Bên cạnh những hoạt động đẩy mạnh tuyển sinh của các trường, không ít các thí sinh lại mắc phải những khó khăn để đưa ra quyết định cho tương lai.

Đại học tăng học phí - Sức nặng không nhỏ lên vai người học

Đại học tăng học phí - Sức nặng không nhỏ lên vai người học

Học phí năm học 2022-2023 của nhiều trường đại học công lập tự chủ tăng kịch trần. Điều này gây ra sự lo lắng không nhỏ cho người học.

1. Hàng trăm thí sinh tự do gặp khó khăn trong việc xét tuyển

Do năm nay thay đổi quy định xét tuyển, nhiều thí sinh tự do vì không cập nhật, theo dõi thông tin nên đã bỏ lỡ việc đăng ký tài khoản, dẫn đến không có tài khoản để đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.

1.1 Nhờ trường ĐH tư vấn, hỗ trợ

Ông Võ Ngọc Nhơn, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trong những ngày qua có hơn 200 lượt thí sinh (TS) tự do liên hệ nhờ cán bộ tuyển sinh của trường hỗ trợ về việc không có tài khoản để đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, do không nắm được sự thay đổi của quy chế năm 2022. "Trong đó có nhiều TS không biết phải tìm nơi nào để được hỗ trợ, có những trường hợp TS đang ở TP.HCM phải đi về quê tận miền Trung, miền Bắc... theo địa chỉ thường trú để làm thủ tục. Nhóm TS này thường là những em đang là sinh viên các trường ĐH khác, muốn đổi ngành, đổi trường trong năm nay. Các em căn cứ theo cách thức xét tuyển của năm ngoái mà không lường trước được sự thay đổi trong năm nay", ông Nhơn nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cũng thông tin thời gian qua có nhiều TS tự do gọi đến trường nhờ hỗ trợ do chưa có tài khoản để đăng ký xét tuyển.
"Những năm trước TS tự do không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp thì không cần phải đăng ký nguyện vọng lên cổng thông tin của Bộ. Các em xét học bạ nếu đủ điểm đậu là nhập học. Năm nay các em tham gia các phương thức xét tuyển sớm, trúng tuyển có điều kiện rồi vẫn phải có tài khoản để đăng ký nguyện vọng. Tuy nhiên việc cấp tài khoản lại chỉ trong một thời gian nhất định. Không có kênh thông tin để cập nhật sự thay đổi quy chế, các em cũng không biết mình cần đến đâu để đăng ký tài khoản nên nhiều TS gặp rắc rối", thạc sĩ Khang nói.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, cũng cho hay có một số TS không biết sự thay đổi quy định nên không đăng ký tài khoản dù thời gian xét tuyển đã diễn ra.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nhìn nhận: "Thực sự năm nay TS tự do gặp nhiều khó khăn vì không có thông báo, chỉ đạo và hướng dẫn gì cả. Các em muốn tìm hiểu thì phải tìm đọc trên báo. Thời gian qua trung tâm chúng tôi phải lập một nhóm zalo cho các TS tự do để hỗ trợ trong thẩm quyền khi các em cần. Nhiều em đến giờ chưa có tài khoản do không để ý thời gian, đã nhắn vào group và chúng tôi cùng các em phải canh khi nào Bộ mở hệ thống là nhanh chóng thao tác để mở tài khoản cho các em".

Tuyển sinh đại học 2022 và những khó khăn mà thí sinh gặp phải - Ảnh 1

Do năm nay thay đổi quy định xét tuyển, nhiều thí sinh tự do vì không cập nhật, theo dõi thông tin nên đã bỏ lỡ việc đăng ký tài khoản

1.2 Thí sinh cần chủ động hơn?

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tại TP.HCM TS tự do có thể đến tất cả các trung tâm giáo dục thường xuyên để được cung cấp thông tin mở tài khoản. Đến nay Sở GD-ĐT đã cấp tài khoản cho hơn 6.000 TS tự do. Tuy nhiên, theo ông Minh, thời điểm hiện tại nếu em nào chưa có tài khoản thì đến trung tâm Q.10 để được hỗ trợ, các trung tâm khác đã hết tiếp nhận.
"Khi các em đăng ký xét tuyển bằng học bạ hoặc các phương thức xét tuyển sớm tại các trường ĐH, các em đều đã đọc quy định xét tuyển là phải có tài khoản để đăng ký lên hệ thống chung của Bộ. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã dán thông báo hướng dẫn. Đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi xét tuyển, các em cũng nên chủ động tìm hiểu kỹ để tránh mất quyền lợi", ông Minh chia sẻ.
Theo ông Võ Ngọc Nhơn, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã liên lạc nhiều nguồn, nếu biết nơi nào vẫn còn hỗ trợ cấp tài khoản cho TS tự do thì hướng dẫn TS đến những nơi đó, đồng thời nhắc các em chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để tránh mất công đi lại nhiều lần. Các giấy tờ cần thiết bao gồm mẫu phiếu đăng ký thông tin cá nhân, CMND/CCCD bản sao công chứng, học bạ THPT bản sao công chứng và bằng tốt nghiệp THPT bản sao công chứng để đối chiếu khi cần.
"Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên cho phép cấp tài khoản liên tục cho TS tự do, không quy định khoảng thời gian cụ thể như vừa rồi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em. Nhiều TS không cư trú tại địa phương, đa số lại không nắm được thông tin vì quá gấp, chưa kể không có hướng dẫn nào cụ thể cho đối tượng này", ông Võ Ngọc Nhơn cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang nêu thêm vướng mắc mà các TS tự do gặp phải là mỗi tỉnh lại quy định điểm tiếp nhận đăng ký tài khoản khác nhau. Có nơi là ở trung tâm giáo dục thường xuyên, nơi ở trường THPT, nơi ở Sở GD-ĐT, nơi lại ở trung tâm ngoại ngữ tin học và bồi dưỡng cán bộ quản lý...
"Vì thế, đúng ra trên trang web của Bộ nên có mục thông báo hướng dẫn dành cho TS tự do, đồng thời đăng tải toàn bộ danh sách các địa điểm tiếp nhận đăng ký tài khoản để các em có một kênh thông tin chính thức, tránh tình trạng khi cần thì không biết hỏi ở đâu", thạc sĩ Khang đề xuất.

2. Trúng tuyển 10 trường vẫn muốn xét tiếp

Dù thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đã trôi qua hai tuần (từ ngày 20/7) nhưng hiện vẫn còn không ít băn khoăn của thí sinh về việc lựa chọn ngành học. Đáng chú ý, hiện có thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện cả chục trường với nhiều ngành ở các phương thức xét tuyển sớm nhưng vẫn muốn đăng ký xét tuyển tiếp ở phương thức xét điểm thi THPT.

2.1 Vẫn chưa ưng ý

Ông Hồ Văn Sang - phụ huynh ở TP.HCM - cho biết con ông đăng ký xét tuyển đại học bằng các phương thức xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển, đã nhận được 10 giấy báo trúng tuyển có điều kiện.
"Con tôi bảo dù đã trúng tuyển nhiều trường rồi nhưng vẫn chưa ưng ý vì cảm giác chọn ngành chưa phù hợp. Các ngành đã trúng tuyển đều thuộc khối kinh tế. Giờ suy nghĩ lại con muốn vào khối ngành khoa học tự nhiên hơn nhưng lo sau này ra trường khó xin việc, nên chưa biết phải điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển thế nào...", ông Sang chia sẻ.
Thí sinh Nguyễn Trọng Nhân (quận 1, TP.HCM) cũng cho hay đã nhận giấy báo trúng tuyển có điều kiện vào ba ngành tài chính quốc tế, quản trị sự kiện, digital marketing. Nhưng hiện Nhân vẫn chưa chốt được nên chọn ngành nào hay tiếp tục đăng ký xét tuyển vào ngành khác.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thanh Tùng (Đắk Lắk) có ý định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào khối ngành xã hội nhưng vẫn còn mơ hồ chưa biết lựa chọn cụ thể ngành nào, trường nào.
"Vừa qua tôi không đăng ký xét tuyển sớm nên hiện chưa trúng tuyển vào trường nào. Nay chỉ được đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT, không biết có nên chọn các ngành tâm lý, truyền thông như nhiều bạn gợi ý để sau này dễ có việc làm. Có nên chọn ngành học mình yêu thích nhưng nhu cầu tuyển dụng không cao và trong tình huống đó thì phải làm sao?" - Tùng bày tỏ.

Tuyển sinh đại học 2022 và những khó khăn mà thí sinh gặp phải - Ảnh 2

Dù thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đã trôi qua, vẫn còn không ít băn khoăn của thí sinh về việc lựa chọn ngành học

2.2 Cân nhắc thật kỹ năng lực, sở thích

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc chọn ngành học của thí sinh nhiều năm gần đây khá "thực dụng". Đó là ưu tiên chọn ngành dễ tìm việc làm, lương cao, tránh việc nặng nhọc và có cả việc chọn ngành theo phong trào.
Khi chọn một ngành học hay nghề nghiệp cho tương lai, câu hỏi phổ biến mà nhiều học sinh đặt ra chính là: Ngành nghề nào có thu nhập cao? Ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng lớn? Ngành nào dễ tìm việc? Cách đặt vấn đề này dễ khiến thí sinh rơi vào sai lầm thường gặp. Đó là chọn ngành nghề theo phong trào, theo tin đồn mà bỏ quên sở thích, năng lực của bản thân.

Tuyển sinh đại học 2022 và những khó khăn mà thí sinh gặp phải - Ảnh 3

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc chọn ngành học của thí sinh nhiều năm gần đây khá "thực dụng"

Trong khi theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - trên thực tế, cơ hội nghề nghiệp cao hay thấp, tìm việc khó hay dễ là do bản thân người lao động có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không.
Thu nhập tốt và thăng tiến nhanh là phần thưởng cho những nỗ lực làm việc hiệu quả của cá nhân, không phải là mẫu số chung cho bất kỳ một ngành nghề cụ thể nào. Vì vậy, người có năng lực, kiến thức và đam mê cống hiến thì dù làm việc ở lĩnh vực nào cũng có khả năng kiếm được thu nhập tốt.
"Đây là giai đoạn thí sinh phải có sự lựa chọn và ra quyết định nên cần cân nhắc thật kỹ năng lực, sở thích. Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, phải bám nguyên tắc đúng sở thích, đúng đam mê. Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp. Nếu học ngành, trường không mong muốn, vì mục tiêu đậu đại học mà chúng ta đăng ký vào thì đó là thảm họa...
Khi đó, các bạn sẽ không học được, mất thời gian, công sức, tiền bạc. Nguyên tắc hàng đầu khi lựa chọn ngành phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, nhu cầu xã hội và hoàn cảnh gia đình. Các bạn cần phải bám theo các trụ cột đó" - thầy Hạ khuyên.

2.3 Chọn ngành gần để theo đuổi đam mê

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - chia sẻ muốn xác định được ngành nghề phù hợp, thí sinh phải quan tâm đến sở thích và đồng thời cần quan tâm đến năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu nghề nghiệp mình chọn có đủ nuôi sống mình hay không.
Y dược là một trong những ngành thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh với lượng hồ sơ đăng ký dự thi hằng năm lớn, điểm chuẩn các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược học... luôn nằm trong tốp các ngành có điểm chuẩn cao nhất.
"Việc chọn ngành cần cân nhắc kỹ giữa đam mê và năng lực của mình, không nên quá mơ mộng dẫn đến việc rớt đại học. Nếu thật sự quá yêu thích ngành y nhưng không tự tin điểm số, thí sinh có thể chọn học ngành y học cổ truyền và y học dự phòng để theo đuổi đam mê của mình" - thầy Khôi khuyên.
Theo PGS.TS Bùi Hoàng Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - ngành và nghề có những điểm liên quan và không liên quan. Một ngành học xong có thể làm được rất nhiều nghề và có thể học nhiều ngành để làm một nghề.
"Ví dụ, ngành kỹ thuật ôtô nhiều năm gần đây rất hot do có rất nhiều thí sinh chọn. Trong chiếc ôtô có khoảng 40% là điện và điều khiển. Để làm việc liên quan đến ngành ôtô có thể học các ngành về trí tuệ nhân tạo, cơ khí động lực, cơ khí chế tạo máy..." - thầy Thắng gợi ý.

> Điểm chuẩn đại học sẽ cao hơn điểm sàn mấy điểm?

> Đà Nẵng hủy kết quả tốt nghiệp THPT của thí sinh làm lộ đề Toán

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp