Học phí năm học 2022-2023 của nhiều trường đại học công lập tự chủ tăng kịch trần. Điều này gây ra sự lo lắng không nhỏ cho người học.

Tuyển sinh đại học 2022 và những khó khăn mà thí sinh gặp phải

Tuyển sinh đại học 2022 và những khó khăn mà thí sinh gặp phải

Bên cạnh những hoạt động đẩy mạnh tuyển sinh của các trường, không ít các thí sinh lại mắc phải những khó khăn để đưa ra quyết định cho tương lai.

1. Nhiều đại học tăng học phí kịch trần

Năm 2021, Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo giữ học phí ổn định năm học 2021-2022 như mức học phí năm học trước. Học phí các trường có một năm bình yên. Tuy nhiên, năm học 2022-2023 sắp tới, học phí các trường đại học tự chủ sẽ đồng loạt tăng mạnh dựa vào nghị định 81/2021/NĐ-CP.

1.1 Tăng vài chục phần trăm

Theo thông tin từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM, mức học phí 20,5 triệu đồng/năm được duy trì ổn định trong hai năm (năm học 2020-2021, 2021-2022). Từ năm học 2022-2023, học phí được quy định bởi nghị định 81/2021/NĐ-CP, theo đó học phí được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm. Như vậy, mức học phí hệ đại trà năm học mới tăng 10,75 triệu đồng so với năm học trước.
Tại Trường đại học Luật TP.HCM, năm học 2021-2022 trường dự kiến thu học phí từ 30 đến 45 triệu đồng/năm học, tùy ngành. Tuy nhiên, do Bộ GD-ĐT yêu cầu giữ ổn định học phí nên trường vẫn thu học phí hệ đại trà từ 18 đến 36 triệu đồng/năm tùy ngành. Năm học tới, học phí hệ này của trường sẽ tăng lên từ 31,25 đến 39 triệu đồng/năm. Như vậy, ngành có mức tăng cao nhất lên đến 13,25 triệu đồng. Riêng hệ chất lượng cao, ngành quản trị luật có học phí tăng hơn 24,6 triệu đồng so với năm học trước.
Cũng trong năm học tới, học phí Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tăng từ 12 đến 13 triệu đồng/năm tùy ngành. Trong đó các ngành y, dược và răng hàm mặt có học phí hơn 44 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại có học phí 43 triệu đồng. Trong khi đó, học phí năm học tới của Trường đại học Y dược TP.HCM có sự tăng, giảm tùy theo ngành so với năm học trước. Trong đó, răng hàm mặt, y tế công cộng, dinh dưỡng tăng 7 triệu đồng, y khoa tăng 6,8 triệu đồng/năm.
Ở chiều ngược lại, một số ngành lại có học phí giảm mạnh so với năm học trước như kỹ thuật phục hình răng giảm 18 triệu đồng, từ 55 triệu đồng xuống còn 37 triệu đồng/năm.

Đại học tăng học phí - Sức nặng không nhỏ lên vai người học - Ảnh 1

Năm học 2022-2023 sắp tới, học phí các trường đại học tự chủ sẽ đồng loạt tăng mạnh dựa vào nghị định 81/2021/NĐ-CP

Ở khu vực phía Bắc, theo thông báo của Trường đại học Luật Hà Nội, từ năm học 2022-2023, học phí hệ đại trà là 572.000 đồng/tín chỉ trong khi năm học trước là 280.000 đồng/tín chỉ. Nhiều ngành tại Trường đại học Y Hà Nội có học phí tăng mạnh từ 14,3 triệu đồng của năm học trước lên 24,5 triệu đồng/năm, tăng 71,3%.
Đây là mức học phí trần của nghị định 81. Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022 là 42 triệu đồng/năm, so với mức 35 triệu đồng/năm/sinh viên của năm học trước.

1.2 Trường thu kịch trần, trường chỉ tăng nhẹ

Đa số học phí được các trường lấy theo mức trần (mức cao nhất) nghị định 81. Ông Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM - cho biết do trường tự chủ hoàn toàn, không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước nên học phí được tính đúng, tính đủ theo mức trần nghị định 81.
"Đáng lẽ trường thực hiện tăng học phí khóa mới từ năm 2021 theo nghị định 81 nhưng Bộ GD-ĐT chỉ đạo giữ ổn định học phí nhằm chia sẻ khó khăn với người học nên trường vẫn giữ nguyên học phí như năm 2020. Mức tăng học phí năm nay được tính theo năm 2021 chứ không phải năm 2021 cộng thêm 10%" - ông Hiển nói.
Lý giải việc học phí nhiều ngành tăng, giảm so với học phí năm trước, ông Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết học phí năm nay được xác định theo nghị định 81 nên có một số thay đổi dẫn đến học phí được điều chỉnh tăng so với năm học trước.
Trong khi đó, nhiều trường không áp mức trần học phí theo quy định mà tính toán, xác định học phí ở mức thấp hơn. Ông Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết trường không áp dụng mức trần học phí mà tính toán nhiều mức học phí khác nhau.
Với những ngành có nhu cầu ít, trường xác định mức học phí thấp hơn, được Đại học Quốc gia hỗ trợ 35% học phí để người học có thể theo học được. Chẳng hạn những ngành có học phí 16 triệu đồng, được hỗ trợ 35% học phí nên học phí sinh viên thực đóng chỉ trên 13 triệu đồng/năm. Trường thu học phí kịch trần với những ngành có nhu cầu lớn.

2. Áp lực học phí đổ lên vai người học

Sau một năm dừng tăng vì Covid-19, học phí nhiều đại học tăng mạnh trong năm nay, có trường tăng 60-70% khiến người học gánh thêm áp lực.
Ngày 2/8, Đại học Luật TP HCM thông báo mức học phí đối với sinh viên nhập học năm 2022 các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh (hệ đại trà) là 151 triệu đồng cho bốn năm. Đây là mức thấp nhất trong các ngành. Mức cao nhất là gần 766 triệu đồng, áp dụng với ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh). So với khóa sinh viên nhập học năm 2021, học phí áp dụng với khóa mới tăng mạnh từ 3 đến gần 70 triệu đồng một năm.
Trong đề án tuyển sinh ban hành hôm 23/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền công bố học phí dự kiến với sinh viên chính quy năm 2022 là hơn 440.000 đồng/tín chỉ với hệ đại trà và hơn 1,32 triệu đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao. Mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so năm 2021. Với 143 tín chỉ trong bốn năm học, trung bình mỗi năm sinh viên cần nộp 15,75-47 triệu đồng.
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần.
Đây chỉ là ba trong số rất nhiều đại học tăng học phí từ năm học tới. Theo lý giải của các trường, học phí tăng bởi các đại học phải xây dựng khung mới, theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Theo khung quy định, học phí tất cả khối ngành năm 2022-2023 đều tăng so với năm trước từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm.
Với trường công lập tự chủ, học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần được quy định. Riêng các chương trình đạt mức kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường được tự xác định mức học phí dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật của mình.

Đại học tăng học phí - Sức nặng không nhỏ lên vai người học - Ảnh 2

Mức trần học phí từ năm học 2022-2023 với trường chưa tự chủ, theo Nghị định 81/2021.

Tại hội nghị Tự chủ đại học ngày 4/8, PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Ban Kế hoạch - Tài chính (Đại học Quốc gia TP HCM) chia sẻ ba nguồn thu chính tại các trường công lập gồm: ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư...). Trong đó, học phí là nguồn thu lớn và quan trọng nhất.
Khi các trường tự chủ, đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ giảm. Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác nhưng việc gia tăng các nguồn thu phụ thuộc vào quy định pháp luật cũng như cần thời gian lâu dài. Vì vậy, các trường buộc phải tăng học phí.
Thực tế, việc tăng học phí giúp nhiều trường tăng doanh thu; giảng viên tăng thu nhập; cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nó cũng có những mặt trái, nổi cộm là tạo áp lực lên vai người học.
Minh Đức (18 tuổi, Phú Thọ) lo lắng về việc chọn ngành học ngay từ khi chưa thi tốt nghiệp THPT. Bố mẹ là công nhân, tổng thu nhập một năm khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này vừa dùng để chi tiêu hàng tháng, nuôi hai anh em ăn học xa nhà, trả nợ ngân hàng, khiến cả nhà phải nghĩ tới chuyện học phí đầu tiên thay vì chọn trường, ngành phù hợp với lực học.
Yêu thích Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng Đức bỏ qua ngay khi tìm hiểu, thấy học phí năm tới là 24-30 triệu đồng với chương trình chuẩn, 35-60 triệu đồng với một số chương trình khác.
"Với mức này, mỗi tháng ít nhất em đóng khoảng 3 triệu học phí, chưa kể sinh hoạt phí và hàng loạt chi phí khác. Tiết kiệm chắc cũng phải hết 6-7 triệu một tháng. Mà cả học phí lẫn chi phí sinh hoạt đều tăng hàng năm", Đức nói. Tính 10 tháng cho một năm học, em tiêu tốn một phần ba thu nhập của gia đình.
Suy nghĩ vậy, Đức đã tham gia sơ tuyển các trường quân đội để đăng ký một nguyện vọng vào khối trường này, kế đến là nguyện vọng vào ngành Sư phạm Toán của Đại học Sư phạm Hà Nội để được miễn học phí nếu trúng tuyển rồi mới tính đến các trường khác.
Thế Quốc (quê Nghệ An), chỉ đạt 18 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa). Mức này không đủ để em trúng tuyển trường top đầu nhưng cũng có thể đỗ vào ngành kỹ thuật của nhiều trường. Tuy nhiên, nam sinh quyết định học cao đẳng.
"Em không muốn cố vào một trường đại học, bất chấp chất lượng đào tạo và mức học phí đắt đỏ. Gia đình làm nông nên em muốn tiết kiệm cho bố mẹ", Quốc nói. "Rõ ràng học phí ảnh hưởng nhiều đến quyết định của học sinh".
PGS Nguyễn Ninh Thụy cũng nhìn nhận mặt trái của việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ là có thể làm giảm cơ hội được đến trường của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đại học Quốc gia TP HCM vừa khảo sát về tác động của Covid-19 với 39.000 sinh viên. Trên 52% đề nghị có chính sách hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn. 71,7% sinh viên của trường Đại học Quốc tế lo lắng về khả năng đóng học phí, con số này của trường Khoa học Tự nhiên là 57,6%.

Đại học tăng học phí - Sức nặng không nhỏ lên vai người học - Ảnh 3

Áp lực học phí đổ lên vai người học khi các đại học đồng loạt tăng học phí sắp kịch trần

Theo ông Thụy, học phí tăng tạo ra áp lực cho các gia đình, đặc biệt gia đình khó khăn trong khi chính sách tín dụng cho sinh viên hiện nay chưa hợp lý. Đầu tiên phải kể đến đối tượng vay hạn chế, chỉ sinh viên mồ côi hoặc thành viên của hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, có mức thu nhập thấp hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh mới được vay.
Dù được vay, mức cho vay cũng khá thấp, chỉ 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ so với học phí, khoản vay này bằng khoảng 0,5-1,21 lần học phí tối đa của trường tự chủ chi thường xuyên. Tuy nhiên, nếu so sánh mức sống, số tiền vay 2,5 triệu đồng/tháng chỉ chiếm khoảng 35-40% tổng chi phí học tập của sinh viên.
Chưa kể, thời hạn cho vay ngắn (sinh viên phải trả gốc và lãi lần đầu tiên ngay khi có việc làm nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học); thủ tục và phương thức vay phức tạp (người đứng tên vay phải là bố mẹ hoặc người giám hộ), lãi suất cho vay cao (hiện 6,6% năm).
Ngoài tác động đến người học, ông Thụy cho rằng học phí tăng còn làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học. Ông Thụy lấy ví dụ với các ngành khoa học cơ bản, dù có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững đất nước nhưng ít được lựa chọn bởi với cùng một mức chi trả học phí, người học chọn các ngành "hot" để tăng cơ hội nghề nghiệp và thu nhập sau ra trường.
Ngay cả trong nhóm ngành khoa học cơ bản lĩnh vực tự nhiên và xã hội cũng có sự biến chuyển đáng chú ý. Báo cáo tuyển sinh của Đại học Quốc gia TP HCM cho thấy sinh viên đăng ký vào các ngành khoa học nhân văn nhiều hơn hai lần so với khoa học tự nhiên.
"Xu hướng này có thể là do sự quan tâm của xã hội, gia đình và người học đang thay đổi nhưng cũng có thể do mức học phí. Nó có thể gián tiếp tạo ra 'khủng hoảng thừa' và 'khủng hoảng thiếu' về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần", ông Thụy nói.

3. Học phí tăng gián tiếp tạo ra "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu" nhân lực

Theo TS Nguyễn Ninh Thuỵ, Trưởng ban Kế hoạch tài chính, ĐH Quốc gia TP.HCM, hệ thống giáo dục ĐH của chúng ta đang phải đối mặt với một khó khăn cơ bản, đó là nguồn chi từ ngân sách nhà nước rất giới hạn.
Số liệu Tổng cục Thống kê 2018-2020 cho thấy, cân đối theo chỉ số GDP chi cho giáo dục và đào tạo chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngân sách nhà nước và giảm dần qua các năm.

Đại học tăng học phí - Sức nặng không nhỏ lên vai người học - Ảnh 4
TS Nguyễn Ninh Thuỵ phát biểu tại hội nghị

Tổng chi ngân sách nhà nước cho GD-ĐT chiếm 4,63-5,12% GDP nhưng chi cho giáo dục ĐH chỉ chiếm 0,2% năm 2018, năm 2019 giảm, chỉ chiếm 0,19%, năm 2020 chỉ chiếm 0,18%. Tỷ lệ này đã sụt giảm so với năm 2015 (0,24%) (theo một báo cáo của World Bank).
Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên cũng giảm dần từ 21% năm 2019, giảm còn 19% năm 2020, và đến năm 2021, tỷ lệ này chỉ còn 15%.
Khó khăn tiếp theo, ảnh hưởng tới hệ thống vĩ mô, chính là việc tăng học phí. Nhờ tăng học phí mà các trường có thêm nguồn thu quan trọng nhưng mặt trái là có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH.
Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản, có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước, cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng học phí. Hiện nay, với cùng một mức chi trả học phí, người học bắt đầu giảm lựa chọn học các ngành khoa học cơ bản để theo học các ngành mang tính "hot" bởi vì c ơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn.
Vì thế, có thể xem việc tăng học phí gián tiếp tạo ra "khủng hoảng thừa" với một số ngành thời điểm này là “hot”, và "khủng hoảng thiếu" về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần.

4. Muốn phát triển lành mạnh thì không thể dựa phần lớn nguồn lực vào học phí

Còn TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho hay ở những nền giáo dục ĐH phát triển lành mạnh, tài chính của trường ĐH phải bao gồm từ nhiều nguồn, trong đó từ người học (tự đóng hoặc vay tín dụng) thường chiếm tỉ lệ nhỏ hơn các nguồn khác cộng lại. Các nguồn này chủ yếu là từ ngân sách nhà nước.
Sẽ đi về đâu nền giáo dục ĐH xây dựng dựa trên đóng góp của người học? - ảnh 2
Giáo dục ĐH là một dịch vụ vừa mang tính “công ích” (tạo nguồn nhân lực trình độ cao nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia, giảm tệ nạn xã hội - việc phải chăm sóc xã hội thường tập trung vào những người văn hóa thấp), vừa mang tính “tư ích” (đáp ứng nhu cầu học tập, tạo cơ hội có thu nhập cao hơn cho từng cá nhân). Về nguyên tắc ai hưởng lợi bên đó cần tham gia chi trả.

Đại học tăng học phí - Sức nặng không nhỏ lên vai người học - Ảnh 5

Các lãnh đạo Bộ GD-ĐT dự hội nghị tự chủ đại học

Việc chi từ ngân sách cho giáo dục ĐH (gồm cả việc hỗ trợ trường tư qua thuế và đất giáo dục) thực tế là nghĩa vụ của nhà nước chi cho những gì mà quốc gia được thụ hưởng sau này.
Tuy nhiên, nghịch lý của chúng ta hiện nay là nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến một nền giáo dục ĐH được xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học.
“Với một nền tảng nguồn lực dựa trên sự đóng góp của người học như vậy thì nền giáo dục này sẽ như thế nào và đi về đâu?”, TS Tùng đặt câu hỏi rồi bình luận thêm: “Chưa có một nền giáo dục ĐH nào thành công theo mô hình “tự túc”!”
Theo TS Tùng, mặc dù có thể vẫn thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay, nhưng vẫn không thể tăng học phí quá nhiều. Cho nên, sẽ đến một lúc nào đó cần phải tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công để tối ưu việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH.
Nhà nước có thể giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% (chẳng hạn mỗi năm giảm 3-5% chỉ tiêu trường công), cũng để tỷ lệ sinh viên trường công trường tư tương xứng với các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, TS Tùng vẫn kiên trì đề nghị: “Cần xem xét để không gắn việc tự chủ của trường công với mức độ tự chủ tài chính. Cần xem trường ĐH công lập là một dạng cơ quan sự nghiệp đặc thù”.

> Nguyện vọng 2 có được xét công bằng với nguyện vọng 1?

> Đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp