Ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết TP.HCM thiếu giáo viên nhiều môn học cho chương trình giáo dục phổ thông mới, trong buổi ký kết hợp tác toàn diện giữa sở này và Trường đại học Sài Gòn chiều 6-4.
1. Không có giáo viên giảng dạy môn mỹ thuật, âm nhạc cho bậc học THPT
Theo ông Hiếu, chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định bậc THPT có hai tiết mỹ thuật, âm nhạc mỗi tuần. Tuy nhiên hiện nay TP.HCM không có giáo viên giảng dạy các môn này.
Hiện chỉ có các trường THCS có giáo viên nhạc họa, các trường THPT hầu như không có.
Ông Hiếu cho rằng số học sinh mong muốn học các môn này không phải ít. Do đó phải có lực lượng giáo viên tham gia dạy mỹ thuật, âm nhạc trong trong trường THPT.
Việc thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật bậc THPT xuất phát từ việc các trường đại học chưa đào tạo ngành này cho bậc THPT, mới chỉ đào tạo giáo viên mỹ thuật, âm nhạc bậc THCS.
Không chỉ giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, cán bộ các phòng ban của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cũng than phiền thiếu rất nhiều giáo viên các môn của nhiều bậc học như tin học, ngoại ngữ, công nghệ...
Ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cũng cho biết TP.HCM thiếu rất nhiều giáo viên tin học, nhiều năm tuyển không ra người hoặc chất lượng không như mong muốn.
Từ thực tế này, đại diện một số phòng ban của sở đề xuất Trường đại học Sài Gòn mở mã ngành cho các ngành chưa có như sư phạm tin học, tăng chỉ tiêu, tăng các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người có bằng về mỹ thuật, âm nhạc để thu hút thêm nhiều người.
Trong khi đó, ông Tống Phước Lộc - trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết năm học 2021 - 2022 lần đầu tiên sở tuyển giáo viên bằng hình thức thi môn tiếng Anh (những năm trước chỉ xét tuyển), yêu cầu trình độ tương đương bậc A2.
Tuy nhiên, số lượng ứng viên rớt môn tiếng Anh rất nhiều dẫn đến không đảm bảo số lượng giáo viên cần tuyển. "Đề nghị Trường đại học Sài Gòn tổ chức lớp ôn tập tiếng Anh cho ứng viên trước kỳ thi để đảm số lượng giáo viên cần tuyển" - ông Lộc đề xuất.
2. Vấn đề tuyển dụng cần được thay đổi
Các phòng ban của Sở GD&ĐT TP.HCM nêu ý kiến về việc thiếu giáo viên trong buổi ký kết hợp tác với ĐH Sài Gòn
Các phòng ban của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM nêu ý kiến về việc thiếu giáo viên tại buổi ký kết hợp tác Theo thỏa thuận hợp tác toàn diện này, Trường đại học Sài Gòn chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giáo viên liên môn, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018, đào tạo nâng chuẩn giáo viên, phối hợp cùng sở tính toán xác định, tham mưu UBND TP.HCM giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên...
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên một số môn, ông Nguyễn Bảo Quốc đề xuất Trường đại học Sài Gòn nên đào tạo thêm một số tín chỉ liên môn để giáo viên không dạy ở bậc THPT có thể dạy ở bậc THCS. Trước đây trường đào tạo sư phạm mỹ thuật âm nhạc bậc cao đẳng, giờ tính toán chương trình để nâng trình độ cho giáo viên để có thể dạy THPT.
Lý giải việc thiếu giáo viên tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc, ông Phạm Hoàng Quân - hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn - cho biết sinh viên tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh lại không đi dạy. Họ làm bên ngoài hoặc dạy tại các trung tâm ngoại ngữ vì thu nhập tốt hơn.
Ngành sư phạm mỹ thuật tuyển sinh rất khó, chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu. Sư phạm âm nhạc tuyển sinh được nhưng sinh viên tốt nghiệp lại đi hát phòng trà, đi làm bên ngoài nhiều hơn.
"Đề nghị sở tuyển giáo viên mỹ thuật, âm nhạc cho liên trường bởi nếu chỉ dạy một trường thì giờ dạy không nhiều, thu nhập thấp. Nếu là giáo viên trường này và là thỉnh giảng của 2, 3 trường khác nữa thu nhập sẽ cao hơn và họ sẽ gắn bó" - ông Quân đề xuất.
Trong khi đó, ông Võ Văn Thật - phó hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn - cho biết trước đây trường đã mở ngành sư phạm tin học nhưng không tuyển được, thí sinh chỉ vào ngành công nghệ thông tin. Theo quy định, ngành 5 năm không tuyển được phải đóng.
"Năm nay trường đang xây dựng lại đề án mở ngành sư phạm tin học để năm sau có thể tuyển sinh. Thực tế năng lực đào tạo sư phạm thực sự của trường lên đến vài ngàn sinh viên nhưng hàng năm bộ chỉ giao cho Trường đại học Sài Gòn khoảng 800 chỉ tiêu" - ông Thật chia sẻ thêm.
> Tóm lược về bốn kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy năm 2022
> Đà Nẵng dành trên 11.300 chỉ tiêu hệ công lập cho tuyển sinh lớp 10
Theo Thanh Niên