Gần đây, đoạn video cho thấy cô giáo lồng ghép bài học cuộc sống vào giờ dạy vật lý một cách sinh động đã thu hút sự chú ý của nhiều người trên mạng xã hội.
Đoạn video ngắn thu hút hàng chục ngàn lượt xem và chia sẻ trên mạng xã hội. Trong video, cô giáo Trần Thị Mỹ Dung, trưởng dự án Văn hóa đọc Việt Nam của tổ chức Cộng đồng sống tử tế-GNH (Q.11, TP.HCM), lồng ghép cách ứng xử trong cuộc sống vào giờ dạy vật lý.
“Ví dụ cái quạt, để có cơ năng, để có mát nhưng đâu nhất thiết là con dùng cơ năng để có cơ năng mà con có thể dùng điện năng để cho ra cơ năng. Vậy thì để giúp cho người ta sống tốt hơn, sống thoát nghèo, đâu có nghĩa là con phải có tiền con mới giúp được người ta bằng tiền, người ta mới thoát nghèo. Con có thể cho cái khác người ta cũng thoát nghèo được mà. Con có thể cho người ta trí thức mà con đang có, cho công sức, cho lời nói hay, đạo đức, đạo lý, giúp người ta thoát khổ, thoát nghèo...”, cô Dung nói trong đoạn video.
Qua tìm hiểu, đoạn video được ghi hình vào giữa tháng 8/2022 tại Phòng GD-ĐT H.Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đây là một phần trong bài giảng của cô Dung trong buổi tập huấn về cách xây dựng văn hoá đọc cho thầy cô và ban giám hiệu.
Cô Dung cho hay cô rất bất ngờ khi nhiều người biết đến đoạn video, giúp lan tỏa cách dạy này để giờ học các môn tự nhiên không còn khô khan với công thức, định nghĩa. “Bên cạnh đó, tôi cũng hướng dẫn thầy cô về cách dạy học sinh phương pháp đọc theo hướng kiến tạo”, cô Dung cho hay.
Nói về việc lồng ghép kiến thức hoặc câu chuyện đời sống vào các môn tự nhiên, cô Dung cho hay đó chỉ là một trong những cách thể hiện tâm huyết vun bồi tâm hồn cho học sinh.
“Thầy cô cũng có thể nghĩ thêm nhiều cách khác, miễn sao trở thành một người thổi hồn nhân cách chứ không phải nhồi nhét kiến thức là được. Tôi nghĩ cách dạy này còn giúp học sinh rèn luyện đạo đức. Bởi theo tôi, trang bị nhiều kiến thức mà tâm hồn không được vun bồi thì sẽ sinh ra thế hệ tâm và trí bị vênh nhau. Trí nhiều mà không có tâm thì rất nguy hiểm”, cô Dung chia sẻ.
Cô Trần Thị Mỹ Dung - trưởng dự án Văn hóa đọc Việt Nam của tổ chức Cộng đồng sống tử tế-GNH chụp ảnh cùng học sinh
“Kết nối giữa môn học và cuộc sống”
Xem qua đoạn video của Dung, giáo viên môn ngữ văn Văn Trịnh Quỳnh An của Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay cô ủng hộ việc đưa kiến thức xã hội hoặc những câu chuyện đời sống vào các môn học tự nhiên.
"Cách dạy học này giúp học sinh hiểu được kiến thức môn học lẫn bài học cuộc sống, hướng các em đến những vấn đề đời sống, cho thấy sự kết nối giữa môn học và cuộc sống, nhưng tùy thuộc vào kinh nghiệm lẫn cá tính riêng của mỗi giáo viên”, cô Quỳnh An bày tỏ.
Còn thầy Nguyễn Văn Cư, giáo viên môn vật lý Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, tỉnh Đồng Nai, nhận thấy cách dạy lồng ghép kỹ năng sống vào bài học giúp thu hút học sinh.
“Tôi nghĩ rằng câu chuyện cuộc sống, bài học đạo đức hoặc những câu chuyện thực tế có liên quan đến bài học nên được lồng ghép một ít vào bài dạy ở tất cả môn học hoặc những tiết sinh hoạt lớp”, thầy Cư nói.
> Bộ GD-ĐT: 16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 gây ảnh hưởng không nhỏ
> Giáo viên chủ nhiệm - Không phải ai cũng dám làm
Theo báo Thanh Niên