Khi cha mẹ phát hiện trẻ tiếp thu bài chậm và hay quên, liệu mắng trẻ có phải là cách giải quyết đúng đắn? Dạy trẻ tiếp thu chậm, cha mẹ cần để ý một số điều sau.
Cha mẹ nên làm gì nếu trẻ tiếp thu chậm ?
Hiện nay, trong lúc nhiều tỉnh thành áp dụng các hình thức học online và offline cho học sinh, bố mẹ đã và đang là người trực tiếp kèm con học. Tuy nhiên, không ít ông bố, bà mẹ đau đầu khi dạy mãi mà con không hiểu, tiếp thu chậm, thiếu tập trung... Nếu con có những biểu hiện này, bạn đừng bỏ lỡ 7 việc cần làm dưới đây giúp trẻ tiến bộ.
1. Cha mẹ cần hiểu rõ năng lực học tập của con
Bác sĩ Lê Đức Duy (chuyên ngành tâm lý trẻ em, Hà Nội) chia sẻ trong thực tế, nhiều trường hợp trẻ có vấn đề trong khả năng học tập như mắc chứng khó đọc, khó nhẩm tính hoặc khó nhận diện các con số. Một số trẻ gặp khó khăn trong việc khống chế các ngón tay để viết hoặc những trẻ mắc chứng giảm chú ý, không tập trung được lâu trong quá trình cô giáo giảng bài. Đồng thời, nhiều trẻ không đủ khả năng giải thích cho bố mẹ hiểu được vấn đề mình đang mắc phải.
Do đó, bác sĩ nhấn mạnh bố mẹ cần hiểu mỗi đứa trẻ có một khả năng học tập khác nhau. Một đứa trẻ có thể không giỏi làm toán nhưng vẽ tranh rất đẹp hoặc viết ra những bài văn giàu cảm xúc. Vì vậy, bố mẹ cần hiểu rõ khả năng của con và động viên, hỗ trợ để con phát triển đúng với khả năng, thay vì ép trẻ học theo mong muốn của bố mẹ hoặc so sánh con với những đứa trẻ khác.
2. Không vội vàng trong chuyện học của trẻ
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) đưa lời khuyên bố mẹ không nên vội vàng trong việc học của con bởi 2 lý do. Thứ nhất, mỗi năm học sẽ có mục tiêu học tập khác nhau. Trong trường hợp bé bỏ lỡ 1-2 buổi học trong chương trình nhưng đạt được mục tiêu năm học, con vẫn được lên lớp. Thứ hai, tiến sĩ lưu ý quá trình học tập của trẻ diễn ra suốt 12 năm học và còn có thể lâu hơn. Khi trẻ lớn, tính cách, kỹ năng sẽ quyết định thành công của con, còn điểm số chỉ mang tính tức thì.
"Do vậy, bố mẹ không nên đặt áp lực cho trẻ cần xuất chúng trong từng chặng đường học tập mà cần đặt mục tiêu đường dài. Các mục tiêu đó là việc con thích gì, giỏi gì, đã tự giác hay chưa và những kiến thức con còn thiếu có thể được bổ sung từ các kinh nghiệm có được trong đời. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, khi trẻ gặp nhiều khó khăn về chuyện học, bố mẹ nên giảm mục tiêu học tập, đẩy mạnh mục tiêu nề nếp. Một đứa trẻ có nề nếp tốt sẽ khiến bố mẹ ít lo lắng, tiến bộ rất nhanh khi được quay lại trường", cô nhấn mạnh.
3. Không dạy con khi cha mẹ đang mất bình tĩnh
Bác sĩ Lê Đức Duy và tiến sĩ Vũ Thu Hương đều gửi tới bậc cha mẹ lời khuyên chung: "Bố mẹ chỉ dạy con học khi bình tĩnh". Tiến sĩ nhấn mạnh giáo dục là quá trình dài lâu, nếu không thể dạy con lúc này, bố mẹ có thể dạy con lúc khác. Phụ huynh cần kiềm chế, quản lý tốt cảm xúc trước khi giáo dục con và chỉ khi thực sự bình tĩnh mới dạy con học.
Bác sĩ Lê Đức Duy gợi ý nếu bố mẹ chưa thể kiềm chế sự nóng giận trước khi dạy trẻ học, hãy nhớ con chỉ đang học tập cái mới, do đó cần có thời gian hiểu và thực hành. Trước khi cáu giận hay mắng trẻ vì bất kỳ điều gì, bố mẹ hãy đếm từ 1 – 10, hít thở sâu và tự nhẩm trong đầu: "Con chỉ đang học những kiến thức mới, cần thời gian" hoặc ra ngoài uống cốc nước giúp bản thân bình tĩnh. Cả hai bác sĩ, tiến sĩ đều khuyên cha mẹ không đánh, mắng trẻ vì không giúp trẻ phát triển mà sẽ tạo hậu quả xấu cho bé về lâu dài.
4. Rèn luyện nề nếp, tác phong kỷ luật cho trẻ
Khi bố mẹ có nhiều thời gian ở nhà với bé, đây sẽ là thời cơ vàng để rèn nề nếp, tác phong kỷ luật, tự giác của trẻ. Điều đầu tiên, tiến sĩ gợi ý bố mẹ giúp con dậy đúng giờ như khi đi học bằng cách đặt đồng hồ báo thức đều đặn mỗi ngày. Bố mẹ cũng thường xuyên nhắc nhở con tự chuẩn bị sách vở, hoàn thành bài tập đến khi bé tự giác. "Nếu con không hoàn thành các nhiệm vụ được giao, bố mẹ có thể đưa ra các hình phạt mang tính giáo dục phù hợp, giúp trẻ xây dựng kỷ luật tự giác", cô bổ sung.
5. Hãy khen thưởng khi con tiến bộ và chỉ đưa hình phạt có tính giáo dục
Với các bé lớp 1-2 còn nhiều bỡ ngỡ trong quá trình học, bác sĩ Lê Đức Duy gợi ý bố mẹ có thể đặt ra các hình thức khen thưởng để khuyến khích. Ví dụ, nếu trẻ ngồi học tập trung, không nghịch ngợm khi cô giảng sẽ được tặng 1 ngôi sao, khi tích đủ 10 ngôi sao có thể được đi siêu thị, mua một món đồ chơi nhỏ hoặc được cùng mẹ làm bánh hay ngủ cùng mẹ thêm một ngày trong tuần (với những trẻ đã ngủ riêng). Bác sĩ lưu ý bố mẹ không nên để phần thưởng cho trẻ chơi điện tử hoặc xem TV vì những hoạt động này không giúp ích nhiều cho sự phát triển của trẻ.
Ngoài khen thưởng, hình phạt có tính giáo dục cũng là cách giúp trẻ tiến bộ sau các sai lầm. Tiến sĩ Vũ Thu Hương gợi ý nhiều hình phạt không gây ra bất kỳ ảnh hưởng gì tới sức khỏe, tâm lý trẻ con. Nếu trẻ thừa năng lượng, bố mẹ có thể tạo ra hình phạt tăng cường cho trẻ tập thể dục, ví dụ chống đẩy 10 lần... Hoặc bố mẹ cắt bớt quyền lợi của bé, chẳng hạn không cho bé được ăn món tráng miệng yêu thích (VD: kem, bánh... trong khi cả nhà được ăn) vì đã học hành chểnh mảng. Cách tiếp theo là chép phạt. Với bé nhỏ có thể tập chép từ 2-3 dòng, trẻ lớn hơn chép phạt vài trang với nội dung do bố mẹ đưa ra. Những hình phạt nho nhỏ này sẽ khiến bé nhớ lâu và cố gắng hơn để không bị phạm.
6. Quan tâm đến nguyên nhân khiến con mất tập trung
Một vấn đề khác xảy ra khi trẻ học online là mất tập trung. Bác sĩ Lê Đức Duy gợi ý trước khi cho bé vào học, bố mẹ nên để con có 5- 10 phút chuẩn bị sách vở, đồ dùng. Bỏ bớt đồ chơi, điện thoại khiến trẻ xao nhãng nhiệm vụ học tập, cho trẻ học trong phòng riêng không có âm thanh của TV hoặc cách xa nơi các trẻ khác đang vui chơi trong nhà.
Ngoài các cách trên, theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, bố mẹ cũng cần quan tâm vài nguyên nhân khác gây mất tập trung ở bé. Nếu trẻ mất tập trung, kiên nhẫn là do thừa năng lượng, bố mẹ cần tăng cường cho con tập thể dục thể thao để giải phóng năng lượng. Tiếp theo, khả năng tập trung của trẻ có thể kém đi nếu bé phải ngồi máy tính nhiều giờ liền. Do đó, khi con không phải học bài, bố mẹ nên cho trẻ nhìn ra ngoài trời để giải phóng áp lực cho mắt. Cuối cùng, nếu trẻ mất tập trung do vô kỷ luật, bố mẹ có thể áp dụng các hình phạt mang tính giáo dục bên trên để trẻ thực hiện.
7. Không nên giám sát liên tục các buổi học con học cùng thầy cô
Tiến sĩ Vũ Thu Hương không khuyến khích bố mẹ giám sát con liên tục trong quá trình bé học online. "Việc này thể hiện bố mẹ đang thiếu tôn trọng con. Lý do bởi đứa trẻ nào cũng cần tự mình giải quyết tất cả nhiệm vụ học tập của riêng chúng và các nhiệm vụ khác", cô cho hay.
Hành động này cũng dẫn tới nhiều hậu quả xấu tới trẻ. Cô tiếp tục phân tích, khi bố mẹ giám sát việc học online của bé, đứa trẻ bị mất đi quyền tự do. Ngoài ra, bố mẹ còn tạo thói quen ỷ lại cho bé vì luôn ở bên nhắc trẻ. "Đến khi các con phải đi học trực tiếp, con có thể phá lớp khi thiếu tập trung và khiến thầy cô giáo căng thẳng", cô bổ sung. Khi không thể dạy con học, bố mẹ nên tìm sự trợ giúp từ bên ngoài, từ phía thầy cô, nhà trường và cả các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để giúp đỡ con và cả chính bản thân mình.
> Cha mẹ nên dạy con những kỹ năng sống quan trọng nào?
> Cách người Nhật giáo dục con khiến thế giới ngưỡng mộ
Theo Ngôi Sao