Có một số chuyên gia nhận định điểm chuẩn năm 2019 sẽ là mức điểm chuẩn trung bình giữa năm 2018 và 2017.
> Tra Điểm Thi THPT Toàn Quốc 2019
> Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng đại học sau khi biết điểm năm 2019
Điểm chuẩn Đại học năm 2019 sẽ tăng nhẹ so với năm 2018
Theo đại diện nhiều trường đại học (ĐH), thí sinh năm nay nên so điểm thi của mình với mức điểm thi năm 2017 để thấy được mức tương đồng, không nên so sánh với điểm năm 2018 - năm có đề thi "khó nhằn" - để "định vị" điểm chuẩn các trường.
Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia nhận định điểm chuẩn năm 2019 sẽ là mức điểm chuẩn trung bình giữa năm 2018 và 2017.
Có thể tăng 0,5-2,5 điểm
Theo ThS Phạm Thái Sơn (giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), năm nay mức điểm cao từ 7, 8 trở lên phân hóa khá tốt, nên việc xét tuyển ĐH cũng rất thuận lợi để các trường chọn được thí sinh phù hợp.
"Năm nay các trường có nhiều phương án tuyển sinh nên chỉ tiêu xét từ điểm thi THPT quốc gia giảm, dự đoán điểm chuẩn các trường top trên và ngành "hot" sẽ tăng hơn năm ngoái tầm 2-2,5 điểm. Trong khi những ngành hằng năm có điểm chuẩn 18-21 sẽ ít biến động, tùy trường với mức tăng dưới 2 điểm" - ông Sơn dự báo.
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cũng dự báo nhiều khả năng điểm chuẩn của trường năm nay sẽ nhích nhẹ so với năm ngoái.
"Trong đó, một số ngành "hot" của trường như công nghệ kỹ thuật ôtô, công nghệ thông tin, du lịch và lữ hành có thể tăng 1,5-2 điểm. Phần lớn các ngành còn lại của trường dự kiến sẽ tăng 1 điểm. Riêng nhóm ngành môi trường hiện có ít hồ sơ nên có thể điểm chuẩn sẽ không biến động" - ông Nhân cho hay.
Điểm trung bình môn Lịch sử cả nước
Trong khi đó, ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết dựa vào phổ điểm thi THPT quốc gia 2019 và trên cơ sở số liệu nguyện vọng đăng ký cụ thể ở trường này, điểm chuẩn các nhóm ngành vào trường dự đoán tăng theo những mức khác nhau, tùy theo nhóm ngành.
Cụ thể nhóm ngành IV (công nghệ sinh học và công nghệ sinh học - chất lượng cao) tăng từ 1-2,5 điểm; khoa học vật liệu, địa chất học và hải dương học có thể không tăng hoặc tăng khoảng 0,5-1 điểm; hóa học tăng 2 điểm; sinh học, khoa học môi trường, vật lý học tăng 1-1,5 điểm; nhóm ngành V: nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ thông tin - chất lượng cao - chương trình tiên tiến, công nghệ kỹ thuật hóa học tăng 1,5-2,5 điểm; kỹ thuật điện tử viễn thông tăng 1,5 điểm; kỹ thuật điện tử viễn thông - chất lượng cao, công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật hạt nhân, toán học tăng từ 1-1,5 điểm.
"Nay đã có điểm thi, thí sinh cân nhắc có thể thay đổi nguyện vọng đến các ngành sinh học, khoa học môi trường, vật lý học, toán học, khoa học vật liệu, địa chất học và hải dương học. Đây là những ngành dự báo điểm chuẩn sẽ không tăng nhiều so với năm trước" - ông Quán khuyên.
Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết điểm sàn dự kiến của trường năm nay là 18 điểm chương trình đại trà và 17 điểm chương trình chất lượng cao. Điểm chuẩn các ngành thường của trường sẽ tăng 0,5-0,75 điểm, ngành "hot" tăng 1-1,5 điểm.
"Do phổ điểm dịch sang phải nên điểm chuẩn các trường top dưới nhiều khả năng sẽ tăng mạnh. Theo nhận định, đề thi môn tiếng Anh năm nay khó hơn đề môn hóa. Tôi khuyên các em nếu điểm môn hóa cao hơn tiếng Anh thì nên điều chỉnh nguyện vọng chuyển từ A01 sang A00 để tăng cơ hội trúng tuyển vì đa số các trường không phân biệt giữa các khối trong xét tuyển" - ông Dũng nói.
TS Nguyễn Đào Tùng - trưởng ban đào tạo Học viện Tài chính - dự báo với nhóm trường kinh tế, các trường top đầu điểm chuẩn có thể tăng nhẹ, dưới mức 1 điểm. Với trường top giữa điểm chuẩn có thể tăng ở mức nhỉnh hơn, trên 1 điểm. Còn các trường điểm chuẩn ngành kinh tế các năm không cao, năm nay dự báo 16-17 điểm.
"Riêng trường chúng tôi đã chủ động nâng mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển lên 18 điểm, tăng 1 điểm so với thông báo trước đó. Điểm chuẩn các ngành vào trường có thể tăng 1 điểm" - ông Tùng dự báo.
Trường top đầu: khó có đột biến
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - nhìn nhận đề thi năm nay được đánh giá dễ hơn năm ngoái nhưng thực ra vẫn có độ phân hóa.
"Qua phổ điểm Bộ GD-ĐT vừa công bố cho thấy mức độ phân hóa của đề thi nằm ở khoảng điểm từ 8 trở lên và đây là điểm cạnh tranh của thí sinh, qua đó phân biệt được thí sinh khá giỏi và rất giỏi trong kỳ thi năm nay. Như vậy điểm chuẩn các ngành cao nhất có thể sẽ tăng hơn năm 2018" - ông Khôi nói.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), các ngành xã hội có nhu cầu cao (khoa học máy tính, nhóm ngành điện - điện tử, cơ khí - cơ điện tử, hóa - sinh - công nghệ thực phẩm, quản lý công nghiệp, hệ thống công nghiệp - logistics, kỹ thuật ôtô...) điểm chuẩn có thể cao hơn năm ngoái từ 1,5 điểm.
Điểm trung bình môn tiếng Anh cả nước
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - nhận định: "Năm 2018, mức điểm chuẩn của trường dao động từ 20-25,35 điểm, nhưng năm nay có thể mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các ngành thu hẹp lại. Điểm chuẩn các ngành sẽ tăng. Ngay cả những ngành "hot" như tự động hóa, công nghệ thông tin, dù điểm chuẩn năm ngoái cao, nhưng năm nay chắc chắn cũng không thể thấp hơn".
PGS.TS Bùi Đức Triệu - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho biết căn cứ vào số lượng nguyện vọng đã đăng ký vào trường, phổ điểm và xu thế điểm chuẩn các năm trước, dự kiến một số ngành "hot" của trường sẽ tăng điểm trúng tuyển so với năm ngoái như kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, marketing, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng...
Tuy nhiên, thí sinh đạt 20 điểm vẫn có cơ hội trúng tuyển vào trường nếu đăng ký vào một số ngành như thống kê kinh tế, kinh tế tài nguyên thiên nhiên, quản lý công, hay một số ngành, chương trình học bằng tiếng Anh.
Theo Tuổi trẻ