Ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH - Bộ GD&ĐT - cho biết năm 2019 sẽ có những điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia để đảm bảo sự nghiêm túc, khách quan và quyền lợi của thí sinh.
> Lạm thu đầu năm học mới: "Câu chuyện đã quá quen thuộc với mỗi phụ huynh"
Ông Trần Anh Tuấn thông tin, năm nay ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, các cơ sở giáo dục đại học đã có 172 mã tuyển sinh tuyển đủ chỉ tiêu. Trong đó có 226 mã tuyển sinh tuyển được 70% chỉ tiêu, chiếm 70% tổng số mã tuyển sinh trên toàn quốc.
Điểm chuẩn thấp, không thu hút thí sinh là cơ hội cho các trường nâng cao chất lượng đào tạo!
Nhận định về điểm chuẩn của các trường trong năm nay, ông Tuấn cho biết: "Phổ điểm năm nay có thấp hơn phổ điểm của năm 2017 một chút. Tuy nhiên, đây là mức giảm chung trên toàn hệ thống, xảy ra ở cả trường tốp trên và dưới nên vẫn đảm bảo công bằng cho thí sinh. Tuy nhiên, ở một số nhóm ngành có điểm chuẩn thấp hơn so với các nhóm ngành khác trong cùng một trường, thậm chí khác trường, đây là điều hết sức bình thường”.
Theo ông Tuấn, điểm chuẩn của các ngành phụ thuộc vào chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo của các ngành, độ "hot" của thị trường đối với ngành đó. Vì thế nếu năm nay điểm chuẩn đầu vào của một số ngành thấp thì đây cũng là cơ hội để các trường, các ngành khi có điểm chuẩn thấp không thu hút được nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển thì cần nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình, nâng cao chuẩn đầu ra, chất lượng đội ngũ..., làm sao tăng được uy tín của ngành đó để trong năm tới tiếp tục thu hút được thí sinh vào.
Giữ nguyên thi THPT quốc gia đến năm 2020
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tiêu cực ở khâu chấm thi tại một số địa phương, vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là liệu những năm sắp tới sẽ có những điều chỉnh gì trong kỳ thi này.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: "Dù có một số tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia tại một số địa phương, tuy nhiên đây là thiểu số và chúng ta không vì thế phủ định hoàn toàn những nỗ lực tổ chức, làm bài thi nghiêm túc của số đông còn lại. Kỳ tuyển sinh năm nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kế thừa kết quả thành công của năm 2017".
Theo ông Tuấn, Bộ sẽ tiếp tục cải tiến quy trình nhưng theo lộ trình đổi mới thi cử và về mặt tổng thể, cho đến năm 2020, quá trình tuyển sinh, xét tuyển vào các trường đại học, cao đăng, trung cấp sư phạm sẽ giữ nguyên.
"Chúng tôi sẽ tập trung cải tiến kỹ thuật phần mềm, một số khâu quan trọng trong quy trình tổ chức thi, chấm thi…để đảm bảo tối đa quyền lợi của các thí sinh cũng như sự nghiêm túc khách quan của kỳ thi THPT quốc gia", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Thanh Niên - Kênh tuyển sinh
> Việc lạm thu gây mất niềm tin của phụ huynh và nhà tài trợ, ai chịu trách nhiệm?
> Mở nhiều đại học tư thục để phục vụ cho học sinh nên hay không?