Vào ngày 21/08, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng vụ kế hoạch tài chính của Bộ GD&ĐT trao đổi về vấn đề nóng hổi gần đây về việc tình trạng lạm thu đầu năm của các trường địa phương.
> Hà Nội: 10 trường Tiểu học có sĩ số lớp 1 cao nhất
> Nhà trường, giáo viên và phụ huynh thích lớp chọn là do đâu?
Trên mạng xã hội gần đây đang xôn xao bức thư hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đưa ra các kế hoạch bổ sung trang thiết bị giảng dạy, học tập với tổng số tiền trên 900 triệu đồng, mỗi phụ huynh phải đóng nhiều khoản tự nguyện. Một phụ huynh Trường Tiểu học Đông Vệ 2 (Thanh Hóa) cũng cho hay phải đóng 1,3 triệu đồng tiền trường đầu năm...
Trước những thông tin như vậy, ông Trần Tú Khánh cho rằng khi ngân sách nhà nước còn hạn chế thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện là rất chính đáng và cần thiết.
Do đâu có lạm thu?
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các trường chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa, từ đó dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục, thực hiện chưa đúng quy định, lợi dụng hội phụ huynh học sinh, có tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền như ở Hải Phòng, Thanh Hóa...
Với việc kêu gọi sửa chữa trang thiết bị và cơ sở vật chất ở Hải Phòng một cách vô lý chính là hồi chuông cảnh báo về tư duy, cách thức thu - chi và quản lí tài chính hỗ trợ từ xã hội hoá vẫn đang bị hiểu sai trong tình trạng bị nhà trường áp đặt, lừa lọc phụ huynh và nhà tài trợ hảo tâm.
Thực tế là nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt và thực sự muốn cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy - học cho các con. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều phụ huynh khó khăn về kinh tế. Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.
Trước câu hỏi cần có biện pháp xử lý kiên quyết, đặc biệt với người đứng đầu Sở GD&ĐT để chấm dứt tình trạng năm nào cũng lạm thu, ông Khánh cho biết theo phân cấp quản lý, đúng là người đứng đầu cơ sở giáo dục địa phương, đặc biệt là Sở GĐ&ĐT, phải gánh một phần trách nhiệm.
Để xảy ra lạm thu, trách nhiệm lớn nhất là của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Thông tư 55 đã nói rất rõ: ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền từ chối những gợi ý, kêu gọi các khoản đóng góp không phù hợp.
Nếu nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh hiểu, nắm rõ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của mình để thực hiện đúng và có sự chia sẻ với những phụ huynh khác thì sẽ không để xảy ra tình trạng lạm thu được.
Ông Khánh cho biết thêm theo Nghị quyết của Chính phủ đã trình sửa đổi Nghị định 86, năm học 2018 - 2019 sẽ miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi các vùng đặc biệt khó khăn, các vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Lộ trình tiếp theo, trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bộ cũng đề xuất với Chính phủ, Quốc hội có lộ trình miễn với cấp học 9 năm.
"Để hạn chế tình trạng "nở rộ" các khoản thu đầu năm, hằng năm, chúng tôi đều cố gắng rà soát các văn bản pháp quy để hạn chế tối đa, đồng thời gắn kết với các kế hoạch thanh kiểm tra và chỉ đạo các địa phương rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời" - ông Khánh nói.
> Tổ chức 2 kỳ thi THPT Quốc gia trong 1 năm, nên hay không?
> Bộ GD&ĐT đưa ra 9 nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2018-2019
Theo Người lao động - Kênh Tuyển Sinh