báo điểm chuẩn năm nay.

TP.HCM bắt đầu chấm thi tốt nghiệp THPT từ hôm nay

TP.HCM bắt đầu chấm thi tốt nghiệp THPT từ hôm nay

Hôm nay, 9.7, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai công tác chấm bài thi tốt nghiệp THPT của khoảng 85.000 thí sinh dự thi, dự kiến kéo dài trong 14 ngày.

1. Dự đoán về phố điểm thi tốt nghiệp THPT

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đánh giá: “Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay không quá khó. Đề thi các môn đều tương đối vừa sức và quen thuộc với thí sinh (TS), bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đề vẫn có tính phân loại, đặc biệt ở các môn ngữ văn, toán. TS trung bình khá, nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt khoảng 6 - 7 điểm môn ngữ văn, 7 - 8 điểm môn toán và các môn thi còn lại. Đây có thể cũng sẽ là phổ điểm chung của kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, TS sẽ khó đạt điểm tuyệt đối nhiều như các năm trước”.
Cũng theo ông Quốc Anh, bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên được đánh giá có tính phân loại cao hơn so với tổ hợp khoa học xã hội. Bài thi khoa học tự nhiên có nhiều câu dạng vận dụng, yêu cầu học sinh khá giỏi mới có thể kiếm điểm nên phổ điểm chung dự kiến khoảng 6 - 7. Trong khi đó, ở bài thi khoa học xã hội nhìn chung đề không đánh đố TS, độ phân loại không cao. Vì vậy, phổ điểm dự kiến bài thi này cao hơn, khoảng 7 - 8. Như vậy, điểm trúng tuyển các tổ hợp toán - lý - hóa, toán - lý - tiếng Anh, toán - văn - tiếng Anh năm nay có thể sẽ thấp hơn so với các tổ hợp khoa học xã hội.

Dự đoán điểm chuẩn ĐH xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1

Thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 với tâm trạng thoải mái

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận: “Trên bình diện chung của nhận xét đề thi và làm bài của TS, điểm chuẩn bình quân phương thức này có thể tăng 0,5 điểm so với năm ngoái”. Ông Sơn phân tích thêm những trường ĐH có mức điểm cao năm ngoái, điểm chuẩn năm nay có thể tương đương trong khoảng 22 - 28 điểm tùy theo ngành. Đặc biệt, điểm trúng tuyển vào các ngành “nóng” như công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, truyền thông đa phương tiện… có thể cao hơn năm 2021 khoảng từ 0,5 - 1,5 điểm.

2. Điểm chuẩn ngành nào sẽ tăng?

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng với độ khó của đề thi năm nay cộng với chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT có giảm đôi chút so với năm 2021 thì điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2021. Đặc biệt, với các ngành thu hút sự quan tâm của TS như: công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng... cũng như các ngành khối sức khỏe ở các trường ĐH lớn sẽ khó vượt qua 28 điểm. Riêng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân dự đoán: “Điểm trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào các ngành dự kiến dao động trong khoảng của các năm 2020 và 2021”.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, điểm chuẩn có thể cao hơn năm ngoái từ 0,5 - 1 điểm (dự kiến sẽ từ 16 - 25 điểm tùy ngành). Những ngành điểm cao từ 24,5 - 25 điểm có thể kể đến như: công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, marketing. Các ngành kế toán, tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế... dự kiến cao hơn năm ngoái khoảng 0,5 điểm (tức 23 - 23,5 điểm). Còn các ngành khác sẽ tương đương năm 2021 như công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, điện tử, cơ khí chế tạo máy.

> Duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay đến năm 2025?

> Bộ GD&ĐT nói gì về việc nhiều người đoán trúng tác phẩm ở đề thi Ngữ văn?

Theo báo Thanh Niên