Bộ Giáo dục cho biết sẽ có những điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đảm bảo sự nghiêm túc, khách quan và quyền lợi của thí sinh.

> Luật nên quy định không tổ chức học vào Thứ 7, Chủ Nhật

> Đòi lại "ưu tiên" của nhà giáo đáng lẽ được hưởng

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ được giữ ổn định đến năm 2020.

Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã xảy ra tiêu cực tại một số địa phương như Hà Giang, Sơn La khiến nhiều người cho rằng, nếu tiếp tục giữ phương án thi này thì Bộ GD&ĐT cần có điều chỉnh đặc biệt là công tác chấm thi, thanh tra… để tiếp tục hoàn thiện phương án thi quốc gia nhằm đảm bảo công bằng cho các thí sinh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT: Kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục cải cách - Ảnh 1

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi với báo chí ngày 23/08 rằng:

"Dù có một số tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương, nhưng đây là thiểu số và chúng ta không vì thế phủ định hoàn toàn những nỗ lực tổ chức, làm bài thi nghiêm túc của số đông còn lại".

Theo ông Tuấn, Bộ sẽ tiếp tục cải tiến quy trình nhưng theo lộ trình đổi mới thi cử và về mặt tổng thể, cho đến năm 2020, quá trình tuyển sinh, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm sẽ giữ nguyên.

“Bộ GD&ĐT sẽ tập trung cải tiến kỹ thuật phần mềm, một số khâu quan trọng trong quy trình tổ chức thi, chấm thi…để đảm bảo tối đa quyền lợi của các thí sinh cũng như sự nghiêm túc khách quan của kỳ thi THPT quốc gia”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Tuấn, Bộ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia.

Theo Giáo dục Việt Nam - Kênh tuyển sinh

> Các "thiên thần áo trắng" đốn tim cư dân mạng

> Hiệu trưởng ĐH HUFLIT lên tiếng về nghi vấn bằng cấp