“Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt” có thể xem là một cảnh báo rất đặc biệt với thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay. Trong những trường hợp nào nếu không cẩn thận và không tính toán kỹ về mặt chiến lược, thí sinh có nguy cơ trên?

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt - Ảnh 1

Có những lưu ý nào khi đăng ký nguyện vọng đại học năm 2022?

Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Đăng ký nguyện vọng sao cho chắc trúng tuyển” của Báo Thanh Niên chiều 28.7. Chương trình diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên. Chương trình do THACO tài trợ.

Đến thời điểm này, thí sinh đã trải qua những ngày đầu tiên của giai đoạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Số liệu thống kê sơ bộ trong ngày đầu tiên cho thấy có hơn 36.500 thí sinh đã nhập nguyện vọng. Tuy nhiên, hệ thống cũng ghi nhận có 149 nguyện vọng không hợp lệ với nhiều tình huống xảy ra.

Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cho biết trên hệ thống của Bộ GD-ĐT có mục để thí sinh kiểm tra các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm. Thực tế, có những trường hợp trong quá trình nhập dữ liệu có những sai sót, dẫn đến thông tin trúng tuyển sớm của thí sinh chưa có trên hệ thống.

“Nếu rơi vào trường hợp này, thí sinh cần liên hệ với trường để kịp thời xử lý, tránh mất quyền lợi đáng tiếc”, tiến sĩ Huy lưu ý.

Thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý, sau khoảng một tuần Bộ GD-ĐT mở cổng đăng ký xét tuyển nguyện vọng, trường nhận được nhiều thắc mắc về kỹ thuật xét tuyển và những trục trặc thí sinh gặp phải. Cụ thể, có những thí sinh khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, ở mục số 9 của phiếu đăng ký có ô đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Nhưng ở thời điểm đó thí sinh không đánh dấu vào ô này, kết quả hiện thí sinh không được tham gia chọn nguyện vọng trên hệ thống bất kể xét tuyển theo phương thức nào.

Theo thạc sĩ Nam: “Giải pháp trong trường hợp này là thí sinh quay về nơi đăng ký dự thi (trường phổ thông hoặc Sở GD-ĐT) để được hỗ trợ xử lý”.

Ngoài ra, cũng theo thạc sĩ Hải Nam, có những thí sinh bị quên mật khẩu đăng nhập vào hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Nếu nhập sai 5 lần thì bị khóa hệ thống và các trường hợp này xảy ra khá nhiều.

Tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân tại TP.HCM, thì lưu ý về tên chương trình đào tạo. Cụ thể, các trường ĐH có chương trình đào tạo đại trà và chương trình chất lượng cao. Tuy nhiên, trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ thấy chương trình đại trà mà không hiển thị chương trình chất lượng cao. “Trong trường hợp này, thí sinh cứ đăng ký vào chương trình đại trà sau khi trúng tuyển có thể lựa chọn học đại trà hoặc chất lượng cao”, tiến sĩ Phúc nói.

Còn thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết quá trình tiếp xúc trực tiếp với thí sinh, có nhiều trường hợp không nhớ được thông tin mình xét tuyển bằng các phương thức sớm như tổ hợp xét tuyển. Do đó, lúc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống, thí sinh gặp khó khăn khi điền thông tin các nguyện vọng trúng tuyển sớm. “Một cách giải quyết đơn giản cho trường hợp này là đăng nhập vào hệ thống và tra cứu thông tin các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm, trong đó có thông tin mã tổ hợp xét tuyển”, thạc sĩ Trắng chia sẻ.

Thạc sĩ Trắng đồng thời nêu ra một lưu ý đặc biệt quan trọng giúp thí sinh tránh được tình trạng “Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt”. Ông Trắng nói: “Có một bước cuối cùng sau khi đăng ký nguyện vọng thí sinh rất dễ nhầm lẫn. Sau khi chọn nguyện vọng, hệ thống hiện lên dòng chữ “nguyện vọng đã được ghi nhận” và thí sinh nghĩ rằng đã hoàn thành việc đăng ký. Tuy nhiên, thí sinh vẫn cần thực hiện thêm một bước xác nhận bằng số điện thoại đến tổng đài, nhận mã và nhập mã vào hệ thống thì mới chính thức hoàn tất quy trình đăng ký”.

 

Trường yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm Quy chế tuyển sinh

Đây là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy trước thông tin đang gây hoang mang cho thí sinh và phụ huynh khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống.

Theo ghi nhận của PV VTV, đã xuất hiện một số trường có thể dùng từ là "ép" thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1. Điều này có lợi cho các trường nhưng lại khiến thí sinh bị thiệt.

Giấy báo đủ điều kiện trúng tuyển của một trường đại học gửi tới thí sinh. Trường soạn sẵn một đơn đăng ký học chính thức. Trong đó, có một dòng thí sinh phải: Cam kết sẽ đăng ký nguyện vọng 1.

Không chỉ dừng lại đó, thí sinh còn phải tạm nộp học phí học kỳ 1 là 3 triệu đồng vào tài khoản của trường. Khoản tiền này giống như khoản tiền đặt cọc giữ chỗ và nhà trường: "Chỉ trả lại học phí tự nguyện nộp trước (nếu có) đối với các thí sinh không tốt nghiệp THPT".

Trước lo ngại của các phụ huynh và thí sinh về một số cơ sở giáo dục đại học yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 vào trường khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống; thậm chí còn đề nghị nộp tiền "đặt cọc", bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, theo Công văn số 2598/BGDĐT-GDĐH ngày 20/6/2022 của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ…).

Bên cạnh đó, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm nay quy định, cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.

Trường hợp thí sinh được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên Hệ thống (tùy thuộc các em muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).

‘Do đó, nếu phụ huynh phản ánh đúng như trên thì việc các trường yêu cầu thí sinh cam kết trên là vi phạm Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Theo quy định, thí sinh chỉ được xác định trúng tuyển khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Hệ thống sẽ xác nhận thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất", bà Thủy nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết thêm, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong giai đoạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển, đồng thời thực hiện nghiêm túc Quy chế tuyển sinh. Song các thí sinh cũng cần nghiên cứu kỹ quy chế và các hướng dẫn tuyển sinh.

Theo quy chế, thí sinh sử dụng tài khoản được cấp để đăng ký, điều chỉnh bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần từ nay tới 17h ngày 20/8. Thí sinh không nên đăng ký ngay mà cần tìm hiểu kỹ, để tránh sai sót, nhầm lẫn nhưng không nên để quá sát nút thời gian Hệ thống đóng lại.

Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH của các trường phía Bắc theo điểm thi tốt nghiệp 2022

15 trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2022

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp