Đây là các ngành thuận lợi cho TP.HCM hội nhập nhưng để đảm bảo chất lượng đào tạo là cả một quá trình cần lưu tâm.
> Tra cứu điểm chuẩn các trường Đại học, Cao đẳng 2019
> Những lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 2019
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM robotics và trí tuệ nhân tạo có điểm sàn xét tuyển lên đến 24
Ngành mới cũng là ngành nóng
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, dù là ngành học mới nhưng robotics và trí tuệ nhân tạo có điểm sàn xét tuyển lên đến 24. Những ngành khác đang được thí sinh quan tâm những năm gần đây cũng có mức điểm sàn cao là ô tô, công nghệ thông tin 21 điểm (đại trà), 20 điểm (chất lượng cao).
Thời gian vừa qua, rất nhiều trường mở ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Theo lý giải của các trường, đây là ngành học đáp ứng nhu cầu về nhân lực rất lớn trong lĩnh vực này ở thời điểm hiện tại và các năm sắp tới. Sự quan tâm của thí sinh với ngành này cũng rất lớn.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM hay Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có mức điểm sàn xét tuyển là 17, cao hơn so với nhiều ngành học truyền thống khác ở khối quản trị, tài chính, truyền thông.
Bên cạnh đó, các ngành liên quan đến “quốc tế” đều là ngành nhận được sự quan tâm lớn của thí sinh. Ngành kinh doanh quốc tế tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng có điểm sàn 26, ngang với ngành dược học. Ngành này cũng có mức điểm sàn cao nhất tại Trường ĐH Mở TP.HCM với 18 điểm. Tại Trường ĐH Sài Gòn, ngành này có điểm sàn 17 điểm, cao hơn 2 điểm so với một số ngành khác.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, ngành luật quốc tế có mức điểm sàn năm nay lên đến 19 điểm, cao nhất trong các ngành. Ngành quan hệ quốc tế cũng có mức điểm sàn lên đến 18 điểm.
Ngành kinh doanh quốc tế cũng có mức điểm sàn cao tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM với 18 điểm. Trong khi đa số các ngành tại trường có mức điểm sàn là 16 điểm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng ngành kinh doanh quốc tế hay quản trị khách sạn được xem là những ngành nóng trong nền kinh tế hội nhập hiện nay do cơ hội nghề nghiệp tốt, thu nhập hấp dẫn... nên luôn được thí sinh ưu tiên lựa chọn.
Nhóm ngành có gắn với công nghệ kỹ thuật
Theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh - truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, hiện nay bên cạnh các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành sư phạm thì các nhóm ngành có gắn với công nghệ kỹ thuật có mức điểm sàn cũng tăng cao.
Điều đó phù hợp với xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh và nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Theo số liệu của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thì nhu cầu nhân lực nhóm ngành kỹ thuật công nghệ chiếm 35%, nhóm ngành kinh tế, tài chính, quản trị chiếm 33%, nhóm ngành dịch vụ và các ngành còn lại chiếm 32%. Từ thực tế nhu cầu về nguồn nhân lực và sự chọn lựa của thí sinh trong những năm qua chứng tỏ nhiều ngành học trong nhóm ngành kỹ thuật công nghệ và gắn với quốc tế đang được chú ý.
Nhận định về xu hướng chọn ngành này, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực, Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, cho rằng việc quan tâm chọn ngành của thí sinh như vậy là đúng hướng. Chẳng hạn, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng gồm chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí về lưu kho, vận chuyển, vận tải, xử lý công nợ… Công việc này rất cần nhân lực và đều là nhân lực chất lượng cao. Những ngành liên quan đến quốc tế cũng vậy. Quá trình hội nhập ngày càng mạnh cần nhân lực có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ và luật pháp quốc tế.
“Các trường mở những ngành như vậy là đúng hướng. Đây là các ngành thuận lợi cho TP.HCM hội nhập nhưng để đảm bảo chất lượng đào tạo là cả một quá trình cần lưu tâm. Sinh viên học các ngành này ra trường cũng không có nghĩa là có việc làm ngay. Ngoài kiến thức cũng cần phải kỹ năng, kinh nghiệm… mới tìm được công việc phù hợp và phát triển bản thân”, ông Tuấn nhận định.
Theo Thanh niên