I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 1982, lịch sử hình thành và phát triển Trường được đổi tên và nâng cấp qua các giai đoạn:
Ngày 09/9/1982, Trường được thành lập theo quyết định số 986/CNTP của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thực phẩm với tên gọi: Trường Cán bộ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Trường có nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nghiệp vụ kinh tế, kỹ thuật cho các cơ sở thuộc ngành Công nghiệp Thực phẩm ở phía Nam.
Ngày 03/5/1986, Trường được đổi tên thành: Trường Trung học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 25/CNTP/TCCB của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thực phẩm. Trường có nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kinh tế, kỹ thuật hệ Trung học cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp thuộc ngành Công nghiệp Thực phẩm ở các tỉnh, thành phố phía Nam.
Ngày 02/01/2001, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định số 18/QĐ-BGD&ĐT-TCCB của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Trường có nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kinh tế, kỹ thuật có trình độ Cao đẳng và các trình độ thấp hơn (Trung học chuyên nghiệp và Công nhân kỹ thuật), nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 23/02/2010, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 284/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Trường có nhiệm vụ :
+ Đào tạo các trình độ, đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề;
+ Đào tạo lại và đào tạo nâng cao;
+ Đào tạo sau đại học khi đủ điều kiện;
+ Nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ;
+ Hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học;
+ Tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, Trường có 12 khoa, 11 phòng, ban chức năng và 07 trung tâm.
II. NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÁC MẶT HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG
2.1. Quy mô đào tạo bồi dưỡng
Nhà trường chú trọng các điều kiện để phát triển quy mô gắn liền với nâng cao chất lượng đào tạo. Thực hiện đa dạng các hình thức đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho ngành và nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Lưu lượng học sinh sinh viên hiện nay khoảng 17.000 và sẽ tiếp tục tăng ở cả 3 hệ đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp.
Về đào tạo liên kết: liên kết với trường Đại học Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo Thạc sỹ, lên kết với một số địa phương, ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề… quá trình tổ chức đào tạo liên kết đảm bảo đúng quy định, quy trình và quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương.
Về đào tạo các lớp ngắn hạn: Trường vẫn tổ chức đào tạo các lớp bổ túc nghề, vệ sinh an toàn thực phẩm, thủy sản, tin học, ngoại ngữ và các lớp đào tạo nâng bậc, đào tạo lại cho các cơ quan, xí nghiệp, công ty đóng trên địa bàn như Tổng Công ty Rượu Bia Nước giải khát Sài Gòn, Công ty Vinamilk, Công ty thuốc lá Sài gòn, phòng Giáo dục Đào tạo các Quận, Huyện, đào tạo hệ Trung cấp nghề ngành Hóa Phân tích và Công nghệ Hóa khóa 2 cho dự án sản xuất Alumina của Tập đoàn Than - Khoáng sản cho các tỉnh Tây nguyên … Quá trình tổ chức đào tạo đúng quy chế, đảm bảo chất lượng được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Hiện trường đào tạo 12 ngành đại học (1) Công nghệ thực phẩm, (2) Công nghệ chế tạo máy, (3) Công nghệ sinh học, (4) Công nghệ thông tin, (5) Công nghệ kỹ thuật hóa học, (6) Công nghệ chế biến thủy sản, (7) Đảm bảo chất lượng & An toàn thực phẩm, (8) Quản trị kinh doanh, (9) Tài chính – ngân hàng, (10) Kế toán, (11) Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử (dự kiến), (12) Công nghệ kỹ thuật môi trường (dự kiến); 16 ngành đào tạo cao đẳng (1) Công nghệ thực phẩm, (2) Công nghệ thông tin, (3) Công nghệ kỹ thuật điên – điện tử, (4) Công nghệ kỹ thuật nhiệt, (5) Công nghệ vật liệu, (6) Công nghệ kỹ thuật cơ khí, (7) Công nghệ kỹ thuật hóa học, (8) Công nghệ chế biến thủy sản, (9) Kế toán, (10) Quản trị kinh doanh , (11) Việt Nam học (chuyên ngành du lịch), (12) Công nghệ sinh học, (13) Công nghệ kỹ thuật môi trường, (14) Công nghệ May, (15) Công nghệ Giày, (16) Tài chính ngân hàng (dự kiến) và 11 nghề đào tạo thuộc hệ cao đẳng nghề chính quy (1) Lập trình máy tính, (2) Kỹ thuật chế biến món ăn, (3)Kiểm nghiệm chất lượng lương thực, thực phẩm, (4) Điện công nghiệp, (5) Điện tử công nghiệp, (6) Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, (7) Tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, (8) Chế tạo thiết bị cơ khí, (9) Kế toán doanh nghiệp, (10) Thiết kế thời trang, (11) Quản trị nhà hàng.
2.2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
Với nhận thức chất lượng đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định đối với chất lượng đào tạo cũng như sự phát triển bền vững của Nhà trường. Do vậy, Nhà trường luôn quan tâm, coi trọng việc xây dựng và bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên theo hướng hợp lý về cơ cấu và chuẩn hoá về trình độ. Chú trọng bồi dưỡng giáo viên đầu ngành và những cán bộ trẻ có năng lực, đặc biệt chú ý đến nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Nhà trường đã tổ chức mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giảng viên theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, nhà trường cử giáo viên, cán bộ, công nhân viên được đi nước ngoài học tập, khảo sát, tìm hiểu kinh nghiệm đào tạo của các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc … Từ đó chất lượng giáo viên, cán bộ được nâng cao rõ rệt, phương pháp giảng dạy mới với các trang thiết bị và đồ dùng dạy học tiên tiến đang nhanh chóng thay thế cho phương pháp giảng dạy lạc hậu, thụ động. Trình độ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ngày càng được nâng lên rõ rệt, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng đào tạo. Hiện nay, tổng số CB.GV.NV cơ hữu của trường lên đến gần 600 người với 28 đầu mối quản lý chính.
Giáo viên thỉnh giảng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nhà trường. Hiện có gần 200 người cùng tham gia các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường, trong đó nhiều GS, PGS, TSKH, TS, ThS và các kỹ sư, nghệ nhân đầu ngành ở các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp góp phần đa dạng hóa chương trình đào tạo, giáo trình học tập, kỹ năng, kiến thức sát với thực tế hơn.
2.3. Công tác biên soạn chương trình, giáo trình và bổ sung thiết bị dạy học
Đổi mới nội dung, chương trình là yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Việc biên soạn chương trình đã trở thành nhiệm vụ quan trọng. Trong những năm qua Nhà trường đã tập trung biên soạn lại toàn bộ chương trình đào tạo các bậc học (trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp, cao đẳng liên thông, đại học) theo hướng gắn với nhu cầu xã hội, hiện đại và liên thông. Trường có hệ thống phòng học lý thuyết và giảng đường với gần 200 phòng, trong đó 100% các phòng được trang bị projector, tivi màn hình lớn để có thể áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến; gần 20 xưởng thực hành với các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu đào tạo, một số xưởng trang bị thiết bị hiện đại; gần 100 phòng thí nghiệm, 2 hội trường lớn, nhiều phòng chuyên dùng cho tổ chức các ceminar, hội thảo chuyên môn và sinh hoạt sư phạm. Trường có nhiều phòng học và thi online, bắt đầu từ năm học này, để tách người dạy, người ra đề, người tổ chức thi và người thi nhà trường bổ sung thêm hơn 200 máy tính chuyên dùng cho việc thi trắc nghiệm khách quan trong hơn 70% môn thi.
2.4. Công tác kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất
Việc kết hợp đào tạo với lao động sản xuất, nghiên cứu thực nghiệm khoa học gắn với ngành nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, đồng thời có thêm nguồn thu phục vụ cho dạy và học. Đây là một thế mạnh của Trường trong việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh. Trường đã đầu tư xây dựng mới Trung tâm thực hành - Thí nhiệm, trang bị thêm các thiết bị, dụng cụ tiên tiến để cho HSSV thực tập, thực hành, thường xuyên tổ chức cho HSSV đi tham quan thực tế, thực tập tốt nghiệp tại các công ty, nhà máy… chính vì thế mà HSSV có cơ hội làm quen với thực tế sản xuất, kỹ năng thực hành nghề được nâng cao.
2.5. Công tác xây dựng cơ sở vật chất
Nhà trường quan tâm đến công tác xây dựng vật chất, thời gian qua đã tập trung kinh phí xây dựng cơ sở vật chất từ đó đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
+ Diện tích đất nhà trường đang được sử dụng: 34,6 ha.
+ Cơ sở đào tạo của trường: 4 cơ sở
2.6. Thực hiện chế độ chính sách
Thực hiện chính sách tự chủ và tự chịu trách nhiệm, nhà trường tạo mọi điều kiện và áp dụng các cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với cán bộ, giảng viên có trình độ cao về trường công tác. Nhà trường thường xuyên tổ chức nâng ngạch, nâng bậc lương, tiền thưởng, chế độ ưu đãi, chế độ dạy thêm giờ đối với giáo viên, cán bộ, công nhân viên của Trường theo đúng chế độ chính sách đã ban hành. Thu nhập bình quân của giáo viên, cán bộ, công nhân viên luôn đảm bảo năm sau đều tăng hơn năm trước.
Hàng năm nhà trường đều tổ chức cho toàn thể giáo viên, cán bộ viên chức đi tham quan, du lịch trong nước và nước ngoài. Nhà trường thực hiện quy chế dân chủ trong tất cả các tiêu chuẩn thi đua, chỉ tiêu phấn đấu, mức độ khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, cán bộ, công nhân viên và sinh viên - học sinh bảo đảm tính công khai dân chủ thông qua các kỳ Hội nghị Công chức và Đại hội Công đoàn hàng năm.
2.7. Những thành tích đạt được
Để ghi nhận thành quả đạt được của các thế hệ lãnh đạo và toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và HSSV toàn trường, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, bao gồm:
Tập thể: Huân chương Độc lập hạng Hai: 2012 Huân chương Độc lập hạng Ba: 01/2007 Huân chương Lao động hạng Nhất: 10/2001 Huân chương Lao động hạng Hai: 11/1996 Huân chương Lao động hạng Ba: 1991 Và nhiều cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
Cá nhân: Huân chương Lao động hạng 2: Thầy Vũ Tế Xiển, năm 2006 Huân chương Lao động hạng 3: Thầy Vũ Tế Xiển, năm 2001 Huân chương Lao động hạng 3: Thầy Phạm Khôi, năm 2011 Nhiều cá nhân được công nhận là Chiến sỹ thi đua toàn quốc, bằng khen của Thủ tướng chính phủ, chiến sỹ thi đua của Bộ Công Thương, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trải qua hơn 32 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh từ một cơ sở đào tạo nghề nghèo nàn đã trở thành một trường đại học hiện đại, là một trung tâm đào tạo có uy tín và tương lai sẽ còn phát triển mạnh mẽ. Có được kết quả trên là sự phấn đấu không ngừng, vượt qua mọi khó khăn của các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, cán bộ, viên chức và học sinh sinh viên, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục & Đào tạo, UBND Tp. Hồ Chí Minh, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và sự làm việc với tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ chủ chốt, đặc biệt sự đóng góp rất hiệu quả của tập thể giảng viên, cán bộ, nhân viên Nhà trường, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên đã quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra nhằm góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.